Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ tâm lý cho trẻ mồ côi vì Covid-19

11:10, 08/10/2021

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người khiến hàng ngàn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Với các em, đây là một cú sốc lớn về tinh thần đòi hỏi phải có giải pháp hỗ trợ về mặt tâm lý

[links()]Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người khiến hàng ngàn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Với các em, sự đột ngột ra đi của cha, mẹ, người thân là một cú sốc lớn về tinh thần đòi hỏi cần có giải pháp hỗ trợ về mặt tâm lý một cách lâu dài để giúp các em sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Anh Võ Văn Trung, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh thăm, động viên và tặng quà trẻ em mồ côi vì Covid-19. Ảnh: Nga Sơn
Anh Võ Văn Trung, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh thăm, động viên và tặng quà trẻ em mồ côi vì Covid-19. Ảnh: Nga Sơn

* Cho trẻ quyền được biết sự thật

Gia đình không có đất canh tác nên cha mẹ của 3 em: Chướng Phát Cường (12 tuổi), Chướng Phát Thành (9 tuổi) và Chướng Phát Đạt (8 tuổi) phải đi làm ăn xa ở tỉnh Long An, để lại 3 anh em ở với bà nội trong căn nhà thuê ở ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo (H.Trảng Bom). Em Cường cho biết, cha mẹ em đều làm công nhân ở xa, 1-2 tháng mới về thăm 3 anh em một lần. Thế rồi, dịch bệnh Covid-19 ập đến, hơn 2 tháng rồi cha mẹ không về thăm. Cách đây ít lâu, qua thông tin của người cô ruột, 4 bà cháu mới biết cha em mắc bệnh Covid-19 và qua đời.

Theo chia sẻ của Cường, mặc dù không được ở gần cha mẹ nhưng cha mẹ vẫn thường xuyên gọi Zalo để nói chuyện với 3 anh em. Mỗi lần về hay gọi điện, cha vẫn thường dặn dò 3 anh em phải cố gắng học để sau này có nghề nghiệp ổn định, không phải vất vả “tha phương cầu thực” như cha mẹ. Em thật không ngờ, cuộc trò chuyện giữa em với cha cách đây nửa tháng là lần cuối cùng em được nói chuyện với cha. Từ khi cha mất, một mình mẹ em ở Long An đi cách ly, vì không muốn bà nội và các con lo lắng nên cũng ít gọi điện về khiến em thấp thỏm không yên. Buồn, lo lắng, bất an nhưng Cường kìm nén không dám để lộ cảm xúc của mình làm ảnh hưởng đến các em.

Trong số những trẻ mồ côi cha, mẹ vì Covid-19, có nhiều em còn non nớt cả về thể chất và tinh thần. Thay vì cho trẻ biết sự thật, đối diện và vượt qua nỗi đau, những người thân còn lại của các em lại chọn cách nói tránh.

Trước đây, trong căn phòng trọ của gia đình 2 bé H’Mum Niê (5 tuổi) và H’Dia Niê (3 tuổi) ở ấp 5, xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) luôn ấm cúng và đầy ắp tiếng cười sau mỗi giờ tan ca. Thế nhưng, 1,5 tháng trở lại đây, không khí ấy của gia đình đã không còn nữa. Chị H’La Niê (mẹ của 2 bé H’Mum Niê và H’Dia Niê) cho biết, từ giữa tháng 7, khu nhà trọ nơi gia đình chị ở xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2, cả khu trọ bị phong tỏa. Ngày 3-8, chồng chị bị ho, đau họng nên test nhanh Covid-19 và phát hiện bị nhiễm Covid-19. Ngày 5-8, chồng chị được đưa đi cách ly nhưng chỉ 3 ngày sau thì mất. Đến nay, 2 con gái của chị chỉ biết cha bị bệnh đi cách ly chứ không hề hay biết cha đã mất. Mỗi khi các con hỏi về cha hoặc khóc đòi cha, chị chỉ biết giấu đi những giọt nước mắt và nói với con rằng cha đi làm hoặc về quê mà không dám nói cho con biết sự thật.

