Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữa đại dịch Covid-19, ''nóng'' vấn đề lưu trú của công nhân

03:08, 24/08/2021

Đại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng với đợt dịch lần thứ 4 ở Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành trọng điểm đông dân cư, nhiều khu công nghiệp (KCN) như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Giải pháp sản xuất "3 tại chỗ" trong các doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn khi nguy cơ lây nhiễm cao, đời sống sinh hoạt không đảm bảo.

Đại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng với đợt dịch lần thứ 4 ở Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành trọng điểm đông dân cư, nhiều khu công nghiệp (KCN) như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Giải pháp sản xuất “3 tại chỗ” trong các doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn khi nguy cơ lây nhiễm cao, đời sống sinh hoạt không đảm bảo.

Đồ họa thể hiện một số nội dung của đề án Xây dựng thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tiến độ triển khai xây dựng thiết chế của Công đoàn tại một số địa phương. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện một số nội dung của đề án Xây dựng thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tiến độ triển khai xây dựng thiết chế của Công đoàn tại một số địa phương. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Những khó khăn khi áp dụng phương án “3 tại chỗ” một lần nữa cho thấy vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay là phát triển khu, cụm công nghiệp phải song hành với xây dựng nhà ở, ký túc xá cho người lao động (NLĐ).

* Nhà ở công nhân không theo kịp tốc độ phát triển KCN

Với chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều năm qua, Việt Nam đã thu hút được số lượng lớn các DN đầu tư sản xuất tại nhiều KCN trên khắp cả nước và tập trung tại 2 vùng trọng điểm phía Bắc, phía Nam. Trên thực tế, các DN sử dụng nhiều công nhân trong KCN hiện nay đều không có đủ nguồn cung lao động tại chỗ nên phải thu hút công nhân từ nhiều tỉnh, thành có mức độ phát triển kinh tế thấp hơn như: miền Tây, miền Trung, Tây nguyên…

Đối với các tỉnh phía Nam, kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019 cho thấy, tỷ lệ lao động nhập cư ở các KCN Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trên 50%. Một số địa phương như: TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN.

Tại Đồng Nai, theo đánh giá của UBND tỉnh, là địa phương có nhiều KCN, số lượng lao động làm việc trong KCN hiện lên tới hơn 600 ngàn người, chưa kể thêm khoảng chừng đó lao động làm việc tại các DN ngoài KCN. Lao động là công nhân nhập cư tăng nhanh tại một số địa phương có nhiều KCN như: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Biên Hòa. Tốc độ gia tăng dân số tại những địa phương này giai đoạn 2010-2020 cao hơn hẳn so với các khu vực còn lại trong tỉnh. Cụ thể, H.Nhơn Trạch tăng 4,3%/năm, H.Trảng Bom tăng 3,7%/năm và TP.Biên Hòa tăng trung bình 3%/năm. Dân số tăng cơ học từ lượng công nhân lao động nhập cư từ các tỉnh, thành khác dẫn đến nhu cầu về nhà ở rất cao. NLĐ phải thuê ở trong các phòng trọ nằm rải rác trong khu dân cư, khó đảm bảo điều kiện sinh hoạt hằng ngày.

Công nhân thuộc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”
Công nhân thuộc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”

Cho đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 13 dự án nhà ở công nhân đã được xây dựng. Trong đó, có 3 dự án nhà ở công nhân do các công ty đầu tư hạ tầng KCN thực hiện và 10 dự án do các DN trong các KCN đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của NLĐ. Đồng thời, xây dựng nhà ở công nhân lại có ít nhà đầu tư chú ý vì hồ sơ thủ tục phức tạp hơn so với nhà ở thương mại, căn hộ hoàn thành lại bị khống chế về giá bán. Vì vậy, hầu hết DN chỉ đề xuất thực hiện các dự án khu dân cư thương mại.

* Đại dịch khiến doanh nghiệp khó xoay xở

Trước đây, khi hoạt động sản xuất của DN diễn ra ổn định thì nhiều DN vẫn có chính sách đưa đón công nhân từ các khu vực về nhà máy nhưng trong tình hình dịch bệnh, điều này là không thể.  Có những DN lực lượng lao động từ vài ngàn đến hàng chục ngàn người đang làm việc, sinh sống ở nhiều phường, xã trong và ngoài tỉnh, gom về một chỗ rất khó khăn. DN không có sẵn ký túc xá, khu nhà ở cho công nhân, còn thuê những khu nhà trọ, khách sạn, nhà nghỉ cho số lượng lớn người ở như vậy thì tất cả những địa bàn có nhiều KCN là TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu đều không đáp ứng nổi.

