Hằng năm, mặc dù từ Trung ương đến địa phương đều cam kết hỗ trợ DN, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh... song vẫn phát sinh những tồn tại, vướng mắc.
Hằng năm, mặc dù từ Trung ương đến địa phương đều đặt ra cam kết và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh song vẫn phát sinh những tồn tại, vướng mắc. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong hệ thống quản lý của địa phương vẫn còn…
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.LÊ |
Sự chồng chéo trong công tác quản lý giữa tỉnh và một số bộ, ngành chuyên môn khiến hiệu quả cải cách thủ tục hành chính chưa cao. Cộng đồng DN cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trước hết phải bắt đầu từ những việc cụ thể.
* Đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ
Năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ có triển vọng hơn rất nhiều so với năm 2021 bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh Covid-19. Nguyên do là Việt Nam đã trở lại nhịp sống bình thường, người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở tốp đầu thế giới nên có thể triển khai biện pháp sống chung an toàn với dịch bệnh. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đã quyết định thực hiện gói hỗ trợ mới lớn nhất từ trước tới nay cho cộng đồng DN, người dân nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Gói hỗ trợ lớn là rất thiết thực ngay trong lúc này nhưng cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ vừa mới ban hành không thực hiện một cách có hiệu quả, hoặc chậm trễ. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và triển khai càng sớm càng tốt trên các lĩnh vực, từ phục hồi lao động cho đến kích thích bằng hỗ trợ lãi suất cho DN. Chính phủ cũng cần tính toán bảo lãnh và xây dựng gói vay riêng cho các DN nhỏ và vừa…
Đối với DN, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng
(TP.Biên Hòa) Ngô Thanh Bình cho hay, trải qua năm 2021 với nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, may mắn là tới hiện nay công ty vẫn còn tồn tại, có cơ hội để tiếp tục phát triển. Chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN đã có, điều mà nhiều DN mong muốn là việc triển khai các giải pháp hỗ trợ cần phải nhanh chóng vì hơn lúc nào hết đây mới là thời gian DN cần nhất. Bên cạnh đó, là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công ty cũng mong chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa vì đây là một trong những lĩnh vực sản xuất của tương lai. Được quan tâm và có định hướng rõ hơn để vực dậy sau đại dịch Covid-19 năm 2021 sẽ là cơ hội để DN tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực và thương hiệu của mình, cũng như góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
* Bắt đầu từ những việc làm cụ thể
Nói về việc cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương, khi chính sách đã có cùng với những quyết định, cam kết từ chính quyền đồng hành với DN thì điều tất nhiên sẽ có những chuyển động tốt lên. Tuy nhiên, theo nhiều DN nhỏ và vừa mới gia nhập thị trường, việc cải thiện này trước hết cần bắt đầu từ những người thực thi. Có nghĩa là cán bộ phụ trách kinh doanh ở địa phương trước hết cần hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tiếp cận cơ chế, chính sách một cách thuận lợi hơn; không làm khó DN trong hoàn thiện thủ tục hồ sơ, vừa mất thời gian, vừa làm lỡ cơ hội hợp tác với đối tác…
Chủ một cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở H.Thống Nhất chia sẻ, khi ông thành lập cơ sở sản xuất của mình, các cán bộ địa phương đã không có những tư vấn đầy đủ trong việc đứng tên thành lập cơ sở nên ông phải mất một thời gian để chỉnh sửa, đăng ký lại mục đích kinh doanh. Trong thời điểm đó, đối tác đặt số lượng hàng lớn nhưng vì thiếu điều kiện, hồ sơ thủ tục nên cơ sở của ông bỏ lỡ mất đơn hàng với đối tác. Ông mong muốn, đối với các cơ sở kinh doanh, DN mới gia nhập thị trường, DN nhỏ và vừa thì vốn kiến thức về pháp luật kinh doanh rất hạn chế nên cần có đội ngũ tư vấn hiệu quả. Đa phần DN, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều đi lên từ hộ gia đình, nếu từ khi bắt đầu khởi sự mà thiếu sự hỗ trợ ban đầu, dù nhỏ, cũng sẽ phần nào làm DN lỡ cơ hội phát triển.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (TP.Biên Hòa) Nguyễn Duy Hưng cho biết, DN mong đợi sắp tới đây các cơ quan nhà nước sẽ triển khai nhanh những văn bản hướng dẫn thực thi và việc triển khai cần cụ thể hơn, đề cập tới những vấn đề sát sườn mà DN quan tâm như: thủ tục nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội sao cho nhanh gọn và đơn giản. Là đơn vị chuyên phục vụ xuất nhập khẩu, ông quan tâm đến việc thực hiện các thủ tục hải quan trong xuất, nhập khẩu hàng hóa sao cho dễ dàng, thuận lợi, bớt tốn kém các chi phí và thời gian. Cộng đồng DN nhỏ và vừa của địa phương đang trong quá trình hồi phục, việc tiếp cận nguồn tín dụng bằng cách nào để đạt hiệu quả cao nhất mà có thể vượt qua được những quy định về tài sản bảo đảm hay thế chấp đang là điều rất cụ thể và cần thiết…
Đào Lê