Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều thay đổi trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030

03:01, 22/01/2022

UBND tỉnh vừa chính thức phê duyệt quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Quy hoạch SDĐ sẽ là nền tảng để thực hiện các quy hoạch chuyên ngành khác và triển khai những công trình, dự án trên các lĩnh vực...

[links()]UBND tỉnh vừa chính thức phê duyệt quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Quy hoạch SDĐ sẽ là nền tảng để thực hiện các quy hoạch chuyên ngành khác và triển khai những công trình, dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Huyện Nhơn Trạch mong nhiều dự án sẽ được hoàn tất và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: H.Giang
Huyện Nhơn Trạch mong nhiều dự án sẽ được hoàn tất và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: H.Giang

Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên 586,3 ngàn ha, chiếm khoảng 1,9% diện tích cả nước. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp hơn 457,1 ngàn ha, còn lại là đất phi nông nghiệp. Chính phủ phê duyệt chỉ tiêu quy hoạch SDĐ cho tỉnh đến năm 2020 còn 435,99 ngàn ha đất nông nghiệp. Như vậy, so với quy hoạch SDĐ được duyệt, tỉnh vẫn còn gần 21,14 ngàn ha đất nông nghiệp chưa chuyển đổi được trong giai đoạn 2011-2020.

* Chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp

Từ nay đến năm 2030, các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh sẽ chuyển đổi hơn 72,3 ngàn ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các công trình, dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những địa phương có diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng nhiều là: Long Thành, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu…

Đơn cử như H.Long Thành hiện trạng SDĐ đến năm 2020 còn gần 34 ngàn ha đất nông nghiệp, theo quy hoạch SDĐ đến năm 2030 còn hơn 18,3 ngàn ha. Như vậy, trong gần 9 năm tới, H.Long Thành phải chuyển đổi hơn 15,6 ngàn ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các công trình, dự án trên các lĩnh vực. H.Cẩm Mỹ từ nay đến năm 2030 sẽ chuyển đổi hơn 10,3 ngàn ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; H.Trảng Bom chuyển đổi gần 6,5 ngàn ha đất nông nghiệp; H.Nhơn Trạch chuyển đổi gần 6,1 ngàn ha…

Theo quy hoạch SDĐ cấp huyện đến năm 2030, Đồng Nai sẽ triển khai hơn 8.400 công trình, dự án trên các lĩnh vực. Các công trình, dự án trên có tổng diện tích hơn 129,7 ngàn ha. Trong đó gồm có dự án đầu tư công, dự án đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, xã hội hóa…

Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ ưu tiên cho phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, khu đô thị, khu dân cư, hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình công cộng nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân vùng đô thị và nông thôn. Mục tiêu của tỉnh là trong cơ cấu kinh tế sẽ nâng dần tỷ lệ công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần nông nghiệp.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức nhận xét: “Hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh không hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch SDĐ giai đoạn 2011-2020. Nguyên nhân là do các công trình, dự án triển khai chậm dẫn đến diện tích đất nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt cho chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp thực hiện thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu”.

Tuyến đường 319 kết nối sẽ giúp H.Nhơn Trạch trong giai đoạn tới thu hút được nhiều dự án đầu tư
Tuyến đường 319 kết nối sẽ giúp H.Nhơn Trạch trong giai đoạn tới thu hút được nhiều dự án đầu tư

Do đó, trong quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030, tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố tính toán thật sát nhu cầu của địa phương để có thể chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp đạt được chỉ tiêu”. Cũng theo ông Đức, tới đây quy hoạch Quốc gia, tỉnh được phê duyệt sẽ có phân bổ rõ từng loại đất cho Đồng Nai. Các địa phương sẽ căn cứ vào quy hoạch trên điều chỉnh lại quy hoạch SDĐ cấp huyện đến năm 2030 cho phù hợp.

Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết: “Kế hoạch của H.Trảng Bom là năm 2025 sẽ lên thị xã nên trong những năm tới huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế và xây dựng đô thị ngày càng khang trang. Một trong những giải pháp tạo đột phá trong phát triển kinh tế của huyện là đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, kết nối với các vùng. Huyện cũng triển khai mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư nên sẽ thu hẹp đất nông nghiệp và tăng đất phi nông nghiệp để thực hiện các công trình, dự án”.

* Ưu tiên hạ tầng kỹ thuật

Đất nông nghiệp của Đồng Nai chuyển sang phi nông nghiệp nhiều chủ yếu để thực hiện các công trình, dự án về giao thông, công nghiệp, thương mại dịch vụ, khu dân cư. Trong đó, diện tích đất cho phát triển mới và mở rộng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến năm 2030 tăng gần 10 ngàn ha. Hầu hết các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh đều xây dựng mới, mở rộng thêm các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động thêm nguồn vốn của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức để đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông tạo thuận lợi trong việc lưu thông của người dân và vận chuyển hàng hóa. Các tuyến đường giao thông được xây dựng, kết nối sẽ giúp cho các địa phương trong tỉnh dễ dàng phát triển thương mại dịch vụ và thu hút các dự án đầu tư trên những lĩnh vực khác. Thực tế những năm qua cho thấy, khu vực nào mở ra các tuyến đường lớn, giao thông kết nối thuận tiện sẽ giúp cho khu vực xung quanh phát triển thương mại, dịch vụ nhanh. Giá các loại nông sản cũng tăng cao vì thời gian vận chuyển được rút ngắn.

Huyện Nhơn Trạch quy hoạch triển khai nhiều dự án trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 Ảnh: PHẠM TÙNG
Huyện Nhơn Trạch quy hoạch triển khai nhiều dự án trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Ảnh: PHẠM TÙNG

Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp cho hay: “Trong năm 2022 và những năm tới, H.Long Thành sẽ triển khai rất nhiều dự án về giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện, xã. Đây cũng là lĩnh vực huyện sẽ ưu tiên nguồn nhân lực, vốn triển khai để hoàn thành theo đúng lộ trình. Bên cạnh đó, huyện sẽ huy động vốn xã hội hóa để thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật khác đảm bảo đời sống cho người dân trên địa bàn”.

Theo quy hoạch SDĐ đến năm 2030, H.Long Thành sẽ triển khai 652 công trình, dự án có tổng diện tích trên 21 ngàn ha. Trong đó, riêng lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật có 364 dự án với diện tích gần 7,8 ngàn ha gồm: dự án về giao thông, cơ sở GD-ĐT, KH-CN, thủy lợi, năng lượng… Dự báo H.Long Thành là nơi sẽ có tốc độ đô thị hóa nhanh trong 5-10 năm tới, trở thành vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh, là đầu mối giao thương của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với thế mạnh là công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy mỗi huyện, thành phố có những lợi thế riêng trong phát triển kinh tế, nhưng đều có điểm chung là trong giai đoạn 2021-2030, sẽ tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông với các dịch vụ tiện ích khác trong vùng để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực.

Ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND H.Tân Phú chia sẻ: “Quy hoạch SDĐ đến năm 2030 của H.Tân Phú bám sát các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhằm phân bổ quỹ đất một cách tiết kiệm, hiệu quả để đến năm 2025 có thể trở thành huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường bền vững, phát triển dịch vụ và du lịch sinh thái”.

Hiện nay, Đồng Nai là địa bàn được nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài quan tâm và muốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau vì thấy nhiều dự án về hạ tầng giao thông đang được gấp rút triển khai, khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh chọn ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và thúc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án sẽ dễ dàng mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào những ngành nghề có tiềm năng.

Hương Giang

Tin xem nhiều