Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp kỳ vọng vào gói hỗ trợ, kích thích kinh tế 350 ngàn tỷ đồng

02:02, 12/02/2022

Sau khi được Quốc hội chấp thuận, ngày 30-1, Chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tài chính có quy mô 350 ngàn tỷ đồng...

[links()]Sau khi được Quốc hội chấp thuận, ngày 30-1, Chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Với các giải pháp tài chính được nêu ra có quy mô 350 ngàn tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD), đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.

Biểu đồ thể hiện cơ cấu, thành phần của gói hỗ trợ, kích thích kinh tế gần 350 ngàn tỷ đồng. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện cơ cấu, thành phần của gói hỗ trợ, kích thích kinh tế gần 350 ngàn tỷ đồng. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất kỳ vọng sau khi ổn định tình hình, kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 thì gói hỗ trợ mới nhất này sẽ giúp DN có thêm nguồn lực nhanh chóng hồi phục và tăng trưởng. Vấn đề quan trọng là làm sao chính sách được phổ biến rõ ràng, nhanh chóng để DN có thể được thụ hưởng.

* 15 tỷ USD để tiếp tục phục hồi tăng trưởng kinh tế

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,58%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% đề ra ban đầu, nhưng đó cũng là một nỗ lực rất lớn và là thành quả đáng khích lệ trong 1 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh cả nước đã bước vào chu kỳ phục hồi sản xuất, kinh doanh một cách mạnh mẽ, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra gói hỗ trợ nhằm kích thích, phục hồi nền kinh tế. Theo đó, sẽ có khoảng 350 ngàn tỷ đồng được sử dụng cho chương trình phục hồi. Gói hỗ trợ này vừa nhằm hồi phục trước mắt sau đại dịch Covid-19, vừa có tầm nhìn trung hạn là thúc đẩy tăng trưởng GDP 5 năm tới bình quân 6,5-7%/năm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép và các cân đối lớn vĩ mô được đảm bảo.

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ là một trong 4 ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Văn Gia
Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ là một trong 4 ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Văn Gia

Cụ thể, 350 ngàn tỷ đồng tương đương 15 tỷ USD sẽ được thực hiện qua 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Khoảng 60 ngàn tỷ đồng phục vụ cho mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hơn 53,1 ngàn tỷ đồng nhằm đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; 110 ngàn tỷ đồng hỗ trợ phục hồi DN, HTX, hộ kinh doanh; đặc biệt, khoảng 113,85 ngàn tỷ đồng được chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn và giải ngân nhanh, hấp thụ ngay vào nền kinh tế; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ngoài ra, khoảng 10 ngàn tỷ đồng ngoài ngân sách cũng sẽ được huy động.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thuế kế toán luật Việt Á (TP.Biên Hòa) cho rằng, Quốc hội, Chính phủ quyết định ban hành gói hỗ trợ lần này là tin vui đến với cộng đồng DN. Trong đó, việc giảm thuế VAT sẽ kích thích tiêu dùng của người dân, qua đó gián tiếp hỗ trợ DN. Do thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, thời gian qua người tiêu dùng gặp khó khăn nên việc giảm thuế sẽ kích thích tiêu dùng để "tăng tổng cầu", tác động tích cực đến các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. DN có thể dự đoán được sức mua của thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.

* Cần sớm thực hiện

Cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đều rất mong đợi các chương trình hỗ trợ từ phía Nhà nước. Vấn đề vay vốn là điều mà Công ty TNHH MTV Tường Gia Thịnh Phát (TP.Biên Hòa) quan tâm. DN vận tải này đã chật vật trong suốt 2 năm đại dịch vừa qua, có những thời điểm muốn sắp xếp, cải tổ lại cũng rất khó khăn. Trong chính sách hỗ trợ DN và HTX, hỗ trợ kinh doanh có việc hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%/năm với tổng quy mô ước tính khoảng 40 ngàn tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại có thể được coi là cứu cánh đối với những DN. Khi được hỗ trợ một phần lãi suất vay ngân hàng thì cơ hội phục hồi của DN sẽ có triển vọng hơn.

Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến bánh kẹo ở H.Long Thành
Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến bánh kẹo ở H.Long Thành

Ông Hà Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Tường Gia Thịnh Phát, cũng mong muốn các chính sách giảm lãi vay, giãn nợ cần sớm có hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện được thụ hưởng, bởi nếu thủ tục kéo dài DN lại bỏ lỡ thời điểm hồi phục.

Ở phương diện khác, đại diện một DN ngành may mặc xuất khẩu ở H.Trảng Bom cho rằng, sau đợt dịch bệnh vừa qua, một vấn đề bức thiết được đặt lên hàng đầu là phải chăm lo cho đời sống công nhân lao động. Trong đó, việc tạo điều kiện cho người lao động được có nhà ở đáp ứng được nhu cầu của mình là rất quan trọng. Trên thực tế, DN này có khoảng 30% số lao động đang ở trọ vì chưa đủ điều kiện để có nhà ở riêng, DN mong muốn Nhà nước phát triển nhà ở xã hội cho người lao động. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, người lao động có nhà ở, họ đã không dịch chuyển về quê. Cần có sự kết hợp giữa nhà đầu tư, ngân hàng, chính quyền địa phương mới có thể khởi động lại các dự án nhà ở xã hội cho người lao động để giữ nguồn lao động cho mỗi công ty, DN nói riêng và nguồn nhân lực cho tỉnh nói chung, nhất là những năm tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển nhiều khu công nghiệp lớn khác nữa.

Giám đốc Công ty TNHH Tam Long Hưng Phát (TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Huynh cho rằng, điều quan trọng là triển khai các gói hỗ trợ càng nhanh càng tốt. Hiện nay, triển vọng sản xuất, kinh doanh tương đối thuận lợi nhưng điều khó nhất vẫn là nguồn tài chính để phục vụ mục tiêu phát triển của DN, nhất là để gia tăng sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về tài chính, cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Cải thiện môi trường kinh doanh phải làm sao hướng đến sự hài lòng của DN, nhất là các thủ tục trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, tiếp cận chính sách về vốn và hỗ trợ tuyển dụng lao động sau dịch...

* Bám sát thực tiễn để hỗ trợ

Tại Đồng Nai, ngay từ cuối tháng 11-2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Đồng Nai có mối liên kết chặt chẽ với TP.HCM và các tỉnh lân cận, là khu vực có nền kinh tế năng động nên bất kỳ sự đứt gãy nào cũng có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của cả nước. Trong chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, Đồng Nai xác định tăng cường liên kết vùng là một trong những giải pháp quan trọng, nhất là liên kết chặt chẽ với TP.HCM, “nhạc trưởng” của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, Đồng Nai đã phối hợp với các tỉnh, thành và Bộ GT-VT thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các đường vành đai và đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh như: đường vành đai 3, cầu Cát Lái, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú...

 Ngoài hỗ trợ về tài chính, lãi suất, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, giao thương
Ngoài hỗ trợ về tài chính, lãi suất, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, giao thương

Việc hỗ trợ DN trong xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu và mở rộng thị trường cũng được chú trọng. Theo Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các sự kiện triển lãm, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức khác nhau, bao gồm xúc tiến thương mại trực tuyến. Việc triển khai hướng dẫn cho các DN, cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cũng như được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường cũng là giải pháp thúc đẩy sự phát triển nói chung.

Đối với hệ thống tài chính, ngân hàng trên địa bàn tỉnh, thực hiện những quyết định đã ban hành từ Trung ương, thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng đã có sự phối hợp, hỗ trợ các DN trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những giải pháp đã triển khai dù có trợ giúp được phần nào nhưng so với nhu cầu của DN vẫn còn khiêm tốn.

Khi Đồng Nai bước vào trạng thái “bình thường mới”, tỉnh đã kịp thời tổ chức một hội nghị gặp gỡ giữa các ngân hàng và các DN trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, nhiều vấn đề khúc mắc đã được đặt ra. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành Ngân hàng bám sát các chỉ đạo mới nhất từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai một cách kịp thời những chính sách hỗ trợ.

Chia sẻ cùng với DN tại sự kiện nói trên, ông Tạ Thành Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho rằng, mối quan hệ ngân hàng - DN là cộng sinh. Việc tháo gỡ khó khăn cho DN cũng là gỡ khó cho ngân hàng. Do vậy, hệ thống ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định của cấp trên, nhằm mục tiêu chính sách có thể đến với DN thuận lợi nhất có thể.

Văn Gia


Bà NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG, Phó giám đốc Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh: Nên tăng hạn mức bảo lãnh cho vay trả lương

Loạt chính sách miễn giảm thuế phí, lệ phí trong năm 2022 đã được Chính phủ đưa ra. Chính sách giảm thuế, phí, lệ phí, đặc biệt giảm thuế giá trị gia tăng sẽ như liều thuốc kích cầu tiêu dùng trong đại dịch. Nên có một quy trình rõ ràng hơn để các cá nhân cũng như DN được tiếp cận sớm gói hỗ trợ này. Bên cạnh đó, cần tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước và tiếp tục tái cấp vốn đối với ngân hàng chính sách xã hội với mục đích cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, cho vay ưu đãi sinh viên, người nghèo... Đây là gói vay rất tốt, bởi vì sinh viên là lực lượng lao động tương lai và nếu họ gặp khó khăn sẽ để lại nhiều vấn đề về xã hội.

Chính sách đã có, nhưng cần phải sớm được triển khai trên thực tế. Theo tôi được biết, Chính phủ sẽ cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2 ngàn tỷ đồng để ngân hàng chính sách xã hội triển khai cho vay ưu đãi. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất 2%/năm với các khoản có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được ngân hàng chính sách xã hội giải ngân trong năm 2022-2023. Tổng vốn hỗ trợ lãi suất là 3 ngàn tỷ đồng, nhưng đến nay các ngân hàng vẫn chưa tiếp nhận hỗ trợ chính sách trên.

Rất mong ngân hàng sớm có chính sách về việc miễn giảm lãi suất, tạo thêm động lực cho DN tiếp cận nguồn vốn tiếp tục phát triển kinh doanh trong thời gian vực dậy sau đại dịch Covid-19.

Ông NGUYỄN QUANG TUYẾN, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn du học Nhật Ngữ: Cần minh bạch các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ DN, người lao động trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trong đó có những vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội nên DN rất cần các thông tin cụ thể, dễ hiểu để áp dụng.

DN chúng tôi chuyên về đào tạo tiếng Nhật cho công ty và tuyển sinh du học Nhật Bản, nhưng 2 năm nay vẫn đang hoạt động cầm chừng. Không chỉ bị tác động bởi tình hình dịch bệnh trong nước mà còn từ phía nước Nhật. Các kế hoạch đào tạo, tuyển sinh bị ảnh hưởng, lượng học viên, doanh thu giảm sút nhưng vẫn phải duy trì hoạt động của DN và việc làm cho người lao động.

Một thời gian dài, DN phải gồng gánh các chi phí mặt bằng, lãi vay ngân hàng, tiền lương lao động nên rất khó khăn. Trong khi đó, so với lĩnh vực sản xuất thì các ngành dịch vụ đào tạo vẫn chưa thể khôi phục được. Các DN mong muốn được tiếp tục gia hạn các khoản nợ bảo hiểm cũng như nợ vay ngân hàng để có thêm động lực hồi phục hoạt động.

Ông LÊ XUÂN QUÂN, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa): Hiệp hội là cầu nối giữa chính quyền và DN trong triển khai các chính sách hỗ trợ

Ngành sản xuất gỗ Việt Nam năm vừa qua gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đạt được kết quả tốt vào cuối năm. Riêng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Đồng Nai đạt 1,86 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2020, chiếm 8,5% và đứng thứ 4 trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của tỉnh; chiếm 13% và đứng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước.

Năm 2022, triển vọng đối với ngành gỗ có những thuận lợi nhất định. Các chính sách kịp thời của Nhà nước, nhất là việc tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 đã hỗ trợ rất lớn cho DN phục hồi. Do vậy, thông qua chương trình kích thích kinh tế lần này, các DN sẽ có điều kiện hơn nữa về nguồn vốn cũng như các chính sách hỗ trợ hành chính để tăng cơ hội phát triển.

Với vai trò là hiệp hội sản xuất chuyên ngành có 154 hội viên hiện tại, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai sẽ tiếp tục là cầu nối giữa việc triển khai chính sách trên địa bàn giữa địa phương với các DN thành viên. 

Đào Lê (ghi)


 

Tin xem nhiều