Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 (Nghị quyết 02/NQ-CP). Đây là nghị quyết được Chính phủ đưa ra để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần những giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thiết kế mỹ thuật Thiên Nam (Thiên Nam Art, TP.Biên Hòa). Ảnh: V.GIA |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động lớn đến nền kinh tế thời gian vừa qua, tiến trình hồi phục của doanh nghiệp (DN) nói riêng và các ngành sản xuất nói chung đòi hỏi cần có quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận tiện cho quá trình phục hồi và phát triển.
* Đặt trọng tâm đúng chỗ
Từ năm 2014, Việt Nam công bố chương trình cắt giảm thủ tục hành chính cải thiện môi trường kinh doanh hằng năm. Nhờ vậy, những năm qua, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới. Từ sự nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng toàn cầu uy tín được nâng lên.
Tuy nhiên, dưới nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là do tác động của đại dịch Covid-19, đã có sự chững lại trong tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Năm 2021, so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc như: đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104)…
Từ những tháng cuối năm 2021, Việt Nam đã từng bước bình thường hóa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Chiến lược sống chung an toàn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt đã giúp các DN từng bước hồi phục. Để trụ vững và phát triển thời kỳ hậu Covid-19, cộng đồng DN cần sự quyết tâm hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, giúp nhà đầu tư gia nhập thị trường, mở rộng sản xuất. Các khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như Bộ KH-ĐT đều ghi nhận mong muốn lớn nhất của cộng đồng DN là đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch, rõ ràng trong các chính sách; sự công minh và thái độ thân thiện của cán bộ cấp thực thi. DN cho rằng, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính là giải pháp bền vững, dài hạn và cũng có tác dụng như một gói hỗ trợ cho DN, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường…
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện, sự hỗ trợ từ Nhà nước trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tạo điều kiện để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh của mình. Hiện nay, DN đối mặt cùng lúc với rất nhiều khó khăn, từ thiếu hụt lao động cho đến tài chính và cả những vấn đề mà trước đó ít gặp như: đứt gãy chuỗi cung cầu hàng hóa, đứt gãy đối tác và giá cước vận chuyển tăng gấp nhiều lần. Do vậy, nhiệm vụ song song là phải vừa cải thiện môi trường kinh doanh, vừa triển khai ngay các chính sách hỗ trợ mới đã được ban hành để DN có thêm nguồn lực.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, phần việc phải làm lớn nhất trong năm nay sẽ là cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và dỡ bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025 như: cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; loại bỏ rào cản đối với đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách về đăng ký đất đai và bất động sản; phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
* Đồng Nai tiếp tục cam kết đồng hành với DN
Đồng Nai là tỉnh có đông công nhân lao động, nhiều khu công nghiệp và hàng chục ngàn DN đang hoạt động trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong suốt thời gian qua, Đồng Nai xác định sự phát triển của DN cũng chính là sự phát triển của Đồng Nai. Do vậy, địa phương đã triển khai các giải pháp đồng hành, hỗ trợ, giúp DN sớm có thể phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh những giải pháp như tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 cho toàn bộ công nhân lao động một cách sớm nhất có thể thì Đồng Nai cũng đã tổ chức các buổi gặp gỡ với DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đối thoại giữa các DN với các ngân hàng, giữa các hiệp hội với các DN trong và ngoài nước để lắng nghe những khó khăn, tìm giải pháp tích cực hỗ trợ. Những vấn đề của DN, trong thẩm quyền của mình đã được địa phương ưu tiên xử lý, tháo gỡ kịp thời.
Xuất khẩu là một trong những lĩnh vực sẽ được hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi. Trong ảnh: Lô hàng xuất khẩu đi Nhật Bản của một doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở Đồng Nai |
Trong năm 2022, theo Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh, tình hình hoạt động của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh vẫn có những khó khăn nhất định. Do vậy, Đồng Nai sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ DN.
Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung nhận định, phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất, xuất khẩu là một trong những hướng trọng tâm của tỉnh. Sở sẽ phối hợp với Bộ Công thương theo dõi, bám sát việc triển khai kế hoạch thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được phê duyệt, hướng dẫn DN tận dụng tốt hơn các FTA đã ký kết. Đồng thời, chú trọng dự báo thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường cho các DN nắm bắt. Cảnh báo sớm, hướng dẫn, hỗ trợ DN ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại…
Cùng với các giải pháp cụ thể, trực tiếp hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thị trường thì tại Đồng Nai, theo chương trình cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2021-2030 được ban hành vào tháng 9-2021, mục tiêu là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Trọng tâm là về tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, các cơ chế chính sách tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền số.
Trong đó, đến năm 2025, hoàn thiện hệ thống thể chế nền hành chính của tỉnh theo quy định của Trung ương và thực tiễn của tỉnh. Tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao năng lực về hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ là hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế của nền hành chính hiện đại, thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển.
Văn Gia