Báo Đồng Nai điện tử
En

Tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án tổng thể

03:12, 30/12/2021

Bộ KH-ĐT đã có Tờ trình trình Chính phủ về đề án Thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Đây được kỳ vọng là giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công...

[links()]Bộ KH-ĐT đã có Tờ trình trình Chính phủ về đề án Thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) ra khỏi dự án đầu tư.

Dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt (TP.Biên Hòa) hiện vẫn còn vướng mặt bằng của một hộ dân. Trong ảnh: Công nhân thi công trên công trường xây dựng cầu Vàm Cái Sứt. Ảnh: P.Tùng
Dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt (TP.Biên Hòa) hiện vẫn còn vướng mặt bằng của một hộ dân. Trong ảnh: Công nhân thi công trên công trường xây dựng cầu Vàm Cái Sứt. Ảnh: P.Tùng

Đây được kỳ vọng là giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công mà Đồng Nai và nhiều địa phương khác đang gặp phải. 

* Hàng loạt dự án “tắc” vì thiếu mặt bằng

Ngày 19-12 vừa qua, dự án Xây dựng mới cầu Thanh Sơn bắc qua sông Đồng Nai nối liền 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Định (H.Định Quán) đã chính thức được thông xe. Dù đã được tiến hành thông xe nhưng dự án chưa chính thức hoàn thành xây dựng do phần đường dẫn đầu cầu và ở ngã ba kết nối vẫn chưa hoàn thành thi công. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ở các vị trí này, chủ đầu tư chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công.

Không chỉ dự án Xây dựng mới cầu Thanh Sơn, hàng loạt dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh cũng đang bị tắc do những vướng mắc trong công tác GPMB.

Dự án Xây dựng hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) là một ví dụ điển hình. Dự án được khởi công xây dựng vào cuối tháng 12-2020. Sau khi khởi công, việc thi công dự án đã không thể triển khai do không có mặt bằng. Hơn 4 tháng sau thời điểm khởi công, dự án mới bắt đầu triển khai thi công những hạng mục đầu tiên. Tuy nhiên, dự án sau đó tiếp tục phải tạm ngưng thi công hơn 4 tháng do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, trở lại trạng thái “bình thường mới”, trong khi các dự án khác được “tái” khởi động mạnh mẽ thì dự án Xây dựng hương lộ 2 lại tiếp tục lâm vào tình trạng thi công nhỏ giọt. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu mặt bằng thi công.

Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang phải yêu cầu đơn vị thi công dự án chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan nộp lại tiền tạm ứng để xử lý theo quy định của pháp luật. Sau nhiều năm triển khai, đến nay mặt bằng bàn giao cho dự án này chỉ vỏn vẹn nằm trong khu vực thi công 2 cây cầu. Mặt bằng ít, thi công nhỏ giọt nên việc giải ngân nguồn vốn đã được tạm ứng cho dự án cũng rất thấp.

Theo tổng hợp của Sở KH-ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 dự án có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư chưa đạt kế hoạch do chậm trễ trong công tác bồi thường, GPMB. Đối với các dự án này, kế hoạch vốn giao từ đầu năm hơn 1,1 ngàn tỷ đồng, nhưng vì vướng công tác bồi thường, GPMB nên các đơn vị đã kiến nghị điều chỉnh giảm hơn 245 tỷ đồng. Đến cuối tháng 11, các dự án này đã giải ngân nguồn vốn hơn 359 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) gặp khó khăn do thiếu mặt bằng thi công
Dự án Xây dựng hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) gặp khó khăn do thiếu mặt bằng thi công

TP.Biên Hòa là địa phương có số lượng các dự án chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư vì vướng công tác bồi thường, GPMB nhiều nhất, với 9 dự án. Trong khi đó, H.Định Quán có 6 dự án giải ngân nguồn vốn thấp do vướng công tác bồi thường, GPMB. Các địa phương gồm: H.Long Thành, H.Vĩnh Cửu và H.Nhơn Trạch mỗi địa phương có 3 dự án còn vướng mặt bằng…

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân cho hay, năm 2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của đơn vị không đạt như kỳ vọng đã đặt ra. Nguyên nhân chính là do phần lớn các dự án đều không được bàn giao đủ mặt bằng để thi công. “Tất cả những cái chậm trong các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh triển khai đều nằm chủ yếu ở vấn đề mặt bằng. Không có mặt bằng thì không thể triển khai thi công được. Các đơn vị thi công cũng rất khổ vì phải chờ đợi mặt bằng để thi công” - ông Ngô Thế Ân cho biết.

