Trong gần 3 tuần qua, trên địa bàn Đồng Nai đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN) trong và ngoài các KCN đăng ký mới hoặc bổ sung lao động cho sản xuất. Các DN đang tăng tốc sản xuất tại các nhà máy để nâng công suất, đáp ứng các đơn hàng cuối năm.
[links()]Trong gần 3 tuần qua, trên địa bàn Đồng Nai đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN) trong và ngoài các khu công nghiệp (KCN) đăng ký mới hoặc bổ sung lao động cho sản xuất. Các DN đang tăng tốc sản xuất tại các nhà máy để nâng công suất, đáp ứng các đơn hàng cuối năm.
Đồ họa thể hiện một số đóng góp của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng của năm 2021. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Theo UBND tỉnh, thực hiện giãn cách xã hội trong hơn 2 tháng đã có hơn 500 DN trong các KCN phải tạm dừng hoạt động; gần 1,2 ngàn DN duy trì được sản xuất, nhưng chỉ đạt công suất 20-50%. Do đó, cuối tháng 9-2021, khi tỉnh có chính sách nới lỏng giãn cách, từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhiều DN đã nhanh chóng phục hồi sản xuất.
* Cố gắng giữ đơn hàng
Những ngày qua, các DN tại Đồng Nai đã gấp rút hoàn thành phương án phục hồi sản xuất để đăng ký với Ban Quản lý các KCN Đồng Nai (DN trong KCN) và Sở LĐ-TBXH (DN ngoài KCN) được hoạt động trở lại hoặc bổ sung thêm lao động cho các nhà máy.
Ông Wu Minh Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss cho hay: “Nhiều DN Đài Loan ở Đồng Nai đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Trong đó, có DN phải dừng sản xuất, những DN duy trì sản xuất cũng chỉ được 20-60% công suất. Do đó, sau khi tỉnh mở cửa trở lại, nhiều DN đã đăng ký hoạt động trở lại, còn các DN đang sản xuất đã bổ sung lao động, tăng công suất các nhà máy để kịp thời giữ lại các đơn hàng cuối năm đã ký kết với đối tác”.
Theo Sở Công thương, tháng 9-2021, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào 3 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản chỉ đạt 592 triệu USD, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ giảm 36,3%, Trung Quốc giảm 39% và Nhật Bản giảm 19%. |
Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng cũng có những DN đã nỗ lực giữ lại được đơn hàng như: Hyosung, Lixil, Boss, Nestlé, GC...
Ông Yoo Sun Hyung, Phó tổng giám đốc Công ty Hyosung Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 5) kể: “Hyosung là nhà cung ứng sợi lớn trên thế giới nên khi xảy ra dịch bệnh phải giảm công suất, ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các khách hàng nhiều năm hợp tác, biết hoàn cảnh khó khăn nên đã chia sẻ bằng cách gia hạn các hợp đồng, Hyosung đã giữ được các đơn hàng cho dịp sản xuất cuối năm và ký thêm đơn hàng cho năm 2022. Dự tính doanh thu của Hyosung năm 2021 đạt khoảng 2,7 tỷ USD”.
Theo ông Lưu Châu Bằng, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (KCN Nhơn Trạch 2), công ty chuyên cung cấp các loại pin, ắc quy cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới và ở Việt Nam. Dù dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng công ty vẫn giữ được hầu hết các đơn hàng. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu của công ty năm nay vẫn tăng so với năm 2020.
DN trở lại sản xuất và liên tục tăng công suất là dấu hiệu khả quan cho nền kinh tế. Dự kiến, trong quý IV-2021, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, doanh thu của DN sẽ có những khởi sắc.
Công ty TNHH Việt Nam NOK (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) đang tăng tốc để đáp ứng các đơn hàng |
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Từ ngày 15-9, tỉnh đã ban hành Kế hoạch phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sau đó, tỉnh có thêm nhiều văn bản tiếp tục mở cửa, trở lại trạng thái “bình thường mới”, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh có lộ trình để DN giải quyết cho người lao động đi, về hằng ngày để bớt áp lực”. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, một số vấn đề vướng mắc lớn của DN đang được tỉnh tập trung giải quyết là tiêm vaccine ngừa Covid-19 đủ 2 mũi cho người lao động, đưa lao động trở lại nhà máy...
