Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội cho hàng Việt sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

03:02, 15/02/2022

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, trong thời gian gần đây, nhất là vào dịp cao điểm mua sắm cuối năm, cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc...

[links()]Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, trong thời gian gần đây, nhất là vào dịp cao điểm mua sắm cuối năm, cận Tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc. Đây là cơ hội để hàng Việt tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng, nhất là các mặt hàng có thế mạnh như: nông sản, thực phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng...

Đồ họa thể hiện một số kết quả đạt được trong hoạt động kết nối hàng Việt, phát triển các kênh quảng bá, tiêu thụ hàng hóa địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh trong thời gian qua. (Nguồn: Sở Công thương - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện một số kết quả đạt được trong hoạt động kết nối hàng Việt, phát triển các kênh quảng bá, tiêu thụ hàng hóa địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh trong thời gian qua. (Nguồn: Sở Công thương - Đồ họa: Hải Quân)

Nhiều sản phẩm hàng Việt đã chủ động “đón đầu” các xu hướng tiêu dùng thời hậu Covid-19 để đưa ra những mẫu mã, combo “giỏ hàng” Việt để thu hút khách hàng, cũng như nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập…

* Tận dụng các đợt cao điểm mua sắm để kích cầu

Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, hàng Việt đã dần có sự thích nghi với nhu cầu thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, nhãn hàng Việt chủ động tung ra nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng vào dịp cao điểm để thu hút khách hàng…

Vào đợt cao điểm cuối năm 2021 và giáp Tết Nhâm Dần 2022, thị trường mua sắm trở nên sôi động hơn sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, để thu hút người tiêu dùng, nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi được các nhà bán lẻ, kinh doanh, các DN trong nước triển khai, lồng ghép chương trình Tháng Khuyến mãi tập trung ở địa phương và toàn quốc với nhiều hình thức từ trực tiếp đến online…

Giám đốc BigC Đồng Nai Lê Văn Hồng chia sẻ, nhu cầu mua sắm vào dịp Tết vừa qua có nhiều khởi sắc. Siêu thị đã chủ động nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đảm bảo ổn định giá cả đầu ra vào dịp cao điểm Tết, trong đó có nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng dành cho các sản phẩm hàng Việt, đặc sản địa phương…

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, trong đợt cao điểm mua sắm Tết, siêu thị triển khai nhiều chương trình khuyến mãi lớn như: Chào Xuân ân tình, đón Tết bình an; Sắm Tết đủ đầy, an tâm chất lượng; Mua càng nhiều, giảm càng to; khuyến mãi giỏ quà Tết... Trong đó phần lớn là các sản phẩm hàng Việt, nhất là các loại đặc sản vùng miền, thực phẩm công nghệ, bánh kẹo Tết… với nhiều sản phẩm được ưu đãi giảm giá từ 10-35%...

Không chỉ các kênh bán lẻ, phân phối truyền thống, trên nhiều nền tảng công nghệ, sàn thương mại trực tuyến, nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng hàng Việt cũng được chú trọng triển khai.

Lãnh đạo tỉnh và đại diện Cục Công tác phía Nam (Bộ Công thương) tham quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đồng Nai. Ảnh: H.Quân
Lãnh đạo tỉnh và đại diện Cục Công tác phía Nam (Bộ Công thương) tham quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đồng Nai. Ảnh: H.Quân

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc phát triển thị trường miền Nam của Công ty CP Công nghệ Sapo - công ty chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý bán hàng, kinh doanh trực tuyến chia sẻ, trong đợt cao điểm cuối năm, cận Tết Nhâm Dần 2022, nhất là từ tháng 12-2021 đến cuối tháng 1-2022, nhu cầu đưa hàng hóa lên các gian hàng trực tuyến trên hệ thống của công ty các nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nông sản địa phương, đặc sản vùng miền… tăng cao từ 4-5 lần so với ngày thường. Song song đó, tỷ lệ ra đơn hàng, giao dịch thành công cũng tăng cao. Đơn cử, đối với tỷ lệ giao dịch thành công đối với các sản phẩm hàng Tết của những nhà bán hàng mới tăng từ 30-40% lên mức 80%...