ThS Cao Thị Huyền, giảng viên Tâm lý học Trường đại học Đồng Nai cho rằng, chỉ trong một thời gian rất ngắn trẻ mất đi cha, mẹ hoặc người thân nên đây là biến cố, sang chấn lớn và bất ngờ với trẻ. Tuy nhiên, việc không nói sự thật về cha, mẹ hoặc người thân đã mất sẽ làm cho tâm lý của trẻ diễn biến xấu đi khi sau này các em biết được sự thật và thậm chí là sẽ có cả mặc cảm tội lỗi. Vì vậy, những người thân còn lại của trẻ hãy cho phép trẻ được nghe, biết về việc cha, mẹ hoặc người thân qua đời. Đồng thời, người lớn hãy cho trẻ quyền được bày tỏ sự buồn đau của mình bằng việc khóc than, vật vã hay im lặng, thu mình…

* Cần được can thiệp sớm và lâu dài

ThS Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa) cho biết, trẻ em đang ở độ tuổi non nớt về mặt hành vi và cảm xúc nên việc đột ngột mất đi cha, mẹ hoặc người thân là cú sốc tinh thần với các em. Việc người thân trong gia đình giấu không nói sự thật vì họ sợ thông tin cha, mẹ, người chăm sóc trẻ qua đời sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong suốt quá trình trưởng thành của các em.

Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý học, việc làm này chỉ mang lại lợi ích ban đầu là khỏa lấp nỗi nhớ cha, mẹ, người thân của trẻ mà không giải quyết được vấn đề lâu dài. Nói cho trẻ biết sự thật là việc làm cần thiết, song phải lựa chọn thời điểm nói và cách nói phù hợp để giúp trẻ dễ dàng chấp nhận, không hoang mang hay hoảng sợ.

Theo ThS Cao Thị Huyền, khi nói chuyện với trẻ, người lớn nên cung cấp cho trẻ những thông tin cần thiết (tùy vào độ tuổi mà cung cấp những thông tin phù hợp); đồng thời, giúp trẻ cảm nhận được rằng dù vắng cha hoặc mẹ hoặc người thân nhưng bản thân các em luôn nhận được tình yêu thương, giúp đỡ từ những người bên cạnh. Một trong những cách giúp làm dịu bớt nỗi đau của trẻ, giúp trẻ chấp nhận sự thật chính là người lớn trong gia đình hãy cùng với trẻ chia sẻ những câu chuyện về người đã mất, giúp trẻ gửi những thông điệp yêu thương đến người đã mất thông qua Facebook, Zalo… Hoặc cũng có thể giúp trẻ hiểu rằng không thể quay ngược thời gian để trở lại, nhưng trẻ có thể lưu giữ những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp về người đã mất.

Với những trẻ có những biểu hiện sang chấn tâm lý mạnh, ngoài việc lắng nghe các em chia sẻ, người lớn trong gia đình hãy trao cho trẻ cảm giác an toàn bằng sự chú ý hoàn toàn trong ánh mắt, chân thành lắng nghe bằng cả trái tim, tôn trọng và không ép trẻ nói. Đồng thời, những người gần gũi với trẻ nên quan sát và tìm hiểu những nhu cầu, những mối lo lắng của trẻ để trấn an và đáp ứng trong giới hạn có thể đồng thời giúp các em thư giãn và bình tĩnh trở lại.

Riêng với những trẻ ở độ tuổi vị thành niên, chứng kiến mọi biến cố xảy ra với gia đình, đặc biệt là nhìn thấy cha, mẹ hoặc người thân mất vì Covid-19, theo các chuyên gia tâm lý cần phải có sự can thiệp sớm về mặt tâm lý. Bởi, nhận thức của các em vẫn chưa hoàn thiện so với người trưởng thành nên việc chứng kiến những biến cố sẽ là nỗi ám ảnh, làm ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của các em.

Nga Sơn

 

 

 

Tin xem nhiều