* Giải phóng mặt bằng “đi trước”

Đề án Thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư mà Bộ KH-ĐT trình Chính phủ xem xét sẽ cho phép tách riêng GPMB đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể (bao gồm cả dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài). Việc này tạo điều kiện triển khai GPMB ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, rút ngắn thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí GPMB có thể phát sinh sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hạn chế việc điều chỉnh dự án.

Đối với dự án do Bộ, cơ quan trung ương quản lý thực hiện trên địa bàn địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định việc bố trí vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện GPMB được tách riêng từ dự án tổng thể, sau khi đã có thống nhất với bộ, cơ quan trung ương.

Theo Bộ KH-ĐT, việc xây dựng đề án nhằm tạo cơ chế thí điểm không chỉ đối với việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập mà còn bao gồm một số cơ chế bảo đảm việc thực hiện dự án GPMB được tách riêng. Từ đó, tạo điều kiện triển khai công tác GPMB ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, rút ngắn thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí GPMB có thể phát sinh thêm sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hạn chế việc điều chỉnh dự án. Tạo điều kiện đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư, cho phép đi trước một bước so với việc thực hiện xây dựng, lắp đặt… dự án tổng thể.

Đồng thời, đề án sẽ phân định, làm rõ trách nhiệm của từng cấp liên quan trong việc GPMB của dự án. Xác định đúng chủ thể liên quan trong việc áp dụng các chế tài xử lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của các ngành, các cấp. Các bộ, cơ quan, địa phương xác định rõ khả năng thực hiện và giải ngân của dự án, từ đó có cơ sở đề xuất nhu cầu vốn chuẩn xác hơn, công tác chuẩn bị thực hiện dự án được chuẩn bị tốt hơn, tránh việc chiếm dụng vốn. Công tác GPMB được tách thành dự án độc lập, không tính vào thời gian thực hiện dự án nên sẽ tạo thêm thời gian, giảm bớt áp lực về tiến độ thực hiện cho các khâu đấu thầu, xây lắp…, qua đó gián tiếp nâng cao chất lượng công trình.

Đánh giá về đề án Thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư, Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, việc tách GPMB ra khỏi dự án tổng thể sẽ mang đến nhiều lợi thế, nhất là có thể đẩy nhanh được tiến độ của các dự án đầu tư công. Bởi trước đây, khi nhập chung trong tổng thể dự án, thì chỉ khi dự án đầu tư được phê duyệt, các cơ quan chức năng mới có thể triển khai công tác bồi thường, GPMB. Trong khi đó, với việc tách công tác GPMB ra khỏi tổng thể dự án thành một dự án riêng, công tác bồi thường, GPMB có thể làm song song với quá trình phê duyệt dự án đầu tư. “Với đề án này, công tác GPMB có thể đi trước mà không phải chờ duyệt báo cáo khả thi dự án. Như vậy, khi các dự án được phê duyệt đầu tư thì có thể có ngay mặt bằng sạch để triển khai thi công” - Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết.

Theo Bộ KH-ĐT, mục tiêu xây dựng đề án Thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư nhằm cụ thể hóa nội dung về giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị tại Hội nghị lần thứ 3. Từ đó, làm căn cứ để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc tách dự án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, trọng tâm là các dự án đầu tư công, dự án PPP cùng với các quy định, cơ chế thí điểm đối với nội dung này làm cơ sở xem xét, sửa đổi chính sách có liên quan.

Đề án bao gồm 3 nội dung chính: quy định chung; cho phép vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án của Bộ, cơ quan trung ương thực hiện trên địa bàn; cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 60%.

 

Phạm Tùng

Tin xem nhiều