* Nhiều kênh hỗ trợ quảng bá

Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, nhiều chương trình hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng Việt, nhất là đối với các sản phẩm thế mạnh của địa phương được triển khai. Theo lãnh đạo Sở Công thương, trong thời gian qua, việc ra mắt khu trưng bày, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh hay việc ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn) giúp tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, đặc sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh, từ đó kết nối, tạo thêm cơ hội để các sản phẩm địa phương tiếp cận nhiều hơn với khách hàng, đối tác…

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) chia sẻ, việc phát triển sàn thương mại điện tử của Đồng Nai có sự khác biệt, đặc trưng riêng của địa phương. Đây là kênh góp phần phát triển các sản phẩm tiêu biểu, hàng hóa thế mạnh, đặc sản của Đồng Nai, đồng thời kết nối hàng hóa địa phương với các địa phương khác, tiến tới mở rộng cơ hội xuất khẩu, rút ngắn khoảng cách về không gian, thời gian trong hoạt động thương mại…

Người dân chọn mua các sản phẩm tại gian hàng các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai ở Big C Đồng Nai. Ảnh: HẢI QUÂN
Người dân chọn mua các sản phẩm tại gian hàng các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai ở Big C Đồng Nai. Ảnh: HẢI QUÂN

Bên cạnh đó, khảo sát tại nhiều siêu thị trên địa bàn TP.Biên Hòa đều có các gian hàng dành riêng cho các loại đặc sản Việt hoặc sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP của tỉnh. Các gian hàng này thường được bố trí ở khu vực dễ nhìn, thậm chí có siêu thị còn bố trí ngay ở khu vực lối đi, mặt tiền gần tầm mắt của khách hàng…

Bà Hoàng Thị Tố Uyên chia sẻ thêm, đầu tháng 12-2021, Co.opmart Biên Hòa chính thức mở thêm gian hàng dành riêng cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của Đồng Nai. Gian hàng này nằm trong chương trình kết nối các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của địa phương với hệ thống Co.opmart, góp phần giới thiệu các đặc sản, sản phẩm OCOP của Đồng Nai đến với người tiêu dùng, cũng như góp phần giúp các DN địa phương, người nông dân trong tỉnh mở rộng kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Hiện nay, gian hàng đã có 5 nhà cung cấp đưa hàng lên kệ với các mặt hàng như: bột ca cao Trọng Đức, bánh sữa Long Thành, hạt điều Yến Nhung, sản phẩm sen Trường Phát, chuối sấy Thuận Hương.

Đặc biệt, thời gian qua, Sở Công thương đã chủ động kết nối, hỗ trợ các DN, HTX trong tỉnh tham gia nhiều hội chợ, triển lãm kết nối cung - cầu, trong đó có nhiều hội chợ, triển lãm giao thương trên nền tảng số, các gian hàng quảng bá sản phẩm theo mô hình thực tế ảo…

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) chia sẻ, tại hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trên cả nước diễn ra vào đầu tháng 12-2021, bên cạnh việc tham gia kết nối cung - cầu trực tiếp, công ty còn tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên gian hàng thực tế ảo của hội nghị. Đây là một hoạt động mới giúp tạo điều kiện thúc đẩy kênh quảng bá sản phẩm, phát triển hình ảnh, thương hiệu của công ty trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp…

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, các gian hàng thực tế ảo, hoạt động kết nối cung - cầu trực tuyến được kết nối linh hoạt, trực quan trong tình hình mới, chủ động thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19. Đặc biệt, đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu cho hàng Việt, nhất là hàng hóa địa phương trên nền tảng số. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối thêm cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm thực tế ảo, xúc tiến thương mại trên nền tảng trực tuyến, số hóa…

Hiện nay, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc mua sắm để nâng cao chất lượng sống. Trong thời gian qua, ngay cả những thời điểm khó khăn do dịch bệnh, hàng hóa trong nước vẫn luôn có một vị thế nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Có thể thấy, hàng Việt ngày càng được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử... ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên các quầy, kệ hay gian hàng trực tuyến.

Bà Thiên Hương (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hiện các loại thực phẩm khô, rau củ quả, hàng tiêu dùng nhanh... của các thương hiệu Việt đã trở nên phong phú, đa dạng chủng loại, đồng thời có nhiều cải thiện hơn nhằm nâng cao chất lượng, thu hút khách hàng nội địa. Cùng với đó, nhiều DN, đơn vị đã mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến giúp người tiêu dùng thoải mái lựa chọn từ sản phẩm trong giỏ hàng, cách thức mua hàng, giao hàng cho đến phương thức thanh toán như: tiền mặt, ví điện tử, chuyển khoản... vô cùng tiện lợi, nhanh chóng”.

Hải Quân

Tin xem nhiều