Báo Đồng Nai điện tử
En

Một năm đầy thử thách của doanh nhân

09:10, 12/10/2021

Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại tại Việt Nam từ quý II năm 2021 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, chạm ngưỡng giới hạn khả năng chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân...

Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại tại Việt Nam từ quý II-2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, chạm ngưỡng giới hạn khả năng chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân.

Trong khó khăn, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực để đồng hành, hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch. Trong ảnh: Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai trao tặng nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho Sở Y tế
Trong khó khăn, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực để đồng hành, hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch. Trong ảnh: Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai trao tặng nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho Sở Y tế

Trong bối cảnh đó, DN, doanh nhân cả nước cũng như Đồng Nai vừa phải nỗ lực duy trì hoạt động, giảm thiểu thiệt hại, vừa thể hiện trách nhiệm của mình khi đồng hành cùng chính quyền trong phòng, chống dịch.

* Dồn dập khó khăn

Khó khăn của cộng đồng DN là vấn đề được nhắc tới nhiều trong thời gian vừa qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 94% DN trên cả nước đang lâm vào tình trạng khó khăn vì dịch bệnh. Tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, 98% DN thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Các DN có thời gian dài hoạt động cầm chừng với khoảng 5-10% công suất. Phần lớn DN cho biết, họ chỉ có thể trụ đỡ thêm trong vòng 3-6 tháng tới, nếu dịch bệnh tiếp tục căng thẳng và nền kinh tế không được tái mở cửa.

"Bây giờ là lúc thử thách bản lĩnh của đội ngũ DN, doanh nhân hơn lúc nào hết. Chúng ta cần “thắng không kiêu, bại không nản” và “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”; dù khó khăn đến đâu thì cũng là những khó khăn trước mắt và tạm thời" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắn nhủ tại buổi làm việc với cộng đồng DN, doanh nhân cả nước ngày 7-10.

Tại Đồng Nai, 9 tháng qua, mặc dù nền kinh tế so sánh với cùng kỳ năm trước vẫn có sự tăng trưởng khá nhưng phần lớn đến từ sự tăng trưởng từ nửa đầu năm. Bước vào quý III, cũng như cả nước, kinh tế Đồng Nai gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, kéo theo nhiều khó khăn cho DN.

Theo đánh giá của Cục Thống kê Đồng Nai, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn đến cùng một lúc. Cụ thể là các khoản chi phí thuê hạ tầng, tiền thuê đất, thuế tài nguyên…; các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí Công đoàn, khoản nợ và lãi vay ngân hàng… Khó khăn là vậy nhưng DN vẫn phải căng mình lo cho lao động đang trực tiếp sản xuất và cả lao động cho nghỉ việc, mất việc làm.

Ngoài những khó khăn chung nói trên, các DN làm hàng xuất khẩu đang chịu chung tình trạng thiếu container rỗng, chi phí thuê container tăng cao, giá cước vận tải biển tăng 2-4 lần. Điều này dẫn đến tình trạng giá trị sản phẩm xuất khẩu trong 1 container không bằng chi phí thuê và vận chuyển container (giá cước vận tải tới cảng bờ Đông nước Mỹ trong tháng 9 đã lên tới 18-20 ngàn USD/container).

“Cước vận tải bằng container đang lên mức rất cao, bên cạnh đó là những vấn đề khó khăn khác cộng dồn vào, nguy cơ sẽ khiến các DN làm hàng xuất khẩu nói riêng, DN sản xuất nói chung bị đội giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào. Điều này làm cho DN chuyên về xuất khẩu gặp khó khăn lớn” - ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai bày tỏ lo ngại.

Thấu hiểu những khó khăn nói trên, tại buổi gặp gỡ trực tuyến với cộng đồng DN, doanh nhân cả nước ngày 7-10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, xã hội nước ta, sức khỏe DN bị bào mòn và có cả những mất mát về tính mạng, tài sản. Quốc hội, Chính phủ cũng đã có thảo luận nhằm xem xét, điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp để tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN và kích thích phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó là tiếp tục các gói hỗ trợ theo lộ trình đang được thực hiện.

