Hôm nay 25-11, diễn ra lễ khai mạc Techfest Dong Nai 2021. Đây là năm đầu tiên một chuỗi sự kiện về khoa học - công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Đồng Nai tổ chức.
[links()]Hôm nay 25-11, diễn ra lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2021 (Techfest Dong Nai 2021). Đây là năm đầu tiên một chuỗi sự kiện về khoa học - công nghệ (KH-CN) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được Đồng Nai tổ chức. Trước và sau lễ khai mạc, hàng loạt chương trình được tổ chức với sự phối hợp của nhiều đơn vị, sở, ngành.
Máy tự động đóng gói đường phèn - sáng kiến của kỹ sư Võ Minh Tuyền, Trưởng bộ phận quản lý thiết bị điện tự động, Phân xưởng Đường, Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ảnh: Vương Thế |
Mục tiêu của chuỗi sự kiện này nhằm thúc đẩy phát triển KH-CN của địa phương; đồng thời, kết nối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đầu tư vào ĐMST và khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST trong cộng đồng thanh niên và người dân Đồng Nai.
* Ngày hội của khởi nghiệp ĐMST
Techfest DongNai 2021 chính thức diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-11, nhưng trước đó, từ ngày 18-11, một loạt các sự kiện hội nghị, hội thảo, diễn đàn… xoay quanh chủ đề khởi nghiệp ĐMST đã được diễn ra. Techfest DongNai 2021 với chủ đề “Chia sẻ - kết nối - bứt phá” cũng là một trong những sự kiện quan trọng được UBND tỉnh giao Sở KH-CN chủ trì tổ chức.
Techfest Dong Nai 2021 diễn ra các hoạt động giới thiệu, quảng bá, trưng bày các dự án, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP địa phương. Bên cạnh đó, một số diễn đàn, hội thảo được tổ chức như: kết nối các chủ thể hệ sinh thái, giới thiệu, quảng bá, trưng bày các dự án, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP địa phương; hội thảo Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; hội thảo Kết mối mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng Đông Nam bộ; talkshow Năng lượng tích cực để đột phá.
Đặc biệt là các chương trình đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên, chủ đề Khát vọng tuổi trẻ trong lập nghiệp, khởi nghiệp; tọa đàm Xây dựng văn hóa khởi nghiệp ĐMST trong học sinh, sinh viên tỉnh Đồng Nai; hội thảo Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp ĐMST và phát động chương trình Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022; diễn đàn Nông dân Đồng Nai hợp tác, hội nhập, khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động kết nối đầu tư và trao giải cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai năm 2021. Techfest sẽ kết thúc bằng sự kiện triển lãm ảo các sản phẩm khởi nghiệp, KH-CN tại Đồng Nai.
Theo Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông, Techfest DongNai 2021 mở ra cơ hội cho các dự án, DN khởi nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và thu hút các nguồn lực đầu tư cũng như tôn vinh các tổ chức, cá nhân thành công trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST, kích thích hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Mặt khác, đây còn là sự kiện để cho các DN khởi nghiệp được giao lưu, cọ xát, học hỏi và kết nối với các DN, tập đoàn lớn, các chuyên gia, nhà đầu tư, các quỹ đầu tư khởi nghiệp ĐMST. Sở KH-CN sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ này để có thể sớm triển khai và đưa vào ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
* Đồng hành với DN trên hành trình khởi nghiệp
Đồng Nai là một trong những địa phương có tiềm năng lớn cho khởi nghiệp và phát triển DN. Trong những năm qua, để thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, Đồng Nai đã ban hành các văn bản pháp lý như Quyết định số 1523/QĐ-UBND ngày 7-5-2018 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023. Gần đây nhất, Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 4-12-2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
HTX Trường Phát, đơn vị khởi nghiệp tiêu biểu của Đồng Nai, giới thiệu các sản phẩm chế biến từ sen tại một sự kiện do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn và Hội LHTN tỉnh tổ chức ngày 9-4-2021. Ảnh: Vương Thế |
Cụ thể hóa những nội dung trên, các đơn vị trong tỉnh mà trực tiếp là Sở KH-CN đã tập hợp, thành lập Hội đồng tư vấn điều phối mạng lưới khởi nghiệp ĐMST Đồng Nai giai đoạn 2018-2023. Hiện đang tiếp tục kiện toàn cho giai đoạn đến năm 2025. Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST cấp tỉnh đã được tổ chức thường niên, qua đó hướng dẫn cho hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp. Đến nay, đã có nhiều dự án khởi nghiệp thành công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho nhiều người. Tiêu biểu như các dự án: Cao an xoa An Hòa của chị Hoàng Thị Kim Anh, HTX An Hòa Hưng; Trà sen Trường Phát của chị Nguyễn Thị Bích Lệ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát; Ứng dụng công nghệ truyền thông đa phương tiện của anh Nguyễn Vũ Huy Hoàng, Công ty TNHH Truyền thông Hmedia; công nghệ Blockchain của Trường đại học Lạc Hồng; Thiết bị theo dõi sức khỏe iCare của anh Nguyễn Quang, Công ty TNHH Sản xuất thiết bị và phần mềm iCare...
