Từ năm 2006, Đồng Nai đã ban hành quy hoạch quản lý chất thải rắn. 2 năm sau đó, tỉnh thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn và nhân rộng toàn tỉnh. Tuy nhiên, với khối lượng hơn 2 ngàn tấn/ngày, gia tăng bình quân 5%/năm, công tác quản lý, hạ tầng xử lý và hoạt động phân loại CTRSH còn nhiều hạn chế.
Từ năm 2006, Đồng Nai đã ban hành quy hoạch quản lý chất thải rắn. 2 năm sau đó, tỉnh thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn và nhân rộng toàn tỉnh. Tuy nhiên, với khối lượng hơn 2 ngàn tấn/ngày, gia tăng bình quân 5%/năm, công tác quản lý, hạ tầng xử lý và hoạt động phân loại CTRSH còn nhiều hạn chế.
Đồ họa thể hiện hạ tầng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh hiện nay (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân) |
Mới đây, Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng đề án Quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Dự thảo đề án đánh giá lại hiện trạng, từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường của tỉnh và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
* Còn nhiều hạn chế
Chia sẻ tại hội nghị lấy ý kiến đề án Quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới đây, ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết, từ năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch quản lý chất thải rắn và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện ở các giai đoạn.
Sau hơn 15 năm thực hiện, công tác quản lý, xử lý CTRSH có chuyển biến đáng kể; các chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải đạt mục tiêu nghị quyết của tỉnh. Tuy nhiên, do rác thải ngày càng nhiều, trong khi đó, các quy định của pháp luật về chất thải, môi trường ngày càng siết chặt nên công tác quản lý (thu phí chất thải, đấu thầu vận chuyển xử lý, quy hoạch…), đầu tư hạ tầng và vận hành các khu xử lý, đặc biệt là năng lực của các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH bộc lộ những hạn chế nhất định.
Xe thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại TP.Biên Hòa |
Để khắc phục những tồn tại và từng bước đưa hoạt động quản lý, xử lý CTRSH vào nề nếp theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Sở TN-MT đã làm việc với 11 đơn vị cấp huyện nắm bắt hiện trạng. Trên cơ sở đó xây dựng dự thảo đề án Quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Dự thảo đề án đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể, để từng cá nhân, đơn vị, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, xử lý chất thải góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về những tồn tại, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, Đồng Nai đã triển khai phân loại CTRSH từ năm 2008 nhưng đến nay chỉ khoảng 30% hộ gia đình và hơn 100 cơ quan thực hiện, khối lượng chất thải phân loại đạt hơn 30% tổng phát sinh. Nguyên nhân là do hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện chỉ có 14/67 điểm trung chuyển, tập kết rác thải đạt yêu cầu; 4/6 khu xử lý chất thải đảm bảo được tỷ lệ chôn lấp chất thải dưới 15%. Còn hơn 200 phương tiện thô sơ vận chuyển rác dẫn đến tình trạng rơi vãi, rỉ nước rác ra đường.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Biên Hòa cho hay, khoảng 70% khối lượng CTRSH toàn tỉnh do đơn vị vận chuyển. Đến nay, đơn vị đã chuẩn hóa gần 100% xe chuyên dụng chở rác. Tuy nhiên, các HTX, cộng tác viên thu gom rác thải từ hộ gia đình đến trạm trung chuyển, điểm tập kết vẫn còn sử dụng nhiều phương tiện cũ, không đảm bảo vệ sinh môi trường. “Hiện có 2 quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Đầu tư phát triển Đồng Nai cho cá nhân, doanh nghiệp vay để mua xe chở rác, thế nhưng cộng tác viên của chúng tôi rất khó tiếp cận vì quy định tài sản thế chấp. Người vay phải thế chấp tài sản nhưng tài sản của họ là xe chở rác lại không được thế chấp” - ông Vinh chia sẻ.
Chi phí xử lý chất thải cũng là vấn đề cần quan tâm. Ông La Quốc Cường, đại diện Công ty CP Môi trường Tài Tiến (trụ sở đóng tại TP.Biên Hòa, nhà máy xử lý rác tại H.Trảng Bom) nói, xử lý chất thải là dịch vụ công, dùng ngân sách. Mức giá được tính toán dựa trên nhân công, công nghệ. Mỗi năm tỉnh đều ban hành khung giá nhưng 5 năm qua, chi phí xử lý CTRSH không thay đổi khiến doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ như Tài Tiến phải bỏ xử lý CTRSH vì giá không hợp lý. “Tôi cho rằng, đề án quản lý CTRSH cần đưa ra định hướng công nghệ mới cho tương lai, cần chính sách ổn định giá trong khoảng 3-5 năm thay vì hằng năm. Như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm công nghệ, chuẩn hóa phương tiện” - ông Cường nói.
