Báo Đồng Nai điện tử
En

Gắn quy hoạch khu công nghiệp với đô thị

09:12, 19/12/2021

Đồng Nai được quy hoạch 39 KCN với gần 19 ngàn ha, trong đó có 31 KCN đang hoạt động. Lâu nay, trong phát triển KCN, Đồng Nai chưa chú ý nhiều đến các dịch vụ đi kèm. Những năm tới, tỉnh sẽ quy hoạch KCN gắn với đô thị để phát triển bền vững...

Đồng Nai được quy hoạch 39 khu công nghiệp (KCN) với gần 19 ngàn ha, trong đó có 31 KCN đang hoạt động. Lâu nay, trong phát triển KCN Đồng Nai chưa chú ý nhiều đến các dịch vụ đi kèm. Do đó, trong những năm tới, tỉnh sẽ quy hoạch KCN gắn với đô thị để tạo thành mô hình phát triển bền vững.

TP.Biên Hòa là nơi có nhiều khu công nghiệp nhưng dịch vụ cho các khu công nghiệp rất ít
TP.Biên Hòa là nơi có nhiều khu công nghiệp nhưng dịch vụ cho các khu công nghiệp rất ít. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện những KCN trên địa bàn tỉnh đang thu hút hơn 614 ngàn lao động làm việc trong các công ty, nhà máy. Dự kiến đến năm 2025, khi có thêm một số KCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu tư thứ cấp thuê mở nhà xưởng sản xuất, số lao động trong các KCN tăng lên trên 1 triệu người. Vì thế, quanh các KCN sẽ cần nhiều nhà ở xã hội và các dịch vụ khác đi kèm.

* Thiếu nhiều dịch vụ

Từ nhiều năm trước, Đồng Nai có kế hoạch phát triển KCN kèm theo những dịch vụ bên ngoài để phục vụ người lao động, giúp họ an tâm làm việc lâu dài trong các nhà máy. Các lao động trên đóng góp rất lớn cho phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thế nhưng, phát triển nhà ở công nhân, dịch vụ bên ngoài để phục vụ cho các KCN được rất ít.

Do đó, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Đồng Nai bị ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp, vì nhiều khu nhà trọ chật chội trở thành các ổ dịch. UBND tỉnh buộc phải dùng giải pháp cấp bách là giãn bớt công nhân ở những khu nhà trọ để phòng, chống và dập dịch; đồng thời, triển khai nhanh một số dịch vụ ngoài KCN để nâng cao đời sống cho người lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG nhấn mạnh: “Các địa phương có công nghiệp phát triển chú ý quy hoạch quỹ đất và mời gọi DN đầu tư vào nhà ở xã hội, thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí để phục vụ nhu cầu của người lao động và người dân trên địa bàn”.

Hiện nay, đầu tư nhà ở cho công nhân ở gần với KCN là vấn đề đang được tỉnh, Chính phủ rất quan tâm; tiếp đến là đầu tư các dịch vụ đi kèm như: y tế, thương mại dịch vụ, trường học, khu vui chơi giải trí. Mục tiêu là kết nối các KCN với khu đô thị bên ngoài để đảm bảo nhu cầu cần thiết cho công nhân, góp phần phát triển công nghiệp bền vững.

Trong những lần làm việc trực tiếp, trực tuyến với Đồng Nai, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đều nhấn mạnh: “Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước với nhiều KCN đang hoạt động, nhưng các dịch vụ để phục vụ cho KCN còn rất thiếu. Vì thế, tỉnh chú ý bổ sung vào quy hoạch để thực hiện các dự án về dịch vụ cho KCN nhằm đảm bảo các KCN phát triển bền vững”.

