Năm nay, bên cạnh việc chủ động dự trữ hàng Tết, các địa phương, doanh nghiệp, HTX còn xây dựng kế hoạch, kịch bản bình ổn giá, chủ động nguồn cung ứng các mặt hàng thiết yếu…
[links()]Năm nay, bên cạnh việc chủ động dự trữ hàng Tết, các địa phương, doanh nghiệp (DN), HTX trong tỉnh còn xây dựng kế hoạch, kịch bản bình ổn giá, chủ động nguồn cung ứng, kênh phân phối các mặt hàng thiết yếu trong điều kiện thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp…
Khách hàng chọn mua các mặt hàng thịt heo tại một cửa hàng của Công ty CP Chăn nuôi C.P. ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hải |
* Linh hoạt thích ứng trong tình hình mới
Theo đại diện một số chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, các chợ sau khi mở bán trở lại đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, trong đó thường xuyên thông tin, nhắc nhở tiểu thương, người mua về các biện pháp phòng, chống dịch, tuân thủ quy định 5K, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch trên hệ thống loa phát thanh của chợ… Bên cạnh đó, công tác dự trữ hàng Tết cũng bắt đầu được triển khai, tùy vào những biến động, ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ có phương án chuẩn bị, cung ứng phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho biết, hiện có khoảng 110 ô vựa đang kinh doanh, chiếm khoảng 50% ô vựa của chợ, do nhiều tiểu thương vẫn đang lo ngại với dịch bệnh nên chưa quay trở lại hoạt động. Hiện mỗi ngày chợ tiêu thụ khoảng 100-120 tấn nông sản. Để phục vụ dịp Tết Nhâm Dần 2022, chợ dự kiến tăng lượng hàng cung ứng ra thị trường vào khoảng 200-250 tấn rau củ quả/ngày. Hàng hóa chủ yếu cung ứng cho Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận chiếm khoảng 70%. Bên cạnh việc chủ động nguồn cung ứng cho dịp Tết sắp tới, chợ cũng tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đẩy mạnh kiểm tra, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho tiểu thương, lực lượng bốc vác, tài xế, phụ xế, nhân viên… ra vào chợ.
Tương tự, đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cũng cho biết sẽ chủ động nguồn cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh; đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: quét mã QR khai báo y tế, phân luồng khách hàng, đảm bảo 5K, đẩy mạnh triển khai các hình thức đặt hàng trực tuyến…
* Đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu
Trên thực tế, các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm sau những đợt dịch vừa qua để chủ động những phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, triển khai biện pháp phòng, chống dịch tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cơ sở kinh doanh…
Bà Ngô Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Thống Nhất chia sẻ, bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa Tết, địa phương cũng chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ, cơ sở kinh doanh, chi nhánh siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn. Được sự quan tâm của địa phương, các giáo xứ, mạnh thường quân trong huyện, cũng như có sự chuẩn bị từ các DN sản xuất, kinh doanh và chợ đầu mối nên lượng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn huyện hiện được đảm bảo, chủ động các phương án cung ứng…
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết, trong dịp cuối năm, cận Tết, Sở và các địa phương sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch bình ổn giá. Sở cũng chủ động làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị, đảm bảo nguồn hàng Tết, nguồn hàng hóa thiết yếu, cũng như đẩy mạnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích… trên địa bàn trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Cùng với đó, chuẩn bị kịch bản, đúc kết các kinh nghiệm sau những đợt dịch vừa qua để ứng phó với những diến biến phức tạp của dịch bệnh nhằm chủ động nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. “Qua công tác kiểm tra, đánh giá thực tế cho thấy, nguồn hàng hóa tại các địa phương hiện khá dồi dào. Dự báo sức mua năm nay sẽ giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập người dân bị ảnh hưởng sẽ cân đối lại chi tiêu. Sở sẽ chủ động làm việc, kết nối với các DN, đơn vị sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu để chủ động nguồn hàng, phương án dự trữ, điều tiết phù hợp” - ông Lộc chia sẻ thêm.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương LÊ VĂN LỘC, Sở sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 đến người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… trong tỉnh; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các địa phương tăng cường kiểm tra tình hình giá cả, niêm yết giá, ổn định thị trường trong tình hình mới… |
Hoàng Hải