Ngành dệt may, giày dép sử dụng rất nhiều lao động trong nước, muốn mở rộng sản xuất theo hướng bền vững, các doanh nghiệp đều phải đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại.
[links()]Ngành dệt may, giày dép sử dụng rất nhiều lao động trong nước với khoảng 3,4 triệu người, muốn mở rộng sản xuất theo hướng bền vững, các doanh nghiệp (DN) đều phải đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. Nhiều DN xem đó là một trong những giải pháp cứu cánh để duy trì sản xuất trong đại dịch Covid-19.
Sản xuất giày dép tại Công ty CP Giày dép Cao Su Màu Đồng Nai (TP.Biên Hòa) để xuất khẩu. Ảnh: K.Minh |
Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có sản xuất dệt may, giày dép lớn nhất Việt Nam. Trong 10 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh đạt 2,72 tỷ USD, dệt may khoảng 1,28 tỷ USD. Dệt may, giày dép là hai ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong những năm qua.
* Việt Nam trên “bản đồ” dệt may, giày dép
Trong chuỗi cung ứng dệt may, da, giày của thế giới, Việt Nam đóng vai trò khá quan trọng. Nhiều năm qua, các DN ở hai lĩnh vực trên đã không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các nhãn hàng trên thế giới. Nhiều thương hiệu lớn của ngành may mặc, giày dép quốc tế đã đặt nhà máy, liên kết sản xuất tại Việt Nam như: Nike, Adidas, Puma, Lascote, Mango, Zara, Reebok... Về công nghệ, tay nghề của người lao động Việt Nam được đánh giá cao, các đối tác tin tưởng đặt các đơn hàng khó đòi hỏi cao về chất lượng cho nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Theo bà VŨ THỊ TUYẾT MAI, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiệp hội vừa hợp tác được với Amazon để đưa sản phẩm may mặc Việt Nam đến tay người tiêu dùng trên thế giới. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang tập hợp các thương hiệu may mặc nổi tiếng Việt Nam để thông qua Amazon bán hàng trực tiếp. Dự tính đến năm 2030 sẽ có 30 thương hiệu dệt may Việt Nam trụ vững trên thị trường thế giới. |
Ông Edward Dũng, Phụ trách nhãn hàng Puma ở Việt Nam chia sẻ: “Puma hướng đến bảo vệ người sản xuất, người dùng, môi trường, vì vậy các nhà máy sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí để đáp ứng những yêu cầu trên. Các công ty sản xuất sản phẩm cho nhãn hàng Puma phải có nguồn tài chính đầu tư công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực để sản xuất bền vững. Puma luôn khuyến khích các nhà sản xuất đưa ra những lộ trình tiếp tục nâng cao phát triển bền vững”. Cũng theo ông Edward Dũng, những năm qua, chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cho nhãn hàng Puma liên tục được nâng cao.
Nhiều năm qua, các DN dệt may, da, giày Việt Nam đã không ngừng đầu tư công nghệ, đào tạo người lao động để từng bước nâng cao tay nghề có thể đáp ứng được các đơn hàng cao cấp của nhiều nhãn hàng trên thế giới. Năm 2020, một số tập đoàn dệt may, giày dép đã ngồi lại tính toán lại chuỗi cung ứng với dự kiến chuyển dịch dần, không tập trung quá nhiều tại Trung Quốc, Ấn Độ. Việt Nam là một trong những nơi được các nhãn hàng dự tính sẽ dịch chuyển đơn hàng, sản xuất sang.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam nhận xét: “Công nghệ, tay nghề sản xuất ngành giày dép Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Các DN trên lĩnh vực này có thể hoàn thành các đơn hàng khó, số lượng lớn trong thời gian ngắn nên các đối tác rất tin tưởng”.
* Công nghệ giúp giảm áp lực về lao động
Khoảng 5 năm trở lại đây, công nghiệp Việt Nam có những bước phát triển nhanh, một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như: dệt may, giày dép gặp khó khăn trong tuyển dụng thêm công nhân để mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Để giảm áp lực thiếu lao động, nhiều DN đã đầu tư thêm máy móc hiện đại, tự động hóa trong một số khâu.
Ông Chang Yong Jun, Giám đốc Hành chính Công ty TNHH Hwaseung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, H.Nhơn Trạch) cho hay: “Công ty là nhà sản xuất quan trọng của một số nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới. Đây là những nhãn hàng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm và các yêu cầu khác về lao động, môi trường, sản xuất… Công ty đã liên tục đầu tư các máy móc để có dây chuyền sản xuất hiện đại, tăng công suất, chất lượng, giảm lao động”.
Hiện các DN sản xuất dệt may, da, giày của Việt Nam không thua kém các nhà sản xuất khác trên thế giới. Nếu không có đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 thì hai ngành trên đã có năm phục hồi và tăng trưởng khá cao, vì Việt Nam có lợi thế ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có rất nhiều thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngay cả Trung Quốc là cái nôi sản xuất dệt may, da, giày cũng nhập khẩu những mặt hàng này từ Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, Việt Nam tham gia hội nhập sâu và toàn diện, do đó, đòi hỏi các DN ngành dệt may cũng như các ngành khác phải phát triển bền vững, tuân thủ mọi cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Hiện nay, xuất khẩu dệt may của Việt Nam lớn thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc), DN đảm bảo cam kết với các nhãn hàng, xây dựng niềm tin với nhãn hàng, người tiêu dùng, người lao động. Đồng thời, DN xây dựng nền tảng đảm bảo từ sợi, dệt, nhuộm, may, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Muốn đáp ứng các yêu cầu trên, một số yếu tố quan trọng đòi hỏi DN phải quan tâm đầu tư là ứng dụng máy móc công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực làm chủ công nghệ, giảm áp lực về thiếu lao động, xây dựng thương hiệu bền vững, minh bạch.
Thực tế, thời gian qua, có những DN dệt may, giày dép đã đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất, có những khâu đã giảm được nhiều lao động. Một lao động có thể cùng lúc theo dõi điều khiển 2-3 máy sản xuất ở khâu may, thêu…
Khánh Minh