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST và sự phát triển kinh tế của Đồng Nai thì trong tương lai, địa phương phải tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phát triển.
GS-TS Võ Thanh Thu - giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, điều cần thiết bây giờ của Đồng Nai là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong cả điều hành, quản lý của chính quyền đến ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh của DN. Muốn làm được điều đó là công việc khó khăn nhưng cần sự dũng cảm, mạnh mẽ ứng dụng cái mới. Theo đó, tỉnh cần xây dựng một trung tâm ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, phải có đề án về phát triển nguồn nhân lực cho nhiệm vụ này; đồng thời, chủ động phối hợp với các tỉnh, thành lân cận để kết nối, phối hợp tìm ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, trong phát triển kinh tế, việc phát xác định KH-CN trở thành mũi nhọn phát triển là rất quan trọng. “Nói đến KH-CN là nói đến đội ngũ trí thức, làm sao chúng ta trân trọng và tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo của đội ngũ trí thức và gắn sự sáng tạo của đội ngũ trí thức với các doanh nhân để biến những ý tưởng đó thành giá trị thực tiễn, những sản phẩm thực tiễn phục vụ nhu cầu xã hội, thúc đẩy ĐMST trên địa bàn tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định.
Tương tự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết thêm, Đồng Nai đặt mục tiêu phát triển KH-CN và ĐMST, lấy DN làm nòng cốt để xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
“Tỉnh sẽ tập trung phát triển, liên kết các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các DN lớn từ đó hình thành các DN khởi nghiệp mạnh từ khu vực tư nhân, hình thành các khu hỗ trợ kỹ thuật cho khởi nghiệp ĐMST. Đồng thời, tạo nền tảng liên kết, kết nối mới, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai phát triển cùng với mạng lưới hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay.
Vương Thế
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai ĐẶNG VĂN ĐIỀM:
Cơ hội khởi nghiệp ngày càng rộng mở
So với thế hệ chúng tôi thì các bạn trẻ ngày nay có rất nhiều cơ hội. Điều thuận lợi hơn là các DN khởi nghiệp sẽ tiếp cận thông tin, nắm bắt cơ hội tốt hơn so với các thế hệ trước; đồng thời, có khả năng tạo dựng DN thành công với những ngành nghề mới, dựa trên nghiên cứu, khoa học và ĐMST. Hiện Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh cũng có nhiều hoạt động để hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp và các Đồng Nai mới gia nhập Hội như: có nguồn quỹ tương trợ, quỹ khởi nghiệp. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các chương trình hoạt động kết nối với các doanh nhân thành công để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, truyền nguồn năng lượng tích cực cho các start-up. Hội sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các chương trình khởi nghiệp, ĐMST của địa phương trong tương lai.
Shark NGUYỄN HÒA BÌNH, Chủ tịch Tập đoàn Next Tech:
“Máu lửa” là tinh thần quý của doanh nhân
Khi đã khởi nghiệp và trở thành doanh nhân, chúng ta phải luôn giữ tinh thần lạc quan, tinh thần dấn thân “lì đòn và máu lửa”, tự tin vào bản thân, luôn xông pha, không sợ thất bại, đặt mục tiêu rõ ràng và cố gắng không ngừng. Chúng tôi đầu tư vào nhiều dự án khởi nghiệp nhưng thất bại là không ít, điều quan trọng là sau mỗi dự án sẽ để lại các kinh nghiệm quý để tiếp tục tìm kiếm cơ hội.
Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, khó khăn là rõ ràng nhưng cơ hội luôn có. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Các DN lớn đã có tên tuổi, vị thế nhất định, đủ tiềm lực thì họ có thể tạm “nằm yên chờ thời”, nhưng đây lại chính là cơ hội cho các start-up trẻ. Vì thế, các bạn trẻ nên tận dụng và nắm bắt, biến thách thức thành cơ hội cho mình.
Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam HUỲNH THANH VẠN:
Xây dựng chính sách rõ ràng để thúc đẩy khởi nghiệp
Đồng Nai có nhiều thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho sự nảy nở và phát triển của DN. Địa phương cần có chính sách cụ thể đối với loại hình Đồng Nai khởi nghiệp, nhất là ưu đãi về thuế, đơn giản bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện vay vốn.
Theo tôi, nếu không có chính sách rõ ràng và lộ trình thực hiện cụ thể thì phong trào khởi nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ chỉ dừng lại ở mức “phong trào”. Tỉnh cũng cần xây dựng đội ngũ cán bộ, doanh nhân làm công tác khởi nghiệp phải thực sự tâm huyết. Nếu cán bộ làm công tác này cũng như các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp chỉ mang tính hình thức thì rất nguy hiểm. Chúng ta đào tạo không phải là những người thông thường mà là những doanh nhân tương lai.
Công việc tư vấn, định hướng phát triển DN vì thế rất quan trọng.
Đào Lê (ghi)