Ngành bán lẻ, dịch vụ giữ vai trò quan trọng trong thị trường nội địa. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành đang đẩy mạnh nhiều phương án để từng bước ổn định thị trường, đảm bảo các kênh phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Ngành bán lẻ, dịch vụ giữ vai trò quan trọng trong thị trường nội địa. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, ngành bán lẻ, dịch vụ trong tỉnh đang đẩy mạnh nhiều phương án để từng bước ổn định thị trường, đảm bảo các kênh phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Đồ họa thể hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng của năm 2021. Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai (Đồ họa: Hải Quân) |
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực này còn chủ động các phương án để thích ứng với tình hình dịch bệnh.
* Từng bước ổn định thị trường
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó có thị trường bán lẻ. Mặc dù vậy, các kênh bán lẻ vẫn đang khẳng định vai trò quan trọng làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, góp phần tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nhất là những loại hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều chợ truyền thống vẫn tạm đóng cửa để phòng, chống dịch.
Đại diện nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong tỉnh chia sẻ, hiện nguồn hàng thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng… được chủ động, đảm bảo nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong khi đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng liên tục cập nhật, triển khai các kênh bán hàng thay thế, điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa nhằm thay thế các chợ tạm đóng cửa, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Các kênh bán lẻ chủ động tuân thủ trong việc niêm yết giá, bán đúng giá, đủ số lượng…
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, siêu thị chủ động các phương án về phòng, chống dịch Covid-19, duy trì nguồn nhân sự, nhân viên để đảm bảo hoạt động, cung ứng hàng hóa cho người dân. Hiện nay, gần như 100% nhân viên siêu thị đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 và khoảng 70% nhân viên đã được tiêm đủ 2 mũi. Siêu thị đã tập hợp danh sách nhân viên để hoàn thành 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Người tiêu dùng chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân |
Tương tự, ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Big C Đồng Nai cho biết, siêu thị đảm bảo được nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu dồi dào, nhân viên siêu thị đã cơ bản được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19, chuẩn bị tiến hành tiêm mũi 2 trong những ngày tới. Lượng khách đến mua sắm ổn định, đặc biệt lượng khách đặt mua qua các kênh trực tuyến của siêu thị tăng khá mạnh trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày siêu thị nhận khoảng 200 đơn hàng trực tuyến.
Các kênh bán lẻ truyền thống, các chợ đầu mối, chợ bán lẻ đang hoạt động, các điểm bán hàng thiết yếu… đang duy trì các phương án phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu với giá bình ổn để cung ứng cho người dân, nhất là người dân ở những khu vực phong tỏa.
Theo đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất), để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, chính quyền địa phương và Ban Quản lý chợ đã chủ động siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bố trí chốt kiểm soát các phương tiện vận tải hàng hóa ra - vào chợ, đẩy mạnh thực hiện sàng lọc xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 thường xuyên đối với tiểu thương, nhân viên tại chợ, lái xe, người vận chuyển ra vào chợ…
* Xây dựng các phương án thích ứng nhanh
Trước đây, ngành bán lẻ thường bán hàng trực tiếp, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã mở ra phương thức bán hàng đa kênh, đặc biệt là đẩy mạnh kênh bán hàng online.
Theo ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Quan hệ công chúng hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh, thời gian qua, chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách hóa Xanh đã chủ động các nguồn hàng hóa cung ứng, duy trì hoạt động ổn định, đẩy mạnh tập trung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. Về giá cả, chuỗi cửa hàng trong hệ thống chủ động triển khai các chương trình bình ổn giá, công tác niêm yết giá được triển khai đầy đủ, hạn chế những sai sót về cập nhật giá. Đồng thời, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, trong đó có kênh Zalo theo khu vực bán hàng để giúp người dân thuận tiện mua sắm, đặt hàng online…
Nhiều hộ kinh doanh, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ chủ động thích ứng trước những diễn biến dịch bệnh thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, chuyển đổi mặt hàng cung ứng để phù hợp với tình hình thực tế…
Bà Đào Thị Nguyên Trang, chủ một nhà hàng ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho hay, kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát với diễn biến khó lường, hoạt động kinh doanh của nhà hàng bị gián đoạn. Thay vào đó, nhà hàng chuyển hướng sang cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho khách hàng có nhu cầu đặt mua trực tuyến. Nguồn thủy, hải sản được cửa hàng nhập về từ các nguồn cung ổn định ở trong tỉnh và một số địa phương lân cận.
Cửa hàng chủ động kết nối với đội ngũ giao hàng (shipper) chuyên nghiệp để giao hàng đến nhiều khu vực ở TP.Biên Hòa. Cửa hàng còn kết nối với các kênh phân phối, nhận đặt hàng ở các phường để duy trì lượng khách mua ổn định. Ngoài ra, cửa hàng còn bán hoặc tặng kèm các combo rau xanh đi kèm các mặt hàng thực phẩm…
Bên cạnh những người ở độ tuổi 18-40 thích ứng tốt với công nghệ, các tiểu thương, hộ kinh doanh trung niên vẫn khá nhọc nhằn để có thể xoay xở trong đại dịch. Ông Hùng Hào, 50 tuổi, chủ một tiệm tạp hóa ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi không biết sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội. Mặc dù được nhiều khách hàng khuyến khích tạo tài khoản để thuận tiện cho việc kinh doanh nhưng việc tiếp cận công nghệ đối với tôi rất khó khăn, chưa kể còn việc thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt... Do đó, tôi chủ yếu mua bán trực tiếp theo kiểu truyền thống hoặc khách quen gọi điện thoại đặt hàng rồi đến lấy, dù sao hiện tôi vẫn kinh doanh khá ổn định với lượng khách gần nhà và trong khu phố của mình”.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, những người vận chuyển, giao hàng chính là mắt xích quan trọng kết nối cung - cầu giữa các kênh bán lẻ, dịch vụ và người tiêu dùng.
Ông Phạm Hải, nhân viên giao hàng của một công ty dịch vụ chuyển phát nhanh ở TP.Biên Hòa cho biết, kể từ cuối tháng 8-2021, công ty của ông được phép hoạt động trở lại với 30% nhân lực để vận chuyển các loại giấy tờ, hàng hóa thiết yếu nội tỉnh, nội thành. Thời gian gần đây, số lượng đơn hàng ngày càng nhiều hơn, công việc cũng vất vả hơn. Ngoài các điều kiện cần như: mặc đồng phục, chở thùng hàng có logo, bảng tên và giấy xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper, giấy nhận diện, phải sử dụng ứng dụng quản lý đơn hàng, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày..., hiện tất cả shipper đều phải mặc đồ bảo hộ để đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. “Mặc dù đi giao hàng thời điểm này gặp nhiều khó khăn hơn do phải đứng chờ đợi khách ở các chốt kiểm soát giao/nhận hàng hóa nếu khách ở trong “vùng xanh” hoặc khu phong tỏa, trong khi lực lượng shipper mỏng nên tôi phải đảm đương nhiều khu vực hơn bình thường. Tuy nhiên, để được hoạt động, có thu nhập, tôi phải tuân thủ đầy đủ các quy định để nhanh chóng hoàn thành nhiều đơn hàng trong ngày” - ông Hải bộc bạch.
Sở Công thương vừa có văn bản về việc triển khai phục hồi hoạt động kinh doanh tại siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích, cơ sở, điểm cung ứng dịch vụ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Theo đó, Sở Công thương đề nghị các cơ sở kinh doanh nói trên cần nghiên cứu, triển khai và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó thực hiện nghiêm thông điệp 5K; thường xuyên thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 và cập nhật thông tin lên hệ thống antoancovid.vn… |
Hải Quân