Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiềm năng phát triển đô thị sân bay Long Thành

03:11, 27/11/2021

Với việc 'sở hữu' Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành xây dựng trên địa bàn, Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình đô thị sân bay, từ đó tạo động lực lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

[links()]Với việc 'sở hữu' cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành xây dựng trên địa bàn, Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình đô thị sân bay, từ đó tạo động lực lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sân bay Long Thành với công suất thiết kế đón 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm đem lại nhiều tiềm năng để phát triển mô hình đô thị sân bay
Sân bay Long Thành với công suất thiết kế đón 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm đem lại nhiều tiềm năng để phát triển mô hình đô thị sân bay

* Xu hướng chung của thế giới

Các sân bay được phát triển lên mức như một đô thị thu nhỏ, được xây dựng ngay gần hoặc kết nối với thành phố bằng những phương tiện công cộng hiện đại, tốc độ cao đang là xu hướng nổi bật trong quy hoạch xây dựng sân bay của các nước trên thế giới.

Hàng loạt các thành phố sân bay, đô thị sân bay đã và đang được hình thành tại nhiều nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Singapore…

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, hầu hết chúng ta đều quen với việc sân bay thường được xây dựng ở xa thành phố trung tâm. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới sân bay được phát triển lên mức như một đô thị thu nhỏ được xây dựng ngay gần hoặc kết nối với các thành phố bằng những phương tiện giao thông công cộng hiện đại tốc độ cao.

Một trong những mô hình thành công điển hình về thành phố được xây dựng mới, nằm ngay cửa sân bay đó chính là TP.Songdo, Hàn Quốc. TP.Songdo đã được Hàn Quốc quy hoạch đầu tư xây dựng cách sân bay Incheon 12km về phía Đông với các khu phức hợp khách sạn, trung tâm hội nghị, triển lãm, giải trí; khu vực bán buôn, bán lẻ; các khu công nghiệp; các trung tâm logistics và phân phối; các cơ sở công nghệ thông tin và truyền thông; các khu phức hợp y tế và giáo dục; các công ty sản xuất hàng hóa giá trị cao và yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian xuất - nhập hàng hóa… Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà đem lại nhiều tiện ích cho người dân và hành khách tham quan lưu trú.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn nằm trong khu vực phụ cận sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng trở thành một khu đô thị hiện đại. Ảnh: Phạm Tùng
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn nằm trong khu vực phụ cận sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng trở thành một khu đô thị hiện đại. Ảnh: Phạm Tùng

GS Ha Hun Koo, Trường cao học về logistics, Đại học Inha (Hàn Quốc) cho rằng, mô hình thành phố sân bay hay sự phát triển cao hơn là khu đô thị sân bay là mô hình phát triển đô thị trong đó đặt sân bay vào vị trí trọng tâm. Hoạt động vận chuyển qua đường hàng không hầu hết là các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao. Do đó, nền kinh tế xung quanh khu vực sân bay cũng được nâng lên. “Lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không của Hàn Quốc chiếm 0,5% sản lượng nhưng giá trị của nó lên tới gần 50% tổng giá trị hàng hóa” - GS Ha Hun Koo cho biết.

Hiện nay, trên toàn thế giới hầu hết các nước đang hướng tới mô hình thành phố lớn có trọng tâm là sân bay. Khi thành phố sân bay được phát triển toàn diện, nó có khả năng phát triển thành một khu đô thị với thành phố sân bay là trọng tâm và rất nhiều cơ sở cộng theo như: các khu thương mại điện tử, khu công nghiệp, trung tâm hàng hóa, trung tâm logistics, các công ty sản xuất các mặt hàng giá trị cao…

Bên cạnh giá trị kinh tế đến từ lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không, khi lượng hành khách qua đường hàng không tăng cũng sẽ làm tăng trưởng hoạt động tiêu dùng. Hoạt động kinh tế của lượng hành khách và lượng hàng hóa thông qua đường hàng không sẽ kích thích kinh tế của khu vực xung quanh sân bay thay đổi theo.

* Nhiều tiềm năng để xây dựng đô thị sân bay Long Thành

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thành phố sân bay là mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông…

Quy hoạch sân bay Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết cho thời điểm hiện tại và trong tương lai để phát triển thành một trung tâm hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ, đa dạng, phong phú, đặc biệt là phát triển mô hình thành phố sân bay. “Hành khách đến cảng hàng không có thể dự hội nghị, gặp gỡ, mua sắm mà không cần phải vào thành phố” - ông Lại Xuân Thanh chia sẻ.

Dự án Sân bay Long Thành với hạng mục xây dựng hàng rào đang được triển khai thực hiện (khu vực phía Bắc của sân bay Long Thành tiếp giáp với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Ảnh: PHẠM TÙNG
Dự án Sân bay Long Thành với hạng mục xây dựng hàng rào đang được triển khai thực hiện (khu vực phía Bắc của sân bay Long Thành tiếp giáp với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Ảnh: PHẠM TÙNG

GS Ha Hun Koo cũng cho rằng, sân bay Long Thành có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình thành phố sân bay, đô thị sân bay bởi sân bay Long Thành có rất nhiều điểm tương đồng với sân bay Incheon. “Gần sân bay Incheon có một khu vực nền tảng là các khu công nghiệp. Sân bay Long Thành được xây dựng tại Đồng Nai là một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Việt Nam với rất nhiều khu công nghiệp” - GS Ha Hun Koo đánh giá.

Về vị trí, nếu như từ sân bay Incheon đến thủ đô Seoul khoảng 40 phút di chuyển thì từ sân bay Long Thành đến TP.HCM, đô thị lớn của Việt Nam cũng chỉ mất khoảng 40 phút. Đây là một điểm vô cùng thuận lợi của sân bay Long Thành. Do đó, nếu có quy hoạch xây dựng tốt cho khu vực phụ cận sân bay Long Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Một lợi thế khác của sân bay Long Thành chính là việc nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu lớn của cả nước là Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của Đồng Nai khá tốt nên sẽ cộng hưởng được sự phát triển về kinh tế. “Sân bay Incheon cũng nằm gần cảng biển lớn thứ 2 của Hàn Quốc là cảng biển Incheon” - GS Ha Hun Koo chia sẻ thêm.

* 4 giải pháp xây dựng thành công đô thị sân bay Long Thành

Theo GS Ha Hun Koo, trong quá trình phát triển, sân bay Long Thành sẽ gặp phải sự cạnh tranh của một số sân bay của các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Philippines và Malaysia. Do đó, để phát triển thành công, sân bay Long Thành phải tạo ra được sự khác biệt, hơn hẳn những “đối thủ”. Chìa khóa để phát triển thành công là phải phát triển sân bay Long Thành trở thành một trung tâm chuyển giao.

Với định hướng đó, GS Ha Hun Koo đã đề xuất 4 giải pháp để phát triển thành công khu vực sân bay Long Thành. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là phải xây dựng được tầm nhìn phát triển. “Để xây dựng tầm nhìn phát triển cho sân bay Long Thành bắt buộc phải dựa trên cơ sở nghiên cứu cơ cấu công nghiệp hiện tại của tỉnh Đồng Nai. Trong đó, điểm xuất phát đầu tiên là phải lựa chọn được các ngành công nghiệp mục tiêu và các doanh nghiệp mục tiêu” - GS Ha Hun Koo nhấn mạnh.

Sau khi xây dựng được tầm nhìn phát triển, giải pháp tiếp theo là phải xây dựng được kế hoạch phát triển theo giai đoạn. Trong đó, bắt buộc phải đặt triển vọng, mục tiêu xây dựng ít nhất là cho giai đoạn 20 năm.

Để thực hiện tầm nhìn và kế hoạch xây dựng đô thị sân bay Long Thành cũng đòi hỏi sự nỗ lực nhất quán và liên tục của lãnh đạo chính quyền để có thể đạt được kế hoạch này. Yếu tố đặc biệt quan trọng là sự quyết liệt của người lãnh đạo. Cùng với đó, cũng phải đào tạo và huấn luyện đội ngũ cán bộ các cơ quan nhà nước, làm cho đội ngũ cán bộ hiểu kế hoạch để triển khai kế hoạch tỉnh đặt ra.

“Sân bay Long Thành có nhiều ưu điểm hơn sân bay Incheon. Cụ thể, sân bay Incheon được xây dựng trên một hòn đảo nên Hàn Quốc phải thực hiện lấn biển, quá trình xây dựng kéo dài. Trong khi đó, sân bay Long Thành nằm ở trên đất liền, vốn đã sẵn có một số hệ thống giao thông kết nối. Chính vì vậy, theo tôi dự đoán, việc xây dựng và phát triển khu vực xung quanh sân bay Long Thành chỉ mất khoảng 5 năm hoặc chưa tới 5 năm. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là chúng ta phải lên quy hoạch cẩn thận” - GS HA HUN KOO cho hay.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều