Báo Đồng Nai điện tử
En

Lấy công nghệ thông tin làm đột phá trong phòng, chống dịch

03:09, 30/09/2021

Đồng Nai đang khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện sớm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để ứng dụng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo thống nhất, hiệu quả và thuận tiện.

Đồng Nai đang khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện sớm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để ứng dụng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo thống nhất, hiệu quả và thuận tiện.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh trao đổi với người dân TP.Long Khánh về nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Ảnh: C.Nghĩa
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh trao đổi với người dân TP.Long Khánh về nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Ảnh: C.Nghĩa

Khi được hoàn thiện, hệ thống CNTT không chỉ giúp thuận tiện trong công tác quản lý chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch mà còn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong lưu thông, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

* Hiệu ứng CNTT chống dịch

Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đợt thứ tư cho đến nay, tỉnh đã coi ứng dụng CNTT là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

Một trong những ứng dụng cụ thể, được rất nhiều người dân biết đến hằng ngày chính là bản đồ diễn biến dịch Covid-19. Bản đồ này do VNPT Đồng Nai hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho tỉnh. Bản đồ có 4 màu đỏ, cam, vàng, xanh biểu thị cho 4 mức độ lây lan dịch bệnh của từng địa phương trong tỉnh. Hằng ngày, từ số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cung cấp, bản đồ Covid-19 sẽ tự động phân tích dựa trên những thuật toán và hiển thị trạng thái dịch bệnh, kèm theo các số liệu để người dân tham khảo.

Không chỉ có bản đồ Covid-19 tổng thể cấp tỉnh, các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa cũng được VNPT Đồng Nai hỗ trợ lập bản đồ Covid-19 riêng của từng địa phương. Nhìn vào bản đồ Covid-19 của địa phương mình, người dân có thể biết được tình trạng dịch bệnh đang ở mức độ nào, mỗi ngày có thêm bao nhiêu ca nhiễm mới, ở xã, phường nào, tổng số ca nhiễm, số ca đang điều trị, số ca đã khỏi bệnh, số ca tử vong…

Bản đồ Covid-19 của tỉnh và huyện được cập nhật 3 lần/ngày. Mỗi lần cập nhật, bản đồ được chia sẻ rộng rãi trên các ứng dụng mạng xã hội để người dân theo dõi.

Một ứng dụng CNTT khác đang được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh triển khai là thông tin dịch Covid-19 tại Đồng Nai trên nền tảng ứng dụng mạng xã hội Zalo.

Hằng ngày, có khoảng 2 triệu người dân toàn tỉnh được cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh như: số ca bình phục, số ca nhiễm mới và số ca tử vong. Người dân còn được cập nhật các thông tin liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh như: số người được tiêm mới, số người đã tiêm mũi 1, mũi 2 và tỷ lệ người dân đã được tiêm/tổng dân số của tỉnh. Bên cạnh đó, người dân còn có thể cập nhật các thông tin, số liệu cụ thể về tình hình dịch bệnh Covid-19 đến tận từng xã, phường, danh sách số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ cấp tỉnh, huyện đến tận các xã, phường…

Một trong những địa phương áp dụng khá mạnh CNTT vào công tác phòng, chống dịch là TP.Biên Hòa. Thời gian qua, Trung tâm Điều hành thông minh TP.Biên Hòa hợp tác với VNPT Đồng Nai triển khai thí điểm đã hoạt động liên tục để cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh vào bản đồ Covid-19. Mỗi ngày, có hàng trăm thông tin phản ánh dịch bệnh, an sinh xã hội được chuyển đến ứng dụng Biên Hòa Smartcity. Sau khi tiếp nhận thông tin, quản trị viên sẽ phân loại chuyển về cho lãnh đạo thành phố và các phường, xã xử lý. Bên cạnh đó, hệ thống camera công cộng được tích hợp tín hiệu đến Trung tâm Điều hành thông minh của TP.Biên Hòa đã giúp cho lãnh đạo biết được mật độ giao thông của nhiều điểm trên thành phố ở từng thời điểm…

* Giảm bớt thủ tục giấy

Đợt bùng phát thứ tư của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã khiến không ít địa phương trở nên lúng túng trong việc ứng dụng CNTT vào quá trình phòng, chống dịch. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lúng túng này là thiếu nhất quán trong lựa chọn các nền tảng ứng dụng phù hợp. Cán bộ tại các xã, phường chưa có các kỹ năng cần thiết, chưa được tập huấn về ứng dụng CNTT phòng, chống dịch một cách đầy đủ.