* Doanh nhân đồng hành cùng địa phương phòng, chống dịch

Sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí phải tạm đóng cửa nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động nhưng trong khó khăn, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực chung tay cùng địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận thị trường, khách hàng là chủ trương xuyên suốt của Đồng Nai. Trong ảnh: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác tại một sự kiện giao thương do UBND tỉnh tổ chức
Hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận thị trường, khách hàng là chủ trương xuyên suốt của Đồng Nai. Trong ảnh: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác tại một sự kiện giao thương do UBND tỉnh tổ chức

Là tổ chức có hơn 500 hội viên trên địa bàn tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai luôn nỗ lực đồng hành cùng địa phương trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Hội đã thực hiện chương trình Hỗ trợ tuyến đầu - gửi trọn niềm tin và trao 1 ngàn túi thuốc an sinh, 1 ngàn túi quà an sinh, cung cấp 1,5 ngàn bình oxy miễn phí cho các bệnh viện, cơ sở điều trị F0.

Trong 9 tháng của năm 2021, Việt Nam đã có hơn 90 ngàn DN rút lui khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng có 10 ngàn DN rút lui, ngừng kinh doanh hoặc phải giải thể, tăng hơn 24% so với năm 2020. Khó khăn là tình trạng chung không kể DN lớn hay nhỏ, gia nhập thị trường mới hay có lịch sử lâu dài. Bất kỳ DN nào nằm trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hay chuỗi vận chuyển cho nền kinh tế không ít thì nhiều đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh nhằm không để người dân nào bị bỏ lại phía sau, Hội đã phát động, quyên góp trong hội viên để thực hiện chương trình Trao tặng 1 ngàn tấn gạo cho người dân vùng khó khăn, góp một phần sức lực cùng địa phương giúp đỡ người lao động duy trì cuộc sống.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm cho rằng, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của DN, doanh nhân đối với cộng đồng xã hội trong những thời khắc khó khăn. Hội sẽ tiếp tục đồng hành, nỗ lực hợp tác với địa phương, là cầu nối giữa chính quyền cùng cộng đồng DN thực hiện các nhiệm vụ chung.

Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai có hơn 60 hội viên. Ngay từ đầu đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, hiệp hội cũng có nhiều chương trình ủng hộ, trong đó đã thành lập Quỹ Hỗ trợ thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 cùng Quỹ Vaccine và kêu gọi hội viên đóng góp. Ngoài ra, hiệp hội cũng đã trao tặng hàng trăm giường y tế cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh…

Cùng với các hiệp hội, nhiều DN lớn, nhỏ trong tỉnh cũng tùy theo tình hình thực tế của mình mà có sự góp sức phù hợp. Trong số đó phải kể đến Công ty CP Đầu tư kinh doanh Golf Long Thành. Với tiềm lực lớn, DN này đã ủng hộ 500 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động, ủng hộ hệ thống máy xét nghiệm SARS-CoV-2 RT-PCR trị giá 5,2 tỷ đồng cho Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, tặng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 4 máy thở oxy dòng cao (HFNC)…; ủng hộ 1 ngàn tấn gạo cho người dân các địa phương trong tỉnh thông qua sự tiếp nhận của MTTQ các cấp.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kết cấu thép GSB cho hay, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, DN của ông nằm ngay tâm dịch xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu nên bị tác động rất mạnh. Nhằm đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn, DN vừa phải nỗ lực đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ”, vừa góp sức cùng địa phương chống dịch. Hiện tất cả lao động của công ty đã được tiếp cận để tiêm vaccine ngừa Covid-19. Công ty nhiều lần hỗ trợ kinh phí để mua vật tư y tế như: cồn, đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang N95 và 3M cho UBND xã Thạnh Phú và Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu để phục vụ công tác chống dịch. DN cũng đã đồng hành cùng một số phường trên địa bàn TP.Biên Hòa để ủng hộ các nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly y tế, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Chúng tôi xác định dịch bệnh là điều bất khả kháng, không chỉ công ty mà cả cộng đồng xã hội bị ảnh hưởng chung. Trong những thời điểm bước ngoặt, nếu DN không chủ động tiếp sức thì thiệt hại chung sẽ rất lớn” - ông Nguyễn Tấn Lộc khẳng định.

Vương Thế

Tin xem nhiều