Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó khăn đặc biệt, cần giải pháp đặc biệt để phục hồi

09:10, 12/10/2021

Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đồng Nai và cả nước đã dần được kiểm soát. Từ đầu tháng 10, nhiều hoạt động KT-XH đã được nới lỏng

Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đồng Nai cũng như cả nước đã dần được kiểm soát. Từ đầu tháng 10, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đã được nới lỏng kiểm soát và dần trở về trạng thái bình thường mới.

 Công ty CP Kết cấu thép GSB đã sản xuất ổn định trở lại
Công ty CP Kết cấu thép GSB đã sản xuất ổn định trở lại. Ảnh: VĂN GIA

Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để phục hồi sản xuất một cách tốt nhất, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang mong muốn Chính phủ, địa phương có những giải pháp đặc biệt, cụ thể và phù hợp.

* Nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh

Bắt đầu từ ngày 9-10, theo Chỉ thị 19/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, các hoạt động kinh tế - xã hội đã được nới lỏng hơn rất nhiều. Trước đó, với các giải pháp ở từng thời điểm, việc sản xuất của các DN cũng từng bước được phục hồi. Chỉ thị 19 quyết định tháo dỡ toàn bộ các chốt kiểm soát ở “vùng xanh” và cho phép công nhân đã được tiêm vaccine đi lại không cần phải có giấy đi đường. DN cũng được giao quyền chủ động hơn trong tổ chức sản xuất gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, điều mà họ rất mong đợi.

Cùng với các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp thì nhiều DN, doanh nhân địa phương đã và đang trở lại sản xuất.

Tại Công ty TNHH MTV Thế Linh, DN chuyên sản xuất chăn, drap, gối nệm, hoạt động sản xuất trong nhà máy đã được mở trở lại. Nằm trong vùng phong tỏa ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa), DN này trải qua 3 tháng trong tình trạng sản xuất bị ngưng trệ.

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc công ty cho hay, mở cửa trong tình hình rất nhiều máy móc, thiết bị hư hỏng, vật tư nguyên liệu đầu vào thiếu thốn, thị trường vẫn còn trầm lắng, nhưng được sản xuất trở lại đó là niềm vui của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị. “Rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối diện và vượt qua, hiện mới khoảng 30% lao động của công ty trở lại sản xuất. Để đảm bảo an toàn, công nhân lao động được quán triệt tuân thủ tuyệt đối những quy định của ngành Y tế. Chúng tôi hy vọng tiến độ phủ vaccine mũi 2 cho người lao động được đẩy nhanh để yên tâm hơn trong sản xuất” - ông Phạm Thế Linh kỳ vọng.

Tương tự, bà Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh thông báo cho người lao động về việc mở cửa trở lại của DN sau nhiều ngày đóng băng. Theo bà Phương, công ty đang có nguồn hàng là nguyên liệu gỗ phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ nội thất. Với 2 nhà máy, DN sẽ nỗ lực để thực hiện những kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đặt ra, đồng thời tạo tâm lý yên tâm làm việc cho người lao động.

* Cần giải pháp đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN

Theo các DN, bên cạnh những giải pháp cấp bách về nguồn vốn, dòng tiền cho DN thì nguồn lực lao động cần được chú trọng hơn bao giờ hết, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Đại dịch Covid-19 kéo dài đã buộc người lao động phải trở về các tỉnh. Do đó, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo các địa phương lên phương án chào đón cũng như hỗ trợ người lao động trở về quê hương ổn định cuộc sống để sau khi hết dịch, người dân có thể trở lại các khu công nghiệp cống hiến sức lực.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết thêm, sau đợt dịch vừa qua, các hội viên của hiệp hội đã từng bước ổn định sản xuất trở lại nhưng vấn đề là ngay lúc này, lượng lao động đã bị sụt giảm so với trước. Nhiều DN tạm ngừng sản xuất 2-3 tháng nên một số lao động lựa chọn giải pháp hồi hương trước khi sản xuất mở cửa trở lại. “Chúng tôi nỗ lực lắm thì hiện tại cũng cố gắng duy trì được khoảng 70% lao động so với trước. Trong khi hiện tại đang là mùa sản xuất cao điểm cho cuối năm, rất cần gia tăng sản lượng” - ông Lê Xuân Quân cho hay.

Ở góc độ chính quyền địa phương, Đồng Nai đang nỗ lực để kêu gọi người lao động ở lại. Những ngày qua, có hàng chục ngàn lao động trên địa bàn tỉnh đã được Đồng Nai hỗ trợ di chuyển về địa phương theo nguyện vọng. Đáp ứng nguyện vọng của người dân và hỗ trợ về quê nhưng lãnh đạo tỉnh mong muốn bà con sớm trở lại Đồng Nai tiếp tục làm việc. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan sẵn sàng đón nhận người lao động trở lại sau dịch.

Ở góc độ vĩ mô, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế đã nhận định, đại dịch Covid-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, đến quản trị quốc gia, quản trị xã hội, quản trị DN. Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài nên nhiều nước đã đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt với thời hạn nhiều năm để hỗ trợ DN khôi phục hoạt động.

Đó cũng là tiếng nói chung của cộng đồng DN cả nước. Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco Vũ Xuân Tiền, cần rà soát lại các văn bản pháp luật đang chồng chéo, gây khó dễ cho DN. "Các cơ chế chính sách phải mang tính trước mắt, lâu dài, đồng thời công khai minh bạch phù hợp thông lệ quốc tế. Trong tình hình đặc biệt cần có giải pháp đặc biệt, có đột phá, khác biệt, phù hợp thực tiễn của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh" - Chủ tịch Geleximco mong muốn.

Văn Gia

Tin xem nhiều