Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nghệ là giải pháp giữ thị phần

11:02, 09/02/2022

Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa.

[links()]Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã chú trọng hơn đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa. Quá trình chuyển đổi công nghệ tại các DN còn chậm, nhưng bước đầu gặt hái được thành công.

Công ty TNHH Việt Nam Center  Power Tech (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, H.Nhơn Trạch) ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất các loại pin, ắc quy nên nhiều khâu chỉ theo dõi từ xa. Ảnh: K.Minh
Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, H.Nhơn Trạch) ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất các loại pin, ắc quy nên nhiều khâu chỉ theo dõi từ xa. Ảnh: K.Minh

Theo Sở Công thương, năm 2021, các DN trên địa bàn tỉnh chi gần 1,5 tỷ USD để nhập khẩu máy móc thiết bị để lắp đặt mới và thay đổi dây chuyền sản xuất, chiếm gần 5% trong giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Như vậy, bằng với mức bình quân chung của cả nước, nhưng thấp hơn so với một số nước trong khu vực ASEAN.

* DN FDI chuyển đổi nhanh hơn

Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển đổi máy móc thiết bị công nghệ hiện đại nhanh hơn DN có vốn đầu tư trong nước. Vì DN FDI thường có ưu thế về vốn, đồng thời sản phẩm làm ra có đến 60-95% xuất khẩu, đối tác trên thế giới ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã nên để giữ được thị phần DN buộc phải đầu tư vào công nghệ.

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Chang Dae Vina (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Jang Won, công ty chuyên sản xuất các thiết bị cho tivi, máy tính… để xuất khẩu và cung cấp cho thị trường trong nước. Lĩnh vực trên đòi hỏi rất cao về chất lượng và mẫu mã nên công ty phải lắp đặt máy móc hiện đại, nhiều công đoạn được tự động hóa để đáp ứng yêu cầu của khách hàng ngày càng đòi hỏi cao.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất công nghiệp không chỉ là mục tiêu của Đồng Nai mà cả nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới đều hướng đến và đều có lộ trình để thực hiện.

Một số DN FDI trên địa bàn tỉnh cho biết, các sản phẩm xuất khẩu đa số không phải là độc quyền nên DN không đầu tư cho công nghệ rất khó giữ được thị phần. Bởi, DN từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng sản xuất mặt hàng cùng loại và xuất khẩu chung một thị trường, việc cạnh tranh rất gay gắt. Đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để có sản phẩm chất lượng cao, giá cạnh tranh được xem như là giải pháp hữu hiệu nhất để DN giữ chân khách hàng và mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) cho hay: “Kaneko chuyên sản xuất các loại van cho ngành dầu khí, máy bay, vũ trụ, máy công nghiệp và sản phẩm đa số là xuất khẩu sang các nước. Các ngành trên đều có ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nên Kaneko đã đầu tư những máy móc hiện đại nhất để có thể sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng”.

* Sớm nắm bắt được công nghệ 4.0

Công nghiệp chế tạo cũng như các ngành công nghiệp khác sẽ liên tục phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao và hướng đến công nghệ 4.0. Do đó, các DN muốn tồn tại, phát triển bền vững buộc phải đầu tư chuyển đổi công nghệ theo từng giai đoạn để tránh bị tụt hậu. Thực tế cho thấy, những DN nào ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất sẽ trụ vững và phát triển khá tốt, còn những DN có máy móc công nghệ lạc hậu sẽ ngày càng bị thu hẹp vì thiếu đơn đặt hàng.

Ông Artur Petrosjan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) nói: “Công ty sản xuất thiết bị cho các loại máy móc y tế, công nghiệp, điện thoại… Sản phẩm làm ra hầu hết là xuất khẩu sang nhiều nước. Do có công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng những đòi hỏi cao của đối tác nên công ty không lo thiếu đơn hàng. Nếu dịch bệnh Covid-19 được khống chế tốt, giao thương giữa các nước trở lại bình thường, công ty sẽ có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, xuất khẩu”.

Đưa công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, thay dần những máy móc dây chuyền lạc hậu là mong muốn của DN và của cả chính quyền địa phương. DN ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất sẽ dễ dàng thành công, giải quyết việc làm ổn định, thu nhập cao cho người lao động và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, trong năm 2022, Đồng Nai sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế thân thiện môi trường, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới, ứng dụng công nghệ số.

Khánh Minh

          

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích