Có lẽ sẽ còn khá lâu ngành bán lẻ và dịch vụ mới tái diễn cảnh những "rừng" người xếp hàng tại các trung tâm thương mại trong những ngày cao điểm mua sắm hay lễ, tết - cảnh rất thường thấy trong thời chưa có dịch bệnh Covid-19.
Các số liệu về kinh tế do Tổng cục Thống kê công bố vừa qua cũng chứng minh điều đó. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2021 ước tính đạt 308,8 ngàn tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước; quý III đạt 915,7 ngàn tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng của năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm đến 7,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Quan sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia khác và tại Việt Nam thời gian qua có thể thấy, việc hạn chế mua bán và sử dụng dịch vụ, hàng hóa trực tiếp sẽ còn phải hạn chế lâu dài, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm tại nhiều ngành nghề không ổn định dẫn đến thu nhập giảm sẽ khiến người tiêu dùng cơ cấu lại “giỏ hàng hóa, dịch vụ” của mình để thích nghi với tình hình mới. Trong đó, nổi bật là yếu tố tiết kiệm và chi tiêu cân nhắc hơn.
Song, dù có tiết kiệm hơn, người tiêu dùng cũng không thể không sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là những nhóm hàng thiết yếu. Chỉ là cách để hàng hóa đi từ người bán đến người mua sẽ khác trước khá nhiều và thích nghi với điều này sẽ trở thành con đường gần như duy nhất để ngành bán lẻ tồn tại và phát triển. Cụ thể hơn, họ phải nhanh chóng chuyển đổi và thích ứng ngay với đặt hàng trên thiết bị di động, công nghệ và giao hàng tại nhà. Công nghệ phải đáp ứng được các hoạt động như: làm việc, mua sắm, giải trí… mà không cần di chuyển đến nhiều nơi như trước. Quan sát chung cho thấy, kể cả trong những thời điểm giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, những đơn vị bán lẻ nào “chuẩn chỉnh” được các yêu cầu của việc bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà thì doanh số lại còn tăng cao hơn bình thường. Trong số này có cả những người bán nhỏ lẻ chứ không riêng gì các tên tuổi lớn trong ngành.
Vậy nên, để phát triển bền vững trong đại dịch, sự chuyển đổi nhanh chóng về tư duy, công nghệ sẽ là chìa khóa, sự chuyển biến này cần phải được diễn ra dưới nhiều quy mô, cấp độ, từ những cửa hàng nhỏ lẻ đến những doanh nghiệp quy mô hơn. Và đó có lẽ là “kịch bản” gần như duy nhất trong bối cảnh linh hoạt, thích ứng “sống chung với dịch” để tiếp tục phát triển kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Vi Lâm