Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi từ nhận thức người làm nông nghiệp

09:01, 11/01/2022

Tuy Đồng Nai đã tích cực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp làm mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp.

Tuy Đồng Nai đã tích cực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp làm mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc (TXNG) của sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nhất là mặt hàng trái cây tươi, nhưng tỷ lệ vẫn còn khá thấp so với yêu cầu.

Trang trại nuôi gà công nghiệp tại H.Long Thành đã thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
Trang trại nuôi gà công nghiệp tại H.Long Thành đã thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Ảnh: LÊ QUYÊN

Một khó khăn không nhỏ là vẫn còn tình trạng làm theo kiểu đối phó trong việc thực hiện TXNG và duy trì tiêu chuẩn của nông sản đã được cấp mã số vùng trồng. Thời gian tới, cả chính quyền địa phương đến nông dân, doanh nghiệp phải nhận thức rõ và nghiêm túc thực hiện việc này.

* Qua thời “làm cho có”

Theo Sở NN-PTNT, đến nay toàn tỉnh có 105 mã số vùng trồng các loại rau, trái cây xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc có 68 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 21,5 ngàn ha gồm: chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm. 37 vùng trồng PUC để xuất khẩu vào thị trường khó tính như: Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, châu Âu với tổng diện tích gần 475ha gồm xoài, chôm chôm, chanh dây. Tuy nhiên, diện tích này mới chiếm chưa đến 2% tổng diện tích đất trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, để sản phẩm có thể đứng vững trên thị trường, các hộ gia đình, doanh nghiệp nên chủ động trong việc tạo dữ liệu TXNG cho sản phẩm, thông qua đó không chỉ bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ chính chủ cơ sở sản xuất khi có vấn đề liên quan đến an toàn, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, cần có công nghệ phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm, ngành hàng để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Nguyên nhân là do để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất…

Ông La Quốc Thanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Xoài Phú Quý 2 (xã La Ngà, H.Định Quán) cho biết, quy trình thực hiện cấp mã số vùng trồng rất chặt chẽ. Nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch, phải thực hiện bao trái xoài và ghi nhật ký sản xuất nên tốn nhiều công và chi phí hơn.

Một khó khăn không nhỏ là vẫn còn tình trạng làm theo kiểu đối phó trong việc thực hiện TXNG và duy trì tiêu chuẩn của nông sản đã được cấp mã số vùng trồng. Vì thời gian qua, thị trường tiêu thụ nông sản lớn là Trung Quốc vẫn còn dễ tính, yêu cầu TXNG sản phẩm chưa quá khắt khe nên nông dân chưa quan tâm đúng mức đến làm mã số vùng trồng, TXNG sản phẩm.

Cũng tại hội thảo trực tuyến TXNG - nâng tầm nông sản Việt, ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia nhận xét, hoạt động TXNG nông sản ở Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa tuân thủ theo quy chuẩn nào. Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên các kho ứng dụng, có thể thấy hàng loạt ứng dụng TXNG, nhưng tính xác thực lại thấp. Ông Đoan dẫn chứng: “Tôi đã thử nghiệm TXNG trên một số sản phẩm trong một siêu thị lớn thấy đa phần mới chỉ là điện tử hóa tem nhãn. Trên mã tem mới hiện thông tin về sản phẩm chứ không phải lịch sử sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm. Các thông tin truy xuất chưa có đầy đủ dữ liệu về ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao. Tình trạng này rất phổ biến".

* Cần công cụ quản lý hiệu quả

Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Hiện nay, các thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)… đều đưa ra các quy định bắt buộc về việc thực hiện hoạt động TXNG đối với doanh nghiệp của nước xuất khẩu. Thực tế cho thấy, việc xây dựng hệ thống quy định này của các nước có xu hướng tăng với nội dung ngày càng chặt chẽ hơn. Theo đó, các vùng trồng đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám sát, kiểm tra định kỳ; nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng được phép xuất khẩu và thu hồi mã số đã cấp. Ở đây, việc TXNG không chỉ dừng lại ở hoạt động kinh doanh mà phải là chuỗi minh bạch thông tin từ nhà vườn, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói, thương mại.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp coi việc TXNG giống như bị thanh kiểm tra, là việc buộc phải làm. Vẫn còn tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ mang tính hình thức. Nhà vườn có sổ tay sản xuất, đến kỳ đánh giá tiêu chuẩn VietGAP hay mã vùng trồng, nhiều người đưa ra theo kiểu đối phó mà không hiểu đây là hồ sơ kinh nghiệm để đúc rút trong sản xuất. "Họ không hiểu rằng TXNG chính là công cụ xây dựng thương hiệu cho chính mình, uy tín của doanh nghiệp. Khó khăn còn nằm ở công tác quản lý nhà nước, có rất nhiều quy định về quản lý lưu thông hàng hóa nhưng với nông sản lại chưa làm nghiêm" - bà Thực khẳng định.

Theo bà Thực, tình trạng loạn phần mềm TXNG, loạn app diễn ra khá phổ biến. Hiện có rất nhiều app nhưng không có sự thống nhất, thiếu tính tin cậy. Nhà nước cần có các khung chính sách sát thực tế, kiểm soát nghiêm việc tuân thủ về quy định TXNG. Người dân, cán bộ cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định về TXNG.

Lê Quyên

Tin xem nhiều