Những khó khăn nói trên tạo ra những bất cập trong quá trình triển khai các công tác: lấy mẫu xét nghiệm, cập nhật dữ liệu của người dân được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, dữ liệu tiêm vaccine, đảm bảo an sinh xã hội…

Cụ thể, tại H.Nhơn Trạch, trong quá trình xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, phần lớn hoạt động thu thập thông tin, nhập dữ liệu của người dân đến xét nghiệm được tiến hành một cách thủ công. Theo đó, nhân viên hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu thường ghi thông tin người dân vào một tờ giấy thay vì nhập thẳng vào máy tính. Thậm chí, ở một số điểm lấy mẫu, người dân ghi sẵn thông tin của mình vào một mẩu giấy nhỏ, nhân viên y tế lấy mẫu tới đâu thì thu lại mẩu giấy nhỏ của người dân cầm theo. Kết thúc buổi lấy mẫu, toàn bộ thông tin đã thu nhận mới được lần lượt nhập vào máy tính.

Tại trụ sở UBND TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) vào những ngày cao điểm lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đã phải huy động hàng chục giáo viên các trường học trên địa bàn có máy tính xách tay tham gia hỗ trợ nhập liệu do các đội lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tập trung về.

Chị Lê Thị Hạnh, giáo viên Trường mầm non Hiệp Phước cho biết: “Có những tờ thông tin của người dân tự kê khai chữ quá xấu, sai lỗi chính tả nên đôi khi người nhập liệu cũng đành “bó tay”, không thể nào “luận” ra được”.

Việc thu nhận thông tin của người dân trong quá trình xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 được tiến hành thủ công đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các công đoạn đánh giá tiếp theo, đồng thời không phản ánh đúng thực tế diễn biến dịch trong ngày. Thời gian qua, công tác xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR để khẳng định mẫu nghiệm nhanh SARS-CoV-2 thường cho kết quả chậm từ 2-3 ngày, thậm chí có địa phương phải cả tuần mới nhận được kết quả. Sự chậm trễ này không hẳn chỉ có lỗi của các đơn vị tiến hành xét nghiệm khẳng định RT-PCR mà còn từ chính các địa phương trong quá trình lấy mẫu, nhập liệu còn quá chậm trễ. Có địa phương gửi mẫu bệnh phẩm đến đơn vị xét nghiệm RT-PCR nhưng lại không có danh sách đi kèm vì… chưa kịp nhập liệu xong.

* Phải tạo đột phá về CNTT

Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình được phân công hỗ trợ TP.Biên Hòa khống chế dịch Covid-19 khẳng định: “Việc ứng dụng CNNT vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 đúng mức sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả. CNTT không chỉ góp phần quyết định sớm khống chế dịch bệnh trong thời điểm hiện nay mà còn quản lý hiệu quả dịch bệnh lâu dài khi tỉnh chuyển trạng thái sang giai đoạn “bình thường mới”. Lúc này việc đi lại, di chuyển của người dân và phương tiện sẽ không chỉ trong phạm vi một đơn vị cấp xã, cấp huyện mà là toàn tỉnh, liên tỉnh thì đòi hỏi phải quản lý bằng công nghệ chứ không còn thủ công như cũ”.

Về giải pháp ứng dụng CNTT, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình, cần thay đổi phương pháp thu nhập thông tin từ người dân bằng thủ công hiện nay sang sử dụng phần mềm. Cụ thể, nên thống nhất một ứng dụng thu thập thông tin người lấy mẫu xét nghiệm thuận lợi và phổ biến nhất. Người dân chỉ cần tải ứng dụng về máy, nhập số điện thoại và thông tin cá nhân chính xác là sẽ nhận ngay một mã vạch hoặc mã QR chứa thông tin cá nhân của mình. Khi đi xét nghiệm, người dân chỉ cần đưa mã thông tin cá nhân để nhân viên y tế “quét” là có đầy đủ thông tin, không cần mất thời gian kê khai bằng tay rồi lại tốn công nhập liệu vào máy. Dữ liệu của người dân còn được liên thông với trung tâm xét nghiệm RT-PCR, khi có kết quả sẽ tự động trả về cho địa phương và người dân qua ứng dụng và Sổ sức khỏe điện tử.

Đoàn viên Đoàn phường Trung Dũng nhập thông tin tờ khai của người dân được tiêm ngừa vaccine vào máy tính. Ảnh: H.Anh
Đoàn viên Đoàn phường Trung Dũng nhập thông tin tờ khai của người dân được tiêm ngừa vaccine vào máy tính. Ảnh: H.Anh

Tương tự như sử dụng ứng dụng phần mềm quản lý xét nghiệm, việc quản lý tiêm chủng cũng có thể hoàn toàn số hóa thông tin của người dân bằng các mã QR. Người dân khi đến tiêm vaccine chỉ cần trình mã QR để nhân viên y tế “quét”. Sau khi tiêm xong, dữ liệu tiêm sẽ được tự động lưu vào hệ thống, đồng thời hiển thị trên ứng dụng điện thoại của người dùng với đầy đủ thông tin: số lượng mũi vaccine đã tiêm, tên loại vaccine, ngày giờ tiêm... Ứng dụng này còn có thể gửi tin nhắn báo cho người dân biết thời gian, địa điểm chuẩn bị tiêm mũi 2 khi đến hạn…

Việc quản lý xét nghiệm và tiêm chủng sẽ là cơ sở để triển khai áp dụng “Thẻ xanh công dân vaccine” được phép ra đường thay cho một số loại giấy tờ được cấp thủ công vốn gây phiền hà và tốn kém cho người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, người dân đã quen dần với việc khai báo y tế khi đến một số địa điểm như: siêu thị, bệnh viện, cơ quan nhà nước… bằng hình thức quét mã QR. Sắp tới, khi việc di chuyển của người dân ngày càng nhiều thì việc quản lý khai báo tại các điểm đến bằng mã QR càng phải đẩy mạnh. Việc tăng cường ứng dụng quản lý đi lại của người dân bằng CNTT sẽ giúp cho quá trình truy vết các F0, F1 của các cơ quan chức năng trở nên thuận lợi và nhanh chóng, góp phần khống chế hiệu quả các chùm ca nhiễm.

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cao Tiến Dũng, Đồng Nai phải quyết tâm thúc đẩy ứng dụng sâu CNTT vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ cho hiện tại mà cả cho thời gian sắp tới, bởi sẽ không thể quản lý dịch bệnh kéo dài bằng phương pháp giấy tờ thủ công được. Trong khi đó, những địa phương ở gần với Đồng Nai, điển hình là TP.HCM đã có những bước triển khai khá xa về ứng dụng CNTT vào công tác phòng, chống dịch, nhất là chuẩn bị sẵn sàng cho việc trở lại trạng thái “bình thường mới”. Nếu Đồng Nai không đẩy mạnh ứng dụng CNTT, khi liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ không thống nhất trong các quản lý đi lại, đồng nghĩa người dân sẽ thiệt thòi, doanh nghiệp sẽ khó khăn.

Đồng chí NGUYỄN HỒNG LĨNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh:

Cơ hội cho Đồng Nai thực hiện chiến lược xã hội số

Dịch bệnh Covid-19 chính là cơ hội để chúng ta thêm quyết tâm cao hơn, triển khai và ứng dụng CNTT để xây dựng “xã hội số”. Chúng ta phải quyết tâm, không được chần chừ, không được lấy lý do khó khăn để chậm trễ. Cần thành lập một tiểu ban để thúc đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT vào chống dịch với các cơ quan liên quan, thậm chí mời cả cá nhân ngoài hệ thống chính trị của chúng ta nhưng có chuyên môn về CNTT để thúc đẩy nhanh hơn quá trình triển khai thực hiện. Nếu thành công trong ứng dụng CNTT vào chống dịch thì tương lai có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác.

Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều