Theo phản ảnh của nhiều người dân, đã có tình trạng một số nhà thuốc ở Biên Hòa găm hàng, tăng giá bán một số loại thuốc thiết yếu, đóng cửa không phục vụ...
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó chánh thanh tra Sở Y tế. Ảnh: An Nhiên |
[links()]Theo phản ảnh của nhiều người dân, đã có tình trạng một số nhà thuốc ở TP.Biên Hòa găm hàng, tăng giá bán một số loại thuốc thiết yếu, đóng cửa không phục vụ người dân... Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết:
Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng ngành Y tế vẫn tổ chức các đoàn kiểm tra công tác khám chữa bệnh, kinh doanh dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, giám sát công tác phòng, chống dịch. Qua kiểm tra, đoàn đã xử phạt một số cơ sở không đảm bảo quy định của cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch, bán giá niêm yết không đầy đủ.
* Nhiều bạn đọc Báo Đồng Nai phản ánh một số nhà thuốc ở TP.Biên Hòa có hiện tượng tăng giá bán nhiều loại thuốc, đặc biệt là một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc trị ho, dị ứng và các loại vitamin… Bà đánh giá việc này thế nào?
- Đối với các nhà thuốc bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, các cơ sở này phải bán đúng giá theo quy định. Mức chênh lệch bán lẻ thuốc tại cơ sở không được cao hơn 15%.
Còn với giá thuốc tại các nhà thuốc tư nhân, các cơ sở này được quy định giá bán thuốc. Tuy nhiên, các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở bán thuốc, niêm yết giá bán thuốc bằng các hình thức in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc; hoặc thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác phù hợp. Đồng thời, phải thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không che khuất nội dung bắt buộc của nhãn thuốc, không được bán cao hơn giá do cơ sở đã niêm yết. Khi kiểm tra, đoàn sẽ kiểm tra một số mặt hàng, nếu giá bán trên 50% so với giá hóa đơn đầu vào mới nhất thì bị xem là nâng giá và sẽ xử lý theo quy định.
Qua kiểm tra một số nhà thuốc, đoàn kiểm tra ghi nhận là có tình trạng bán thuốc và vật tư y tế cao hơn giá trước đây. Theo giải thích của các nhà thuốc, giá bán cao hơn vì trên thị trường một số mặt hàng thuốc, vật tư y tế đang khan hiếm, giá đầu vào tăng dẫn đến giá bán tăng. Giá cao khiến nhiều nhà thuốc chỉ nhập hàng về với số lượng hạn chế, dẫn đến tình trạng khan hiếm một số loại thuốc.
* Hiện nay có thực trạng nhiều nhà thuốc tư nhân đóng cửa, nghỉ bán, gây khó khăn cho người dân khi muốn mua thuốc chữa bệnh. Theo bà, việc các nhà thuốc tự ý đóng cửa, không bán hàng có đúng quy định không?
- Thuốc là nhu cầu thiết yếu. Đối với nhà thuốc thuộc các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thì các nhà thuốc buộc phải mở cửa bán 24/24 giờ. Tuy nhiên, đối với nhà thuốc tư nhân, luật không quy định về giờ đóng - mở cửa. Chủ nhà thuốc toàn quyền quyết định có mở cửa bán thuốc hay không. Các văn bản chỉ yêu cầu các nhà thuốc khi mở cửa phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo thông điệp 5K. Do thuốc là mặt hàng thiết yếu nên chúng tôi khuyến cáo các nhà thuốc nên mở cửa để phục vụ người dân trong tình hình dịch bệnh.
* Để giữ bình ổn giá thuốc cũng như các nhà thuốc cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Y tế có những giải pháp nào, thưa bà?
- Không phải chờ đến khi dịch bệnh diễn ra, không chờ đến lúc nhà thuốc nâng giá bán hay có sự phản ảnh của người dân mới đi kiểm tra đột xuất, mà ngay từ đầu năm Thanh tra Sở Y tế đã lên kế hoạch đi kiểm tra các nhà thuốc về hoạt động chuyên môn, giá bán, về thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Ngay trong khi dịch bệnh diễn ra phức tạp, các đoàn kiểm tra của Sở cũng vẫn tiếp tục đi kiểm tra. Trong tháng 7 cao điểm của dịch, đoàn kiểm tra đã xử phạt 5 cơ sở y tế vi phạm không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, tăng giá bán thuốc, bán thuốc không niêm yết giá đầy đủ với tổng số tiền là 74 triệu đồng.
Riêng đối với các nhà thuốc, Thanh tra y tế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các nội dung: giá thuốc, tình trạng thu gom, tích trữ, nâng giá và thực hiện các biện pháp phòng dịch; đồng thời, kiểm tra đột xuất nếu có tin báo của người dân về nhà thuốc tự ý nâng giá bán thuốc, dụng cụ phòng, chống dịch như khẩu trang y tế hay các loại nước sát khuẩn nhanh... Kiên quyết không để xảy ra tình trạng nhà thuốc lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá quá mức đối với những mặt hàng thuốc thiết yếu. Khuyến cáo người dân khi phát hiện nhà thuốc bán giá cao bất thường, hãy gọi đến đường dây nóng của Sở Y tế theo số điện thoại 0967.891.717.
* Xin cảm ơn bà!
Theo Khoản 3, Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. |
An Nhiên (thực hiện)