Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển vọng phục hồi và tăng trưởng

09:01, 20/01/2022

Kinh tế Việt Nam vừa trải qua 1 năm đầy khó khăn, chật vật. Trong tình hình khó khăn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhiều kế hoạch của cộng đồng doanh nghiệp (DN) buộc phải tính toán lại để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Kinh tế Việt Nam vừa trải qua 1 năm đầy khó khăn, chật vật. Trong tình hình khó khăn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhiều kế hoạch của cộng đồng doanh nghiệp (DN) buộc phải tính toán lại để phù hợp với tình hình thực tiễn. Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" của Chính phủ được ban hành trong những tháng cuối năm đã mang lại không gian phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa, kinh doanh cho người dân, DN, giúp phục hồi kinh tế mạnh mẽ.

Đồ họa thể hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế Đồng Nai trong năm 2022 (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế Đồng Nai trong năm 2022 (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

Thực tế sản xuất những tháng cuối năm với điểm sáng là thị trường xuất khẩu rộng mở giúp cho các DN lạc quan hơn về triển vọng trong năm mới.

* Xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng

Trong bối cảnh các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng rất khả quan. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%. Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD giá trị hàng hóa.

Trong năm, nhờ những nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, cộng đồng DN cũng như kết quả thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã hỗ trợ rất lớn cho DN ứng phó với khó khăn do đại dịch gây ra. Cơ cấu thị trường và cơ cấu hàng xuất, nhập khẩu đã chuyển biến mạnh mẽ và tích cực. Các mặt hàng ngày càng đa dạng và các nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 86% giá trị xuất khẩu của cả nước, trong khi các mặt hàng nguyên liệu, khoáng sản thô tiếp tục giảm tỉ trọng. Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa. Điều này đem đến sự cân bằng và tự chủ tốt hơn cho hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh chuỗi sản xuất và cung ứng trong nước và thế giới bị đứt gãy. Các DN đã khai thác, tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các FTA để phát triển thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Tại Đồng Nai, thị trường xuất khẩu có những sự xáo trộn tùy thuộc vào tình hình lây lan dịch bệnh của tỉnh cũng như cả nước. Trong khoảng 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu có những bước đột phá khi đạt gần 11,6 tỷ USD, tăng 34,17% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7-2021 trở đi, giá trị xuất khẩu giảm sút bởi địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội một số khu vực để phòng, chống dịch. Các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu cũng phải hạn chế sản xuất, giảm công suất, giãn cách ca, kíp công nhân, thậm chí nhiều đơn vị phải tạm đóng cửa trong suốt quý III của năm nên xuất khẩu giai đoạn này giảm sút. Đây cũng là quý mà kinh tế địa phương cũng như cả nước sụt giảm mạnh. Sang quý IV, xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là 2 tháng cuối năm. Điều này đã đưa kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai cả năm 2021 đạt hơn 21,8 tỷ USD, tăng 16,16% so với năm 2020, vượt mục tiêu đặt ra là tăng từ 8,1-8,5%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 thực hiện xuất siêu 3,15 tỷ USD, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng Đồng Nai vẫn xuất siêu khá cao.

Trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng phục hồi sản xuất trong năm 2022 Trong ảnh: Hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Đồng Nai
Trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng phục hồi sản xuất trong năm 2022 Trong ảnh: Hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Đồng Nai. Ảnh:Huy Anh

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã có những kết quả có thể nói là ấn tượng trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song nhìn một cách khách quan, xuất khẩu vẫn còn những điểm hạn chế. Cụ thể, Việt Nam còn bị động trong ứng phó với những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường xuất, nhập khẩu cũng đã khiến cho tăng trưởng xuất, nhập khẩu chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn chủ yếu tập trung vào các DN đầu tư nước ngoài. Trong khi khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 247,54 tỷ USD, chiếm tới 73,6%. Tại Đồng Nai, tình hình cũng tương tự, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 17 tỷ USD trong tổng số xuất khẩu 21,8 tỷ USD. Một số thị trường trọng điểm như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chiếm trên 50% tổng xuất khẩu của Đồng Nai.

Để khai thác tốt thị trường xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Trần Bá Phú cho biết, Bộ Công thương đã hỗ trợ tổ chức trên 1 ngàn hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước về xúc tiến thương mại cho DN trên môi trường số. Bên cạnh đó, việc tham gia, tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng được Bộ Công thương tổ chức trực tuyến. Điều này phù hợp với bối cảnh nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh và cũng là xu hướng tiếp tục được thực hiện phù hợp với công cuộc chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế. Xúc tiến trên môi trường số đã giúp DN xuất khẩu tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.

* Cú hích từ các hỗ trợ lớn

Năm 2022, Việt Nam và thế giới vẫn đang đứng trước thách thức lớn và khó lường của dịch bệnh Covid-19. Dựa trên tình hình thực tế và chính sách sống chung, an toàn với dịch bệnh, Quốc hội đã thông qua mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với GDP tăng từ 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%...

Sản xuất, cung ứng bao bì tại Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (TP.Biên Hòa). Ảnh: VƯƠNG THẾ
Sản xuất, cung ứng bao bì tại Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (TP.Biên Hòa). Ảnh: VƯƠNG THẾ

Tiếp tục các chương trình hỗ trợ năm vừa qua, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào chiều 11-1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lên tới gần 350 ngàn tỷ đồng, với mức độ bao phủ toàn diện từ phòng, chống dịch bệnh, đến tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng, cải cách thể chế... và được kỳ vọng là cú hích tinh thần lẫn tài chính, tạo động lực cho nền kinh tế sau đại dịch.

Chương trình xác định vấn đề trọng tâm gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 là nhóm mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 ngàn tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 ngàn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi DN, HTX, hộ kinh doanh (110 ngàn tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 ngàn tỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách thêm khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Về chính sách tài khóa gồm miễn, giảm thuế; đầu tư phát triển và các chính sách tài khóa khác, nghị quyết nêu rõ, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.

Ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam cho rằng, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước là rất thiết thực đối với DN trong khoảng thời gian khó khăn vừa qua. Khi nền kinh tế đang trên đà hồi phục mạnh mẽ thì việc Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ mới sẽ giúp cho DN có nhiều cơ hội hơn, kịp thời động viên và tạo động lực cho DN thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. DN mong các chính sách này tới đây được triển khai nhanh chóng, đạt hiệu quả cao. Nhưng điều quan trọng hơn là cùng với sự hỗ trợ, DN cần phải chủ động để thay đổi, đầu tư ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động và chú trọng đào tạo nhân lực để làm chủ công nghệ mới. Tận dụng các lợi thế khi mà Việt Nam đã hội nhập, tham gia sâu rộng với thế giới qua các FTA thế hệ mới.

Tương tự, ông Lê Xuân Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho hay, sự hỗ trợ lớn nhất của Nhà nước đối với DN cũng như người dân trong thời gian qua là đã đưa tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam lên hàng cao nhất thế giới. Triển vọng của thị trường đồ gỗ thế giới có nhiều dấu hiệu tốt đối với các DN sản xuất gỗ của Việt Nam, Hiệp hội cũng đang triển khai các giải pháp để ngành gỗ chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu. Trong bối cảnh phục hồi kinh tế, cộng đồng DN cũng đang rất mong muốn chính sách hỗ trợ lần này được thực hiện sát, trúng với nhu cầu DN, đồng thời giúp DN mở rộng thị trường qua các hình thức xúc tiến thương mại.

Vương Thế

Tin xem nhiều