Theo ông Trần Bình Trọng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Plus Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản), DN này có 2 nhà máy ở KCN Biên Hòa 2 và H.Nhơn Trạch. Khi xảy ra dịch bệnh, mặc dù công ty đã rất cố gắng bàn bạc, tìm cách thực hiện sản xuất tại chỗ nhưng không thể vì không đảm bảo được yếu tố an toàn. Hơn nữa, công nhân lao động vướng bận gia đình, nếu tập trung về một chỗ sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, do vậy DN buộc phải tạm ngưng hoạt động dù biết sẽ chịu nhiều thiệt hại.

Tương tự, khi dịch bệnh bùng phát và một số phường, xã trên địa bàn TP.Biên Hòa phải phong tỏa để phòng, chống dịch thì nhiều công nhân của Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát (KCN Amata) không thể đến công ty làm việc được. Ông Nguyễn Trí Minh, Giám đốc công ty cho hay, DN chỉ có thể sắp xếp được một bộ phận ít ỏi lao động ở lại tại nhà máy để vận hành máy móc chứ không thể cho toàn bộ công nhân đi làm vì đa phần nằm trong khu phong tỏa.

* Nhiều vấn đề tồn tại trong thu hút đầu tư

Như đã đề cập, việc phát triển nhà ở, ký túc xá cho công nhân tại các KCN vẫn còn chậm vì không có nhiều DN đầu tư. Nguyên nhân là gặp phải các vướng mắc ở thủ tục, quỹ đất phù hợp và nguồn vốn vẫn chưa được khơi thông.

Chuyên gia của Bộ Y tế kiểm tra khu nhà ở cho công nhân thực hiện theo mô hình 3 tại chỗ ở Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Việt Đức (H.Xuân Lộc). Ảnh: C.Nghĩa
Chuyên gia của Bộ Y tế kiểm tra khu nhà ở cho công nhân thực hiện theo mô hình 3 tại chỗ ở Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Việt Đức (H.Xuân Lộc). Ảnh: C.Nghĩa

Nói đến thủ tục đầu tư, để hình thành nên các khu nhà ở cho công nhân và tiện ích đi kèm như: nhà trẻ, trạm y tế, khu sinh hoạt văn hóa - thể thao... phải tách ra dự án riêng, không được để trong tổng thể KCN đã được phê duyệt. Tuy nhiên, thủ tục tách thửa đất rất phức tạp và mất nhiều thời gian đi lại nên nhiều DN chưa mấy mặn mà.

Còn về quỹ đất, thực tế hầu hết các KCN trên địa bàn tỉnh quỹ đất đã và đang được lấp đầy, nhiều KCN có quy hoạch được thực hiện từ lâu nên những vấn đề như thiết chế văn hóa, nhà ở công nhân chưa được tính toán một cách thấu đáo. Các DN muốn có đất ở gần nhà máy, xí nghiệp nơi sản xuất để tập trung NLĐ lại là vô cùng khó khăn.

Đối với nguồn vốn, xây dựng nhà ở cho công nhân thuộc về các dự án nhà ở xã hội nhưng lại đang thiếu nguồn vốn. Gói vay 30 ngàn tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội hiện nay đã ngưng lại, nhiều DN rất mong muốn Nhà nước có thêm các gói hỗ trợ đủ lớn để có thể vay vốn với giá ưu đãi để đầu tư.

Nhìn vào thực tế nói trên có thể thấy, việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là xây dựng các khu nhà ở công nhân vẫn còn quá nhiều gian truân. Đại dịch Covid-19 một lần nữa đặt ra vấn đề cấp thiết và mang tính đa mục tiêu trong phát triển bền vững, bởi NLĐ gắn liền với hoạt động của các công ty. Thời điểm này, nếu có hệ thống nhà ở xã hội cho công nhân đáp ứng cơ bản nhu cầu thì việc lập hàng rào ngăn đại dịch tấn công các KCN sẽ hiệu quả, đỡ tốn kém hơn và NLĐ cũng được an toàn. Về phía DN sẽ không phải thấp thỏm lo âu và hạn chế đến mức thấp nhất đóng cửa hàng loạt nhà máy như hiện nay. Nền kinh tế vì thế cũng giảm thiểu được các cú sốc nặng nề, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Đào Lê

Tin xem nhiều