Ngày 9-10, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 19/CT-UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị này tiếp tục nới lỏng các quy định để người dân tham gia lưu thông khi đã tiêm vaccine ít nhất 1 mũi sau 14 ngày hoặc người điều trị khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng, bãi bỏ giấy đi đường, bãi bỏ các chốt kiểm soát phòng dịch. Tỉnh cho phép được tổ chức hội họp, các sự kiện tập trung dưới 30 người nhưng phải đảm bảo giãn cách, các hoạt động thể dục, thể thao, sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ được hoạt động trở lại. Đồng thời, các địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm tham quan du lịch được hoạt động tối đa 50% công suất. Sau đó, UBND tỉnh ban hành thêm nhiều văn bản khác để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trên các lĩnh vực hoạt động trở lại.
* Hàng trăm nhà máy tăng tốc sản xuất
Từ cuối tháng 9-2021, các DN trong và ngoài KCN liên tục đăng ký hoạt động trở lại và bổ sung lao động để nâng dần công suất các nhà máy. Riêng các KCN của tỉnh có hơn 300 DN thuộc lĩnh vực dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị, chế biến thực phẩm... đã tăng công suất.
Trong quý III-2021, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều DN tại Đồng Nai mất đi từ 15-25% đơn hàng cho mùa sản xuất cuối năm. Tuy nhiên, thời điểm này phục hồi sản xuất sẽ giúp các DN giữ lại được nhiều đơn hàng và giúp cho các đối tác an tâm, bớt lo chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Tập đoàn Phong Thái đang có 65 ngàn lao động làm việc trong các công ty và là một trong những nhà sản xuất lớn cho một số nhãn hiệu giày nổi tiếng thế giới. Đây là tập đoàn có kim ngạch xuất khẩu giày dép lớn của tỉnh. Ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam Tập đoàn Phong Thái cho hay: “Tập đoàn Phong Thái đầu tư vào tỉnh 5 công ty chuyên sản xuất giày ở H.Xuân Lộc và H.Trảng Bom. Do đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, các công ty thuộc tập đoàn phải dừng sản xuất hơn 2 tháng, đối tác không đợi được đã chuyển 25% đơn hàng sang nước khác. Vì thế, khi tỉnh có chính sách mở cửa, tập đoàn đã nhanh chóng phục hồi sản xuất tại nhiều nhà máy để giữ các đơn hàng”.
Bên cạnh đó, nhiều công ty khác cũng đã nâng công suất các nhà máy lên như: Công ty CP Đồng Tiến, Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Daiwa light Alloy Industry Việt Nam, Công ty TNHH YKK Việt Nam, Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam, Công ty TNHH Changshin Việt Nam, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa...
Bà Nguyễn Ngọc An Hảo, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty TNHH Vacpro Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 1) cho biết: “Trong gần 3 tháng qua, công ty chỉ tổ chức được khoảng 50% lao động lưu trú tại nhà máy để duy trì sản xuất nên công suất chỉ đạt gần 60% so với bình thường, nhiều đơn hàng phải đàm phán kéo dài thời gian giao hàng. Do đó, sau khi tỉnh ban hành chính sách mở cửa, công ty đã đăng ký bổ sung lao động để khôi phục các dây chuyền sản xuất để đáp ứng các đơn hàng”.
Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) đăng ký bổ sung thêm lao động để nâng công suất nhà máy. Ảnh: H.Giang |
Một số rào cản trong việc đưa lao động tạm nghỉ việc trong thời gian giãn cách xã hội trở lại nhà máy, cho lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” đi, về cũng đang được tỉnh tháo gỡ dần. Đơn cử như việc tỉnh bãi bỏ giấy đi đường với công nhân làm việc trong các nhà máy, mở rộng nhiều “vùng xanh” để các DN có nguồn “lao động xanh” để phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu.
Theo nhận xét của các DN, nếu dịch bệnh được khống chế tốt, người lao động và người dân ngoài việc được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và tỉnh nới lỏng tất cả các quy định thì sản xuất của các nhà máy có thể sẽ phục hồi công suất như đầu năm trong khoảng 2-4 tháng. Như vậy, DN sẽ đáp ứng được các đơn hàng cho dịp cuối năm và đàm phán thêm được các đơn hàng mới cho năm 2022. Các khách hàng nước ngoài thấy tình hình phòng, chống dịch hiệu quả, các nhà máy hoạt động ổn định sẽ an tâm giao các đơn hàng lớn cho DN tại Đồng Nai.
Nhiều công ty có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho biết, vẫn tin tưởng tỉnh sẽ có những chính sách linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ để DN vượt qua khó khăn, trở lại hoạt động bình thường. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/NĐ-CP nhằm tạo sự thống nhất trong mở cửa trở lại trạng thái “bình thường mới” và tỉnh cũng đang căn cứ vào đó để triển khai nhằm tạo môi trường an toàn và thông thoáng để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hương Giang