Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để bị động khi khai thác nguồn đất đắp phục vụ dự án

08:02, 27/02/2022

Nhu cầu về nguồn đất san lấp phục vụ các dự án hiện rất lớn, tuy nhiên để đưa các mỏ đất đã quy hoạch vào khai thác lại mất rất nhiều thời gian, quy trình thủ tục phức tạp.

Nhu cầu về nguồn đất san lấp phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh thời gian tới là rất lớn, tuy nhiên, để các mỏ đất đã được quy hoạch đưa vào khai thác lại mất rất nhiều thời gian và quy trình thủ tục phức tạp.

Dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp nhiều khó khăn trong thi công do thiếu nguồn đất san lấp
Dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp nhiều khó khăn trong thi công do thiếu nguồn đất san lấp. Ảnh: QUỲNH NHI

* Có quy hoạch, vẫn khó khai thác

Hiện nay, dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong 4 dự án thành phần thuộc dự án Xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 chưa đáp ứng tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do thiếu nguồn đất đắp phục vụ thi công kéo dài.

Trên thực tế, đối với các dự án do Trung ương triển khai, khi thực hiện đấu thầu, các đơn vị thi công dựa trên quy hoạch về các mỏ vật liệu san lấp trên địa bàn địa phương có dự án đi qua để lựa chọn, đưa vào hồ sơ dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục để đưa các mỏ vật liệu san lấp từ quy hoạch đi vào khai thác là không hề dễ dàng.

Theo ông NGUYỄN NGỌC HƯNG, Phó giám đốc Sở TN-MT, các địa phương và người dân rất ngại quy hoạch khi có vị trí đất được đưa vào quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Bởi khi khai thác xong thì rất khó để phục hồi tái sản xuất.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai khai thác các mỏ vật liệu san lấp, nhất là các mỏ đất san lấp, là vấn đề thỏa thuận với phần diện tích đất do các hộ gia đình, cá nhân sử dụng nằm trong khu vực quy hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT cho hay, hiện nay theo quy định, các nhà thầu thi công có thể thỏa thuận với người dân sử dụng diện tích đất nằm trong khu vực quy hoạch để khai thác đất. Sau khai thác, phần diện tích đất trên sẽ hoàn trả lại cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn người dân có đất nằm trong khu vực quy hoạch đều muốn chuyển nhượng theo hình thức “mua đứt, bán đoạn” cho nhà thầu. Mặc dù vậy, giá chuyển nhượng theo giá đất thị trường là rất cao nên các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn.

“Thực tế, sau khi khai thác, giá trị khu đất mất đi rất nhiều nên người dân cũng không mặn mà” - ông Nguyễn Ngọc Hưng cho hay.

Cùng nhận định trên, ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, dù đã có quy hoạch nhưng nhà thầu rất khó thỏa thuận với người dân để khai thác theo kiểu “góp vốn”. Phần lớn người dân đều muốn chuyển nhượng theo giá thị trường. Giá chuyển nhượng cao nên nhà thầu rất khó khăn.

* Xây dựng bộ quy trình cụ thể về cấp phép khai thác

Bên cạnh khó khăn trong việc thỏa thuận với người dân để thực hiện khai thác các mỏ vật liệu san lấp, hiện nay, việc thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác cũng phức tạp và kéo dài.

Đơn cử như đối với các dự án xây dựng đường cao tốc, hiện nay, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết với mục tiêu đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế đặc thù này vào thực tiễn vẫn rất khó khăn. Bởi, việc khai thác đất san lấp chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật.

Xuất phát từ thực tế trên, để sớm chủ động nguồn đất san lấp phục vụ các dự án trọng điểm sẽ được triển khai trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành một quy trình cụ thể để áp dụng đối với các dự án. “Quy trình này có thể đưa vào bộ thủ tục hành chính để các đơn vị triển khai thực hiện nhằm rút ngắn thời gian, sớm đưa các mỏ vật liệu san lấp đã được quy hoạch vào khai thác” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh. 

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều