Đồng Nai đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để từng bước phục hồi kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp được phép hoán đổi lao động, việc kiểm soát người và phương tiện lưu thông cần được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.
Đồng Nai đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để từng bước phục hồi kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp được phép hoán đổi lao động, việc kiểm soát người và phương tiện lưu thông cần được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều nguồn lây nhiễm Covid-19 gây ảnh hưởng đến công tác này, trong đó có những người lái xe tải, xe khách, người giao, nhận hàng hóa (shipper)…
Đồ họa thể hiện một số quy định đối với hoạt động vận tải nhằm đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc) |
Nhằm đảm bảo phòng dịch Covid-19 và ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ hoạt động vận tải, Đồng Nai đã đưa ra các quy định đối với lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên xếp, dỡ hàng hóa đi theo xe…
* Quy định phòng dịch trong vận chuyển hàng hóa
Theo quy định của Sở GT-VT về việc hướng dẫn đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, trước khi thực hiện vận chuyển, người trên phương tiện phải có bản chính giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực; lái xe nhận nhiệm vụ và tiếp nhận thông tin về chuyến đi: số người đi theo xe, thời gian thực hiện, hành trình vận chuyển, địa điểm giao nhận hàng hóa, địa điểm nghỉ ngơi, địa điểm dự kiến lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên hành trình, thực hiện kiểm tra đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện; thực hiện khai báo y tế theo quy định, trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang, kính, mũ, găng tay, bao giày cho người trên phương tiện.
Khi xe hoạt động trên đường, lái xe phải tuân thủ đúng hành trình đã kê khai, giao nhận hàng hóa, nghỉ ngơi, tập kết phương tiện tại các điểm đã được xác định trong phương án tổ chức vận tải của đơn vị vận tải. Khi giao nhận, xếp dỡ hàng hóa mà phương tiện có hành trình đi ra, đi vào hoặc đi qua vùng có dịch thì người trên phương tiện hạn chế rời khỏi ca bin của xe; trường hợp rời khỏi ca bin của xe phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác…
Công an tỉnh cho biết, theo lộ trình mở dần từng bước có kiểm soát nhằm đảm bảo phòng dịch trong tình hình mới, số chốt kiểm soát phòng dịch trên địa bàn tỉnh giảm từ 1.720 chốt xuống còn 1.520 chốt. Lực lượng công an phối hợp với các đơn vị khác tăng cường kiểm soát việc lưu thông, ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ hoạt động vận tải. |
Người giao nhận hàng hóa chịu trách nhiệm về xếp dỡ hàng hóa, không tiếp xúc với người trên phương tiện; chủ động bố trí địa điểm, nơi nghỉ ngơi, lưu trú tạm thời cho người trên phương tiện trong thời gian chờ xếp dỡ hàng hóa đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định. Đối với phương tiện có hành trình không đi ra - vào hoặc đi qua vùng có dịch, người trên phương tiện hạn chế rời khỏi cabin; sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Trường hợp rời khỏi cabin của xe phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K…
Kết thúc nhiệm vụ vận chuyển hoặc kết thúc ca làm việc, đơn vị vận tải cần có phương án quản lý người trên phương tiện sau khi kết thúc chuyến xe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đảm bảo nơi lưu trú tạm thời cho người trên phương tiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế và các cơ quan có liên quan tại địa phương.
Thực tế cho thấy, quy định đưa ra rất chặt chẽ, sát với hướng dẫn của Bộ GT-VT, tuy nhiên việc chấp hành của lái xe, người đi theo phương tiện còn chưa thực sự nghiêm túc. Có những trường hợp lái xe vận chuyển hàng khi đến nơi giao không chấp hành quy định, lên xuống xe không tuân thủ các quy định phòng dịch.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ đánh giá, trách nhiệm của doanh nghiệp, ý thức chủ phương tiện, lái xe đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp vận tải cần tổ chức quản lý đội ngũ lái xe của đơn vị; phải tuyệt đối chấp hành các quy định về y tế đối với lái xe, người phục vụ theo xe khi tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng kiểm soát giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hóa tại khu vực cầu Đồng Nai (quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa) |
Bên cạnh đó, việc tổ chức các bãi tập kết hàng hóa cũng cần được chú trọng, các doanh nghiệp tổ chức quản lý tập trung đội ngũ lái xe, không để lái xe di chuyển, tiếp xúc rộng. Trường hợp doanh nghiệp không bố trí được bãi tập kết hàng hóa thì UBND các địa phương nghiên cứu sắp xếp, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả chi phí; đảm bảo quy trình quản lý hoạt động vận tải hàng hóa một cách khép kín, ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
* Chặt chẽ trong quản lý
Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho biết, các tiêu chí, quy định nhằm quản lý hoạt động vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ GT-VT và UBND tỉnh. Sở yêu cầu các doanh nghiệp vận tải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án huy động phương tiện vận chuyển, người lái xe, nguyên vật liệu, vật tư phụ tùng của đơn vị mình, nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình cũng như phổ biến đầy đủ kế hoạch vận tải cho người trên phương tiện để đảm bảo đáp ứng khi có yêu cầu tham gia phòng, chống dịch.
Theo ông Hưng, nhiều tỉnh, thành từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội khiến hoạt động vận tải dần hoạt động trở lại. Do đó, yêu cầu cấp bách lúc này là tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nhưng cũng đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt, kỹ lưỡng. Do đó, trong quá trình hoạt động, lái xe phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch.
Từ ngày 20-9, Đồng Nai thực hiện kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được đẩy mạnh. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức đưa đón tập trung người lao động bằng phương tiện là ô tô khách phải có thông báo danh sách người lao động được đưa đón đến UBND cấp xã nơi người lao động cư trú để phối hợp giám sát. Phương tiện đưa đón phải được đăng ký hoặc cấp mã QR. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện việc hoán đổi, bổ sung lao động thì doanh nghiệp cần có kế hoạch tổ chức đưa đón công nhân. Trong đó, phải có các thông tin liên quan khi di chuyển, phương tiện, biển số xe, số lượng lái xe, người lao động, tuyến đường khu vực đi qua cũng như thời gian bắt đầu, kết thúc việc đưa đón người lao động.
Đối với lực lượng shipper phải trang bị quần áo bảo hộ, có nhận diện riêng đảm bảo phòng dịch theo đúng quy định | (ảnh Huy Anh: chụp tại đường Cách Mạng Tháng Tám, P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa, sáng 30-9)
Đặc biệt, đảm bảo nguyên tắc trên một phương tiện đưa đón chỉ có người lao động của doanh nghiệp; người lao động đi xe nào về xe đó (nếu đi hằng ngày). Người lao động lên xe phải được đo thân nhiệt, không bố trí lên xe đối với người có biểu hiện ho, sốt; quản lý chỗ ngồi cố định trên xe. Không được dừng, đậu, đi vào những nơi khác để người trên xe tiếp xúc với người ngoài; đồng thời, thực hiện khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến đi, về.
Đối với lái xe, người giao nhận hàng hóa phải thực hiện các quy định của Sở GT-VT về hướng dẫn hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Doanh nghiệp, người giao nhận hàng hóa chịu trách nhiệm về xếp dỡ hàng hóa, không tiếp xúc với người trên phương tiện, bố trí vùng đệm giao nhận hàng hóa không tiếp xúc và khử khuẩn hàng hóa.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, đơn vị cũng đề nghị công an các huyện, thành phố, đồn công an các khu công nghiệp tăng cường hỗ trợ các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tại khu công nghiệp; hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ, quản lý việc di chuyển của phương tiện đưa đón người lao động ra vào khu công nghiệp phải phù hợp với tình hình mới, đảm bảo phòng, chống dịch.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý, việc lập các chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 ở trên các tuyến quốc lộ, các địa phương giáp ranh với nhau cần có sự phối hợp để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm. Bên cạnh đó, phải ngăn chặn nguồn lây là đội ngũ tài xế luồng xanh; cần bắt buộc tài xế khi xuống xe phải có bảo hộ. Đồng thời, ưu tiên cho lực lượng giao hàng, tài xế được tiêm mũi 2 vaccine ngừa Covid-19 trước, đảm bảo không để gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải khi đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế.
Thanh Hải