Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động đón đầu xu thế hội nhập

11:02, 14/02/2022

Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh sòng phẳng theo tiến trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA)...

[links()]Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, nông sản, thực phẩm, gỗ xuất khẩu… đang bước vào giai đoạn cạnh tranh sòng phẳng theo tiến trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới vừa có hiệu lực trong 2 năm gần đây như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy của Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food) ở Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom. Ảnh: H.Hải
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy của Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food) ở Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom. Ảnh: H.Hải

* Nâng cao vị thế sân nhà

Hàng Việt sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ quá trình hội nhập, sẽ chịu sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà khi hàng hóa của các nước có chung FTA với Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập sâu rộng vào thị trường trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, đòi hỏi hàng Việt phải đảm bảo chất lượng; cập nhật, thay đổi thường xuyên, liên tục về kiểu dáng, giá thành…

Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hữu Nam nhấn mạnh, khi tham gia vào sân chơi hội nhập các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, bên cạnh các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, để có thể cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, các DN Việt không có cách nào khác ngoài thay đổi tư duy như: đầu tư cho con người, công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp và phong phú, giá thành hợp lý và dịch vụ sau bán hàng tốt. Đó là chìa khóa để chiến thắng, giữ và nâng cao thị phần ngay trên sân nhà.

Mặc dù có rất nhiều nỗ lực, cải tiến, song vẫn không thể phủ nhận, nhiều sản phẩm hàng Việt đa phần vẫn được sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, giá cả và bao bì chưa tương xứng... Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã bắt mắt, chỉn chu hơn thì việc phân phối, tiếp thị sản phẩm như thế nào, chiến dịch quảng cáo để khẳng định thương hiệu ra sao cũng là chiến lược cạnh tranh quan trọng nhằm giữ vững thị trường nội địa.

Bà Phạm Hồng Nhung (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), một khách hàng thường xuyên chọn mua các sản phẩm hàng Việt như: sữa, bánh kẹo, thời trang… chia sẻ, điểm mạnh của các sản phẩm Việt là gần gũi với các gia đình truyền thống. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh và phát triển hơn nữa cần đổi mới trong khâu trung gian và hệ thống phân phối. Bởi các khâu này chiếm tỉ trọng cao, dẫn đến giá thành chưa thật sự cạnh tranh, trong khi các sản phẩm ngoại nhập chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt mà giá chỉ tương đương hoặc chênh lệch ít.

* Tìm hiểu kỹ thông tin thị trường xuất khẩu

Các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới, là những đòn bẩy cho các hoạt động sản xuất, xuất khẩu ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hay “bình thường mới”. Vấn đề là các doanh nghiệp (DN) cần phải nắm vững và nắm rõ các điều kiện của mỗi FTA để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu, hàng rào kỹ thuật, thuế quan trong mỗi hiệp định, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ các FTA.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu trong tỉnh ngày càng quan tâm tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến phòng vệ thương mại, xuất xứ hàng hóa để chủ động đáp ứng các nguyên tắc, yêu cầu trong quá trình hội nhập.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (gọi tắt là dự án USAID TFP) chia sẻ, đối với thị trường lớn như Hoa Kỳ, khi muốn xuất khẩu vào thị trường này, các DN Việt Nam, nhất là các DN địa phương cần nắm vững quy tắc xuất xứ của mặt hàng xuất khẩu, nắm rõ nguồn gốc của nguyên vật liệu. Nếu nguyên vật liệu mua trong nước, cần biết nguồn gốc của nguyên vật liệu đó được sản xuất tại Việt Nam hay nhập khẩu; nếu nguyên vật liệu nhập khẩu, cần nắm rõ xuất xứ của nguyên vật liệu đó...

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc, nhằm giúp các DN trong tỉnh nâng cao nhận thức về hội nhập, trong thời gian tới, Sở sẽ xây dựng phương án triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại theo hình thức phù hợp, đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19; chủ động kết nối, cập nhật các thông tin về hội nhập, các FTA thế hệ mới.

Đặc biệt, đối với đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030, Sở Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai đề án nói trên theo từng năm. Trong đó có xúc tiến thương mại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu…

Hoàng Hải

 

Tin xem nhiều