Thời gian qua, thực trạng lao động về quê tránh dịch đông đã làm cho các doanh nghiệp (DN) thiếu hụt lao động trầm trọng khi khôi phục sản xuất...
Thời gian qua, thực trạng lao động về quê tránh dịch đông đã làm cho các doanh nghiệp (DN) thiếu hụt lao động trầm trọng khi khôi phục sản xuất. Để thu hút nhân lực quay trở lại làm việc tại các DN, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, các địa phương và DN cần hỗ trợ về chi phí đi lại, nhà ở, xét nghiệm SARS-CoV-2, đảm bảo an sinh xã hội...
May mặc là một trong những ngành đang thiếu hụt lao động sau khi trở lại hoạt động trong tình hình mới. Trong hình: Công nhân Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc |
* Để DN sớm khôi phục sản xuất
Bộ LĐ-TBXH đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động, xây dựng giải pháp giúp giữ chân, thu hút NLĐ đã về quê tiếp tục quay trở lại thị trường lao động. Bộ LĐ-TBXH cũng tính đến phương án huy động lực lượng lao động từ các trường nghề, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, kết nối, phát triển nguồn lao động từ bộ đội xuất ngũ… Khi địa phương thiếu lực lượng lao động có thể huy động lực lượng sinh viên tham gia sản xuất với hình thức vừa học, vừa làm, bảo đảm đúng các quy định về pháp luật việc làm.
Bộ LĐ-TBXH đề nghị các địa phương cần tổ chức nắm các thông tin cơ bản về tình hình việc làm, đời sống NLĐ. Lãnh đạo DN cần nhanh chóng xây dựng phương án khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có dự báo về nhu cầu lao động phù hợp. Yêu cầu trên hết cần đặt ra là đảm bảo an toàn sức khỏe cho công nhân, hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đi kèm với việc thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Để khôi phục thị trường lao động, các địa phương cần phối hợp trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương; tạo điều kiện để NLĐ quay trở lại làm việc. Mặt khác, địa phương cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ DN để xây dựng mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn bảo đảm các tiêu chí an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các quy định của pháp luật lao động; hướng dẫn vay tiền để trả lương; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm mới cho tuyển dụng và sử dụng lao động.
* Cần có chính sách để thu hút lao động
Để NLĐ yên tâm trở lại làm việc, các địa phương cần có chính sách thu hút, hỗ trợ họ tham gia thị trường lao động, đặc biệt là lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như: hỗ trợ một phần trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động chi phí đi lại, thuê nhà, y tế; các nhu yếu phẩm thiết yếu… Bộ LĐ-TBXH đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ trong các DN sử dụng nhiều lao động, trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu của địa phương để sẵn sàng về y tế cho NLĐ khi tham gia thị trường lao động.
Tại Đồng Nai, theo Sở LĐ-TBXH, thời gian qua đã có khoảng 40 ngàn lao động đã về quê. Vì vậy, tình trạng thiếu lao động ở các DN rất lớn. Sở LĐ-TBXH đang khảo sát tình hình thiếu hụt lao động ở các DN trên địa bàn tỉnh, nắm thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động và các chính sách của DN hỗ trợ NLĐ. Từ đó, hỗ trợ việc tuyển dụng lao động, cung ứng nguồn lực đáp ứng việc khôi phục sản xuất của DN.
Ngoài ra, các cấp Công đoàn Đồng Nai đang tiếp tục triển khai việc hỗ trợ gói an sinh của Công đoàn cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với DN hoàn tất thủ tục để NLĐ được nhận hỗ trợ từ các gói an sinh của Chính phủ để NLĐ an tâm trở lại làm việc. Công đoàn cơ sở cần đẩy mạnh công tác thương lượng, đối thoại với DN xây dựng các chính sách tốt để giữ chân NLĐ thông qua chính sách về lương, đãi ngộ đặc biệt đối những NLĐ gắn bó, không rời bỏ công ty lúc khó khăn.
Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cho hay, các cấp Công đoàn Đồng Nai sẽ tiếp tục đồng hành với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất để giúp DN từng bước phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp Công đoàn sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thuyết phục, vận động những công nhân cũ có tay nghề quay lại công ty làm việc, kết hợp với việc lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và khó khăn của NLĐ để có giải pháp chăm lo phù hợp trong tình hình mới.
Theo các chuyên gia lao động, thị trường lao động những tháng cuối năm sẽ tăng cao do nhiều ngành nghề được phép hoạt động trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, việc thiếu lao động đang ảnh hưởng lớn đến việc khôi phục sản xuất của các DN và phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh, thành phía Nam. Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia về lao động cho rằng, cơ quan chức năng và DN cần thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh, y tế và cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. |
Thảo My