* Chuẩn hóa hạ tầng, phương tiện
Theo Sở TN-MT, những năm qua, công tác quản lý chất thải và bảo vệ môi trường được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Đồng Nai làm tốt công tác quản lý chất thải rắn và nước thải công nghiệp, chất thải nhưng CTRSH vẫn loay hoay ở một số vấn đề về: tỷ lệ hộ dân đăng ký thu gom, tỷ lệ phân loại, phí dịch vụ, hạ tầng và công nghệ xử lý. Do đó, cần phải có đề án cụ thể để người dân, UBND các địa phương, cơ quan quản lý và chủ đầu tư khu xử lý, doanh nghiệp vận chuyển chất thải thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, chỉ thị của tỉnh và Luật Bảo vệ môi trường mới.
Phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) |
Theo đó, dự thảo đề án sẽ tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; đẩy mạnh phân loại CTRSH. Từng bước chuẩn hóa điểm trung chuyển chất thải, phương tiện vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải.
Sở TN-MT phối hợp các đơn vị xây dựng chương trình giáo dục về môi trường trong nhà trường, khu dân cư; hỗ trợ phương tiện, thiết bị đảm bảo hoạt động thường xuyên, hiệu quả về giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTRSH và chất thải nhựa. Vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về lối sống thân thiện với môi trường.
Dự thảo đề án cũng đưa ra yêu cầu đối với các địa phương là từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình thu gom, trung chuyển, vận chuyển CTRSH; quy hoạch các điểm trung chuyển chất thải, kêu gọi xã hội hóa hoặc trích ngân sách huyện xây dựng. Chủ đầu tư hạ tầng khu xử lý chất thải cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo công suất, công nghệ được duyệt. Đơn vị vận chuyển, thu gom chất thải đầu tư xe chuyên dụng, sơn màu xanh - vàng theo quy định.
Bà Trần Quỳnh Trâm, Trưởng phòng TN-MT H.Xuân Lộc cho rằng, cần ban hành đề án Quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vì rác thải ngày càng nhiều, nguy cơ ô nhiễm ngày càng cao. Tình hình khu xử lý chưa đáp ứng yêu cầu về công nghệ, doanh nghiệp vận chuyển chưa đồng bộ xe chuyện dụng. Đặc biệt, tỷ lệ người dân biết và thực hiện phân loại CTRSH rất thấp. Người dân phải hiểu được giá trị, biết cách làm họ mới thực hiện. Để người dân thực hiện, hạ tầng phải chuẩn từ điểm tập kết, xe thu gom, xe vận chuyển và xử lý” - bà Trâm cho hay.
Bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Phó trưởng phòng TN-MT H.Cẩm Mỹ cho rằng, quy định phải chuẩn hóa 100% phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải không phù hợp với vùng nông thôn. Ở các đường hẻm, đường nội đồng phải dùng xe đầu kéo để chở chất thải. Ngoài ra, hiện nay các văn bản của bộ, của tỉnh liên quan đến môi trường đều có nội dung khuyến khích hoạt động tái chế chất thải nhưng tái chế ở đâu, tái chế như thế nào thì chưa biết. Cần có quy hoạch khu tái chế, có hướng dẫn các giải pháp bảo vệ môi trường, có ưu đãi về thuế đất.
Đại diện Phòng TN-MT TP.Biên Hòa cho rằng, mỗi ngày thành phố phát sinh 700-800 tấn CTRSH nhưng không có điểm trung chuyển chất thải. Hoạt động sang tiếp rác từ xe nhỏ sang xe lớn diễn ra ngay trên đường, công viên, chợ. Cũng chính vì thiếu các điểm tập kết, trạm trung chuyển nên các bãi rác tự phát rất nhiều. Thành phố đã lựa chọn 16 điểm bổ sung vào quy hoạch, trong đó có điểm khoảng 10ha tại P.Phước Tân để nhanh chóng chấm dứt tình trạng phát sinh bãi rác tạm, quá tải các điểm tập kết chất thải.
Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, trong quý I-2022, đơn vị sẽ hoàn thiện dự thảo đề án Quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trình cấp có thẩm quyền ban hành. Đề án là cơ sở để từng địa phương, cơ quan quản lý, chủ đầu tư thực hiện các quy định của tỉnh và Luật Bảo vệ môi trường vừa có hiệu lực ít ngày.
Dự thảo đề án Quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đặt ra các mục tiêu: nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý CTRSH; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và phân loại rác; huy động nguồn xã hội hóa để giảm chi ngân sách nhà nước. Cụ thể, duy trì tỷ lệ chôn lấp CTRSH sau xử lý không quá 15%. Đảm bảo 80% phương tiện thu gom và 100% phương tiện vận chuyển được chuẩn hóa. Cải tạo, nâng cấp các trạm trung chuyển chất thải theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Xây dựng. Thực hiện phân loại CTRSH hiệu quả trên toàn tỉnh. Các trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh không sử dụng túi ny-lông khó phân hủy cho mục đích sinh hoạt. |
Hoàng Lộc