Đồng Nai là nơi phát triển công nghiệp khá sớm so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, song phát triển các dịch vụ cho KCN lại rất chậm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các DN, người lao động. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh đang chiếm tỷ lệ trên 60% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và hằng năm đóng góp cho ngân sách nhà nước rất lớn. Để duy trì sản xuất công nghiệp ổn định, đảm bảo các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, người lao động làm việc trong các nhà máy tại Đồng Nai có vai trò rất quan trọng. Thế nhưng, một bộ phận công nhân lại có đời sống vật chất, tinh thần thiếu thốn, việc này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của tỉnh khi hướng đến nền kinh tế xanh.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, dịch vụ cho KCN còn thiếu và yếu, cần được tính toán kỹ, bổ sung trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tới và đưa vào quy hoạch của tỉnh để thực hiện nhằm nâng cao đời sống cho người lao động. Các dịch vụ cần ưu tiên đầu tư là nhà ở cho công nhân, hệ thống siêu thị, y tế, khu vui chơi giải trí; đồng thời, giá cả phải rẻ, chất lượng đảm bảo để người lao động có thể tiếp cận được. “Năm 2022, tỉnh ưu tiên xây dựng nhà ở công nhân gần kề các KCN để giúp người lao động có nơi ở khang trang hơn. Tỉnh yêu cầu các địa phương có nhiều KCN phải khởi công 1-3 dự án nhà ở công nhân trong năm tới” - ông Hà nói.

* Khó thu hút đầu tư các dự án dịch vụ cho KCN

Trải qua nhiều thập niên thu hút vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tỉnh đã có các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành để phát triển lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, du lịch, đáp ứng nhu cầu của người lao động trong các KCN. Tuy nhiên, số DN đầu tư vào các dự án dịch vụ cho KCN còn rất ít, cung không đủ cầu. Nguyên nhân là do vướng về chính sách, hồ sơ, thủ tục và các DN chỉ quen đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ở Đồng Nai, còn những lĩnh vực khác chưa quan tâm nhiều.

TP.Biên Hòa tập trung cả trăm ngàn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp nhưng có rất ít dự án nhà ở cho công nhân
TP.Biên Hòa tập trung cả trăm ngàn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp nhưng có rất ít dự án nhà ở cho công nhân. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Đơn cử giai đoạn 2011-2020, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của tỉnh được Chính phủ phê duyệt sẽ có 2.650ha đất thương mại dịch vụ để triển khai các dự án. Thế nhưng, đến năm 2020 chỉ thực hiện được 1.482ha, thấp hơn chỉ tiêu quy hoạch được duyệt là 1.168ha do nhiều dự án thương mại dịch vụ chưa đầu tư theo quy hoạch.

Gần 8 năm qua, trên địa bàn tỉnh mới hoàn thành gần 1,6 căn nhà ở cho công nhân, trong khi các KCN của tỉnh có hơn 614 ngàn người lao động đang làm việc. Thực tế, có nhiều DN muốn đầu tư vào nhà ở cho công nhân nhưng ngại thủ tục rườm rà, không tiếp cận gói vay ưu đãi cho cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà, giá bán căn hộ bị khống chế…

Trên lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch, một số DN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhưng vướng vào hồ sơ, đất đai, quy hoạch nên dự án kéo dài nhiều năm chưa triển khai được.

Dù là tỉnh đông dân cư và có 31 KCN đang hoạt động, nhưng lĩnh vực thương mại dịch vụ của tỉnh chưa được DN nước ngoài cũng như trong nước chú trọng. Đến tháng 12-2021, thị trường bán lẻ ở Đồng Nai mới có 4 nhà đầu tư nước ngoài tham gia là: Lotte Mart (Hàn Quốc), BigC, MM Mega Market (Thái Lan) và Aeon (Nhật Bản). Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh quy hoạch 26 trung tâm thương mại với diện tích gần 430ha để mời gọi DN đầu tư vào.

Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam chia sẻ: “Công ty gấp rút hoàn thành các thủ tục để đầu tư một trung tâm thương mại tại TP.Biên Hòa vì khu vực này có nhiều KCN, dân cư đông đúc có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại. Dự kiến đến năm 2025, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động”. Những năm gần đây, các tập đoàn nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam trên lĩnh vực bán lẻ, nhưng Đồng Nai lại ít được chú ý.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng dành nhiều quỹ đất cho phát triển các khu, điểm du lịch sinh thái để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người lao động, song việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án rất chậm, như: dự án Sơn Tiên (TP.Biên Hòa), dự án Du lịch đường sông, dự án Khu safari (H.Vĩnh Cửu), dự án Du lịch sinh thác Thác Mai (H.Định Quán)…

Theo các DN, để dòng vốn đầu tư vào các dự án về nhà ở công nhân, thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí gần các KCN thì tỉnh phải quy hoạch đồng bộ về đất đai, xây dựng và phải đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ, thủ tục.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích