Các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh "khó chồng khó" do dịch bệnh Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, việc giải ngân nguồn vốn này chưa đạt kế hoạch đề ra.
Các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh “khó chồng khó” do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Khẩn trương thi công dự án Cải tạo, nâng cấp vỉa hè đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: P.Tùng |
* Khó khăn bủa vây
Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn Đồng Nai là hơn 19 ngàn tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6-2021, tỉnh đã thực hiện giải ngân gần 5,8 ngàn tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công, đạt hơn 30% kế hoạch. Trong số này, nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân được gần 25% trong tổng vốn hơn 9,4 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt hơn 35% trong tổng vốn gần 9,7 ngàn tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do năng lực của một số nhà thầu yếu kém, không thực hiện đúng tiến độ; công tác hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ lựa chọn nhà thầu thi công còn chậm và đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án kéo dài, ảnh hưởng tiến độ chung của các dự án.
Từ thực tế trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 do UBND tỉnh đưa ra là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đặc biệt là đối với các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong 2 tháng qua, nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đang đứng trước nhiều thách thức bởi hàng loạt khó khăn bủa vây.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, dù các cơ quan chức năng, chủ đầu tư, các nhà thầu đã rất nỗ lực duy trì thi công, hoàn thiện thủ tục các dự án để giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là rất nặng nề. “Dự án nằm trong khu vực phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh thì phải dừng thi công. Dự án đang duy trì thi công thì tiến độ cũng rất chậm, cầm chừng vì thiếu nhân công, vật tư, thiết bị” - ông Ngô Thế Ân cho biết.
Dự án Xây dựng Trung tâm Dịch vụ hành chính công TP.Biên Hòa hiện vẫn được tiến hành thi công để đảm bảo tiến độ |
Không chỉ các dự án đang thi công, theo ông Ngô Thế Ân, việc hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khởi công mới trong năm 2021 cũng hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bởi, phần lớn các nhà thầu thiết kế hồ sơ ở các địa phương khác, không thể thực hiện khảo sát khu vực triển khai dự án, liên hệ trao đổi hồ sơ vì Đồng Nai đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
TP.Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh, cũng là địa bàn tập trung nhiều dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công đang được triển khai thực hiện. Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, các công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố vẫn đang được duy trì thi công với phương châm “vừa phòng, chống dịch, vừa thi công”. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các nhà thầu thi công gặp phải hiện nay là thiếu nguồn nhân công bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, việc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cũng khiến cho việc điều động thiết bị, máy móc phục vu thi công chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho hay, nguồn vật tư, vật liệu thi công đang là trở ngại lớn nhất đối với việc duy trì tiến độ các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn huyện hiện nay. “Trong tuần đầu khi Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 thì việc cung cấp vật liệu cho các dự án còn duy trì tạm ổn, nhưng hiện nay thì khó khăn hơn. Các loại vật liệu xây dựng chính như: đá, cát, xi măng hay thép phục vụ thi công các công trình đều đang rất thiếu” - ông Nguyễn Thế Phong cho biết.
* Duy trì thi công để giữ tiến độ
Để đảm bảo tiến độ thi công các công trình, giải ngân nguồn vốn đầu tư, Đồng Nai hiện vẫn thực hiện chủ trương tiếp tục thi công các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, với những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc duy trì thi công ở các công trình, dự án là một bài toán không dễ thực hiện. Các địa phương vì vậy cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà thầu để các công trình, dự án không bị ngưng trệ.
Dự án Cải tạo, nâng cấp vỉa hè đường Võ Thị Sáu và dự án Xây dựng Trung tâm Dịch vụ hành chính công TP.Biên Hòa là 2 trong số các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công vẫn đang được tiếp tục triển khai hiện nay trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Công nhân thi công công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, H.Long Thành |
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, để duy trì thi công, thành phố đã yêu cầu nhà thầu phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” đối với đội ngũ công nhân. Cùng với đó, các nhà thầu cũng phải thực hiện nghiêm việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người lao động theo quy định 3 ngày/lần. “Chi phí tổ chức xét nghiệm cao nên các nhà thầu cũng gặp khó khăn. Do đó, thành phố đã hỗ trợ các kit test nhanh từ nguồn mà thành phố mua sỉ có giá rẻ hơn cho các nhà thầu nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, công trình thi công trên địa bàn nào thì thành phố cũng chỉ đạo các trạm y tế địa bàn đó hỗ trợ các nhà thầu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động” - ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết.
Tương tự, tại H.Định Quán, các công trình, dự án đã được khởi công hiện nay đều đang được các nhà thầu duy trì. Ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND H.Định Quán cho hay, để vừa duy trì thi công, vừa thực hiện mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch bệnh, các cơ quan chức năng của địa phương cùng với chủ đầu tư, đơn vị thi công áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với đội ngũ người lao động tại các công trình. “Tiến độ của các công trình dự án tất nhiên có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuy nhiên địa phương và các nhà thầu vẫn cố gắng duy trì thi công trong điều kiện cho phép” - ông Trần Quang Tú chia sẻ.
Trong khi đó, theo UBND H.Nhơn Trạch, trên địa bàn huyện hiện có 22 công trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công vẫn đang tiếp tục triển khai thi công. Tại tất cả các dự án, H.Nhơn Trạch đều yêu cầu các đơn vị thi công phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch như: 5K, “3 tại chỗ”. Cùng với đó, H.Nhơn Trạch cũng đề nghị các nhà thầu thiết kế tiếp tục duy trì, hoàn thành các hồ sơ bản vẽ thi công đối với các dự án dự kiến sẽ khởi công mới trong thời gian tới.
“Đối với các dự án đã hoàn thành các bước khảo sát, huyện đề nghị các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ ngay tại công ty để phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch bệnh. Sau khi hoàn thành các hồ sơ, địa phương cũng sẽ thực hiện các bước để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công” - ông Nguyễn Thế Phong cho hay.
Theo UBND tỉnh, trong tổng số vốn hơn 9,4 ngàn tỷ đồng từ ngân sách địa phương thì tổng vốn ngân sách tỉnh là hơn 6,2 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 1,6 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, tương đương với hơn 26% tổng vốn, chưa đủ điều kiện để phân bổ chi tiết cho các dự án. Nguyên nhân là do nguồn vốn này dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới trong năm 2021 và nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa đủ điều kiện giao vốn vì phải chờ Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. |
Phạm Tùng