Trong bối cảnh hầu hết mọi ngành sản xuất, kinh doanh đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các làn sóng dịch bệnh Covid-19, ngành Nông nghiệp là một trong những ngành chịu tổn thương khá lớn và khi "soi chiếu" vào sâu hơn, các HTX nông nghiệp cũng đang gặp rất nhiều thử thách trong việc duy trì sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Trong bối cảnh hầu hết mọi ngành sản xuất, kinh doanh đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các làn sóng dịch bệnh Covid-19, ngành Nông nghiệp là một trong những ngành chịu tổn thương khá lớn và khi “soi chiếu” vào sâu hơn, các HTX nông nghiệp cũng đang gặp rất nhiều thử thách trong việc duy trì sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cũng như các nhân tố khác khi tham gia vào sản xuất nông nghiệp, các HTX đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi nhiều kênh tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng hoặc đứt gãy do các làn sóng dịch bệnh Covid-19.
Giá nhiều loại nông sản giảm mạnh, thậm chí giá bán ra không đủ bù chi phí cũng là tình trạng khá phổ biến trong thời gian qua. Các mặt hàng nông sản thế mạnh của Đồng Nai như: thịt heo, thịt gà, cà phê, tiêu, hạt điều, xoài, thanh long, chuối, bưởi… cũng trồi sụt về giá và về thị trường tiêu thụ, dù sản lượng và năng suất đạt khá cao do nông dân chịu khó ứng dụng giống mới cùng các giải pháp công nghệ cao vào quy trình sản xuất.
Khi đối mặt với một thị trường đầy rủi ro do dịch bệnh, những điểm yếu cố hữu của ngành Nông nghiệp nói chung và của các HTX nông nghiệp lại càng lộ rõ. Thống kê và đánh giá sơ bộ cho thấy, 154 HTX nông nghiệp của tỉnh, chỉ có khoảng 49% hoạt động khá, còn lại số HTX hoạt động trung bình và yếu vẫn chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, đa số các HTX của Đồng Nai còn hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có nhiều tài sản thế chấp khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng. Một điểm yếu khác là nông dân vẫn chưa mặn mà tham gia các chuỗi liên kết vì vẫn quen với việc “ở đâu giá cao thì bán” chứ không quan tâm việc tham gia vào chuỗi để cùng đầu tư, cùng chịu trách nhiệm và cùng phát triển bền vững. Trong đó có nguyên nhân địa phương chưa có được những HTX uy tín, hoạt động hiệu quả để thực hiện tốt vai trò liên kết nông dân. Với tất cả những mặt hạn chế này, việc tham gia sâu vào hội nhập, chuyển đổi số, chuyển đổi cách bán hàng từ truyền thống sang môi trường trực tuyến… của các HTX vốn đã khó nay còn khó hơn.
Tuy nhiên, việc liệt kê, đánh giá những vấn đề tồn tại nói trên là để tìm ra những giải pháp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động và hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển về lâu dài. Chính phủ, các địa phương, sở, ngành cũng đã sớm nhìn nhận được tất cả các mặt mạnh, mặt yếu của HTX nông nghiệp và đã ban hành nhiều chính sách gỡ khó, từ vốn liếng đến đất đai, công nghệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các HTX còn cần những giải pháp trợ lực “cấp kỳ” để nhanh chóng bán được hàng tồn, tái sản xuất giữa một thị trường đầy biến động. Ngoài ra, những hỗ trợ sát sườn về mặt thông tin, kết nối thị trường tiêu thụ, củng cố nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở đường cho xuất khẩu… bao giờ cũng rất cần thiết cho các HTX nông nghiệp nói riêng và mọi HTX nói chung, dù là trước mắt hay lâu dài.
Vi Lâm