Ngay ngày đầu năm mới 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới và được mong chờ nhất đã chính thức có hiệu lực, trong bối cảnh bức tranh chung về kinh tế không mấy sáng sủa do 2 năm liền chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Mặc dù trong thập niên qua, thông qua một mạng lưới các FTA rộng khắp, thuế quan xuất - nhập khẩu hàng hóa của 15 nước thành viên RCEP đã cải thiện đáng kể, song RCEP vẫn sẽ tiếp tục giảm bớt các hàng rào thuế quan. RCEP chính thức có hiệu lực nghĩa là sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Sự chờ đợi của cộng đồng doanh nghiệp đối với RCEP cho thấy, họ thực sự nhìn thấy những cơ hội mới sau suốt một thời gian dài lao đao vì đại dịch Covid-19. Ngay khi FTA này có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có cam kết cắt bỏ thuế quan. Cụ thể, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay đầu năm 2022. Đến cuối lộ trình (sau 20 năm), Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác; trong khi đó, các nước đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90-92% số dòng thuế cho Việt Nam và các nước ASEAN sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam (nguồn: Bộ Công thương).
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết tổng cộng 15 FTA và đang đàm phán thêm 2 FTA, trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế có “độ mở” lớn nhất thế giới. Thông qua các FTA, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, cũng như vẫn tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Định hướng này đang được thực hiện nhất quán, rõ ràng trong hàng chục năm qua, kể từ khi mở cửa nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới lao đao vì ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, những FTA có sức mạnh như RCEP đóng vai trò rất lớn trong việc phục hồi kinh tế. Nhìn lại mức tăng trưởng kinh tế trong 3 năm qua của Việt Nam, có thể thấy ngay sức ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Năm 2019, tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,02%, năm 2020 “rớt” xuống 2,91% và năm 2021 chỉ còn 2,58%. Là một địa phương phát triển sôi động về kinh tế, nhiều năm nằm trong nhóm dẫn đầu về tăng trưởng của cả nước, song 3 năm qua, mức tăng trưởng của Đồng Nai cũng đi xuống khá mạnh do đại dịch. Nếu như năm 2019, mức tăng GRDP của tỉnh đạt 9,05%; năm 2020 giảm còn 4,44% thì năm 2021 mức tăng này chỉ còn 2,15%.
Năm 2022 được xem là năm để Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Chính phủ đang xem xét gói cứu trợ kinh tế, ban hành các chính sách hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, chế biến, tiêu dùng… để quay lại đà tăng trưởng cũ. Trong bối cảnh này, các FTA như RCEP được xem là “đòn bẩy”, cần được doanh nghiệp tận dụng tốt để “quay lại đường đua” sản xuất - xuất khẩu nói riêng và góp phần phục hồi kinh tế nói chung.
Vi Lâm