Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp sẵn sàng cho RCEP

03:01, 15/01/2022

Từ ngày 1-1-2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực. Đây là thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. RCEP được kỳ vọng sẽ tạo thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài...

[links()]Từ ngày 1-1-2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực. Đây là thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. RCEP được kỳ vọng sẽ tạo thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khối. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để mở rộng xuất khẩu.

Đồ họa thể hiện quy mô của 15 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện quy mô của 15 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

RCEP có 15 nước tham gia, gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác của ASEAN là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Australia. GDP của khu vực RCEP khoảng 26,2 ngàn tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

* Vào sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Sau 8 năm đàm phán, cuối cùng RCEP cũng được ký kết và có hiệu lực. Mặc dù, với nhiều nước thành viên trong RCEP, Việt Nam đã có ký kết riêng các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng DN vẫn trông đợi RCEP vì mở ra một thị trường rộng lớn, tạo thuận lợi cho giao thương để mở rộng hợp tác, sản xuất, xuất khẩu và hình thành chuỗi cung ứng mới.

Như vậy, trong vòng 20 năm tới, RCEP sẽ loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết hiệp định và thiết lập các quy tắc chung cho thương mại, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, RCEP sẽ đem lại những lợi thế khác cho DN như: cắt giảm chi phí, thời gian trong xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia đã ký kết thỏa thuận và DN không phải thực hiện những yêu cầu riêng biệt của từng nước.

RCEP được ký kết vào tháng 11-2020 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN gồm: Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và 5 đối tác của ASEAN là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang đánh giá: “RCEP có hiệu lực sẽ tạo thêm cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Đồng thời, các DN dệt may Việt Nam cũng có thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu với giá ưu đãi phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu vào những thị trường ngoài khối tăng sức cạnh tranh”. Vì thế, ngành dệt may của Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42,5-43 tỷ USD một phần dựa vào các lợi thế từ RCEP mang lại.

Các nước tham gia RCEP cũng kỳ vọng hiệp định sẽ thúc đẩy thương mại trong khối phát triển mạnh mẽ để góp phần giúp các quốc gia phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo lộ trình cam kết, các nước tham gia hiệp định sẽ xóa bỏ từ 30-100% số dòng thuế cho hàng hóa ngay khi RCEP có hiệu lực. Trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam cho các nước trong ASEAN là 90,3%; Australia và New Zealand là 89,6%; Nhật Bản, Hàn Quốc là 86,7% và Trung Quốc là 85,6%. Bên cạnh đó, hiệp định có hiệu lực cũng sẽ giảm bớt hàng rào phi thuế quan thương mại giữa các nước thành viên như: giảm thủ tục hải quan, kiểm dịch hàng hóa, cắt giảm bớt các hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hàng hóa của Đồng Nai xuất khẩu tại cảng Cát Lái (TP.HCM). Ảnh: Khánh Minh
Hàng hóa của Đồng Nai xuất khẩu tại cảng Cát Lái (TP.HCM). Ảnh: Khánh Minh

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết: “Trong ngắn hạn, RCEP khó tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vì các nước trong khối hầu hết có ký kết FTA với nước ta và các dòng thuế giảm sâu hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, RCEP sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam trở thành một mắt xích của chuỗi cung ứng đó nên xuất khẩu sẽ tăng lên. Khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”.

* Tìm cách vượt qua những thách thức

Với RCEP, cũng như các FTA Việt Nam đã ký kết trước đó, đi kèm cơ hội là những thách thức mà DN Việt Nam phải vượt qua khi tham gia vào sân chơi chung với các nước thành viên khác. Vì thế, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo DN tìm hiểu, chuẩn bị kỹ về chiến lược để tận dụng cơ hội mang lại, đồng thời thích ứng với những thách thức từ hiệp định.

Ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, RCEP tạo ra một thị trường chung lớn, thông thoáng nhưng cũng đặt ra nhiều quy tắc chặt chẽ, đòi hỏi DN phải nỗ lực khi tham gia. Hiệp định cũng đặt ra một số quy tắc mới về xuất xứ hàng hóa nhưng lại không quá khó cho DN khi thực hiện. Do đó, DN chỉ cần tập trung tìm hiểu kỹ các điều khoản sẽ có nhiều cơ hội mở rộng giao thương và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng trong khối.

Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch). Ảnh: Hương Giang
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch). Ảnh: Hương Giang

Vào sân chơi RCEP, các DN chú ý đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa để hạn chế bị tranh chấp về xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, DN mỗi ngành hàng cần chuẩn bị, minh bạch hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm tránh gian lận, giả mạo chứng nhận xuất xứ Việt Nam, ghi nhãn xuất xứ Việt Nam trước khi nhập sản phẩm vào Việt Nam, tranh chấp hợp đồng về các yếu tố như: thời gian, địa điểm, phương thức giao hàng, số lượng, chất lượng, giá, phương thức thanh toán, luật áp dụng, phương thức giải quyết tranh chấp...

Theo ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom), các FTA được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho DN. Việt Nam có lợi thế tham gia cả 3 FTA lớn nhất thế giới là: CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - Liên minh châu Âu) và RCEP. Tham gia sâu vào hội nhập sẽ giúp DN mở rộng sản xuất, xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh. Các DN ở Đồng Nai đã xuất khẩu được hàng hóa vào những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản nên việc tham gia mở rộng xuất khẩu vào thị trường RCEP sẽ không gặp nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, một số DN tỏ ra lo ngại khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa cùng loại của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc. Tại thị trường nội địa, hàng Trung Quốc cũng sẽ tràn ngập và gây sức ép cho DN Việt trong việc giữ thị phần tại sân nhà. Thế nhưng, sân chơi RCEP đã mở ra, DN buộc phải tham gia và cần có kế hoạch phù hợp để vượt qua những khó khăn, khai thác những lợi thế để phát triển bền vững.

Khánh Minh


Ông WU MING YING, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom):

Nhiều FTA thế hệ mới mang tính chiến lược cao

Việt Nam tham gia hội nhập sâu nhanh đã tạo thuận lợi cho các DN trong mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, đã có 16 FTA được ký kết, trong đó có nhiều đối tác quan trọng trên thế giới, giúp các DN tăng được khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường đã ký FTA. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn tất một số FTA thế hệ mới mang tính chiến lược cao như: CPTPP, EVFTA, RCEP”.

4d.jpg

Ông LEE SAM, Giám đốc Công ty TNHH Men - Chuen Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6, H.Nhơn Trạch):

Chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất trong dịch bệnh

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến công ty, nhưng năm 2021, Men - Chuen vẫn đầu tư thêm nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may vì nhu cầu tìm nguyên liệu trong nước ngày một tăng. Việt Nam đã ký kết nhiều FTA, các DN muốn mở rộng xuất khẩu và hưởng các ưu đãi về thuế quan phải đáp ứng được quy định về xuất xứ hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa. Vì vậy, công ty mở thêm nhà máy sản xuất, tăng công suất sẽ dễ dàng mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu vào những nước đã ký kết FTA đã có hiệu lực.

Ông KIM BYUNGGI, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa):

Sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển cho DN

Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tham gia các FTA. Điều này đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng xuất khẩu vào các nước cùng tham gia hiệp định. Năm 2021, công ty đã quyết định đầu tư vào Đồng Nai thêm một dự án mới có tổng vốn 100 triệu USD để xây dựng thêm các nhà máy sản xuất, gia công và lắp ráp linh kiện điện tử cung ứng cho Tập đoàn Samsung và xuất khẩu. Với các lợi thế từ những FTA mang lại, công ty dự tính sẽ còn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Đồng Nai cũng như Việt Nam.   

Uyển Nhi


 

Tin xem nhiều