Từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, thị trường thuốc trên địa bàn tỉnh có hiện tượng khan hiếm nhiều loại thuốc cơ bản như: kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, dị ứng, các loại vitamin... Kéo theo đó, không ít loại thuốc có dấu hiệu tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước khi dịch bùng phát.
Từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, thị trường thuốc trên địa bàn tỉnh có hiện tượng khan hiếm nhiều loại thuốc cơ bản như: kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, dị ứng, các loại vitamin... Kéo theo đó, không ít loại thuốc có dấu hiệu tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước khi dịch bùng phát.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều loại thuốc “sốt” hàng, tăng giá, trong đó phải kể đến nguyên nhân từ chính người tiêu dùng vì lo sợ dịch bệnh mà mua thuốc dự trữ để phòng thân (dù hiện tại không cần thiết); thói quen tự điều trị thuốc không cần toa vẫn còn phổ biến. Đây là những việc làm cần cân nhắc trong thời điểm hiện nay. Bởi việc tự ý dùng thuốc không đúng cách hoặc thói quen mua thuốc theo toa cũ không được theo dõi của bác sĩ, nhất là thuốc kháng sinh, có thể gây kháng thuốc, sốc thuốc, biến chứng khôn lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.
Theo các nhà chuyên môn, việc trữ thuốc trong mùa dịch bệnh là không thực sự cần thiết, nhất là các loại thuốc bổ, vitamin. Vì người dân có thể sử dụng nhiều cách để tăng cường sức đề kháng của cơ thể nhằm vượt qua dịch bệnh. Đó là ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường tập thể dục tại chỗ, bổ sung vitamin có sẵn trong các loại thực phẩm và trái cây. Trong trường hợp sốt, ho kéo dài, có dấu hiệu ngày càng nặng thì nên đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện nay, lãnh đạo ngành Y tế Đồng Nai đã khẳng định, nguồn thuốc chữa bệnh cho người dân trong các cơ sở khám, chữa bệnh không thiếu. Mặt khác, UBND các huyện, thành phố cũng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho người dân khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế được khám, chữa bệnh, cấp cứu kịp thời. Dù thực hiện giãn cách xã hội nhưng khi thực sự cần thiết, người dân vẫn được ra ngoài để đi khám, chữa bệnh… Do đó, mọi người dân cần yên tâm và bình tĩnh, không dự trữ thuốc khi không cần thiết, cũng như hạn chế việc tự điều trị với thuốc không cần toa của bác sĩ. Có như vậy mới góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường thuốc, vì khi “cầu” không tăng đột biến thì nguồn “cung” luôn đảm bảo, không xảy ra tình trạng “sốt” hàng, tăng giá như hiện nay.
Mặt khác, ngành Y tế cũng cần tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, cấp huyện các công việc để đảm bảo cung ứng thuốc, nhất là tại các địa bàn bị cách ly y tế, phong tỏa, không để ảnh hưởng tới hoạt động cung ứng thuốc. Qua đó sẽ góp phần ổn định tâm lý cho người dân trong vùng phong tỏa, cách ly y tế, tránh việc vì lo lắng hết thuốc nên đổ xô đi mua thuốc dự trữ.
Ngoài ra, việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, phân phối, kinh doanh thuốc của các doanh nghiệp, nhà thuốc, tiệm thuốc cũng là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng trong bình ổn thị trường thuốc. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá thuốc bất hợp lý..., từng bước bình ổn thị trường thuốc, đảm bảo nguồn thuốc chữa bệnh cho người dân trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.
Đặng Ngọc