Cùng với những khó khăn chung do đại dịch Covid-19 mang lại cho sản xuất, kinh doanh nói chung, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh hàng Việt còn phải đối mặt với những thách thức trong một giai đoạn mới - giai đoạn thị trường có sự tác động của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất từ trước đến nay.
Cùng với những khó khăn chung do đại dịch Covid-19 mang lại cho sản xuất, kinh doanh nói chung, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh hàng Việt còn phải đối mặt với những thách thức trong một giai đoạn mới - giai đoạn thị trường có sự tác động của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất từ trước đến nay. Mới mẻ và có tác động lớn nhất có lẽ là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới, chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2022 sau 8 năm đàm phán.
Và trước đó là 2 FTA “quyền lực” cũng vừa có hiệu lực chưa lâu (lần lượt năm 2019 và 2020) là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu).
Hiện tại, Việt Nam cũng đã và đang đàm phán, ký kết thêm nhiều FTA mới như: UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh); FTA giữa Việt Nam với Khối thương mại tự do châu Âu (gồm 4 nước); FTA giữa Việt Nam - Israel… Tính chung trong vòng gần 30 năm qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết tổng cộng 17 FTA với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, với phạm vi tác động lớn và có quan hệ thương mại với rất nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Sẽ đến một lúc nào đó, thị trường thế giới thực sự trở thành sân chơi chung không phân biệt hàng hóa đến từ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, với các hàng rào thuế phí như nhau, các quy định và quy chuẩn như nhau. Vậy điều gì sẽ làm nên sự khác biệt cho các loại hàng hóa, làm nên sức cạnh tranh cho một mặt hàng nào đó của một quốc gia nào đó?
Câu trả lời có lẽ chính là chất lượng của mặt hàng đó trong “hằng hà sa số” các chủng loại và thương hiệu hàng hóa tương tự nhau trên thị trường. Chất lượng, giá cả, mẫu mã và cả những yếu tố “sâu xa” hơn như mức độ bảo vệ môi trường của sản phẩm, mức độ “nhân văn” của sản phẩm, mức độ minh bạch của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng… sẽ quyết định món hàng đó có được chọn mua hay không. Vì vậy, để một DN Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đó, chỉ có con đường nâng cao nội lực để dần chuẩn hóa sản phẩm của mình phù hợp với các yêu cầu và tiêu chí chọn lựa của người mua.
Thông thường, trước các FTA lớn, có thể dễ dàng nhìn ra cơ hội phát triển cho hàng Việt, song ở “vế” bên kia, những thách thức và sức ép lớn từ phía các DN trong nước cũng nên được nhìn nhận một cách thực tế. Tuy có nhiều sự tiến bộ trong những năm qua, song phải thừa nhận, trên kệ hàng (nhiều ngành hàng) hiện tại, hàng Việt đang chịu một sức cạnh tranh khốc liệt từ hàng ngoại. “Vào” thị trường Việt Nam một cách dễ dàng hơn, hàng ngoại đang ngày càng được lòng người tiêu dùng trong nước do chất lượng và thương hiệu đã vững vàng, giá rẻ hơn.
Vậy cho nên, giai đoạn tới đây, cùng với những thách thực của thời kỳ “hậu đại dịch”, hàng Việt Nam còn phải củng cố nội lực nhiều hơn nữa, nâng cao chất lượng nhiều hơn nữa để có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và tiến dần ra thế giới nhằm tận dụng lợi thế của các FTA.
Vi Lâm