Báo Đồng Nai điện tử
En

Cố gắng "giữ nhịp" tại các trung tâm sản xuất công nghiệp

09:08, 22/08/2021

Đồng Nai hiện có 4 trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nằm ở TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Long Thành và H.Trảng Bom. Tại các trung tâm trên có khoảng 24 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và hàng trăm doanh nghiệp ở ngoài KCN.

Đồng Nai hiện có 4 trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nằm ở TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Long Thành và H.Trảng Bom. Tại các trung tâm trên có khoảng 24 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và hàng trăm doanh nghiệp (DN) ở ngoài KCN. Gần đây, dịch bệnh Covid-19 lây lan vào các DN khiến nhiều công ty khó duy trì được sản xuất, kinh doanh.

Đồ họa thể hiện số lượng doanh nghiệp
Đồ họa thể hiện số lượng doanh nghiệp "3 tại chỗ" đang thực hiện, dừng hoạt động và giảm lao động của 4 địa phương: TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Long Thành và H.Trảng Bom tính đến ngày 18-8 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ gần 62%. Đây cũng là lĩnh vực đóng góp chính cho thu ngân sách nhà nước. Vì thế, các địa phương đều cố gắng khống chế dịch bệnh Covid-19, hạn chế lây nhiễm vào các DN để giữ được sản xuất công nghiệp. 

* Nỗ lực duy trì sản xuất

Tại những vùng công nghiệp lớn của tỉnh, hiện đã có nhiều DN trong và ngoài các KCN xuất hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, phải tạm dừng hoạt động để xử lý. Đây là nỗi lo lớn nhất của các công ty đang thực hiện phương án lưu trú tại nhà máy hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”. Hầu hết DN đều rất căng thẳng và sẵn sàng chấp nhận tình trạng tạm thời hoạt động “không lợi nhuận” để có thể giữ được nhịp sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng tổ chức cho lao động lưu trú tại nhà máy đã có nhiều công ty không kham nổi, đã xin dừng hoạt động đến khi dịch bệnh được khống chế, việc đi lại thuận lợi mới tính đến chuyện phục hồi sản xuất.

Ngày 19-8-2021, UBND H.Nhơn Trạch có Văn bản 7102/UBND-NC tạm thơi ngưng giải quyết cho người lao động rời khỏi DN trở về địa phương khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Đồng thời, các địa phương khác cũng yêu cầu các DN cố gắng giữ nguyên lao động lưu trú tại công ty đến ngày 31-8-2021 và tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 100% lao động để bóc tách các ca dương tính và những người tiếp xúc gần, tránh lây lan dịch bệnh.

Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 tổ chức cho hơn 500 lao động lưu trú tại công ty để duy trì sản xuất
Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 tổ chức cho hơn 500 lao động lưu trú tại công ty để duy trì sản xuất. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Một số DN đang có nhiều lao động lưu trú tại công ty cho hay, trước đây chỉ xây dựng nhà xưởng phục vụ cho sản xuất nên hiện DN rất khó khăn khi phải bố trí cho hàng trăm lao động ăn uống, nghỉ ngơi tại nơi làm việc trong thời gian dài từ 1-2 tháng trở lên. Vì họ phải gồng gánh hàng loạt các chi phí khác như: ăn uống, phòng chống dịch, hỗ trợ thêm thu nhập cho người lao động... Đặc biệt, chi phí tổ chức xét nghiệm nhanh cho người lao động đang là gánh nặng cho DN với tần suất xét nghiệm từ 1-3 lần/tuần/người, với giá 250-400 ngàn đồng/lần/người. Làm phép tính nhanh, trung bình 1 tháng DN sẽ tốn thêm hơn 1 triệu đồng/người cho riêng việc xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Do đó, các công ty tại Đồng Nai rất mong, UBND tỉnh sớm có chỉ đạo kiểm tra, giám sát quy định khung giá cụ thể cho việc xét nghiệm nhanh tại những cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để giảm bớt khó khăn cho DN.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận nghiệp vụ Công ty TNHH Kureha Việt Nam ở KCN Amata (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty có khoảng 200 người lao động, nhưng chỉ bố trí được 120 người lưu trú tại nhà máy để làm việc. Lúc đầu, công ty dự tính chỉ thực hiện lưu trú khoảng 2 tuần, nhưng tỉnh kéo dài thời gian giãn cách thêm 30 ngày nữa nên nhiều lao động không muốn ở lại, vì họ còn có gia đình, người thân bên ngoài”.

Cũng theo bà Hà, ngoài lương thưởng như bình thường, công ty còn hỗ trợ thêm người lao động đang ở lại công ty để làm việc khoảng 160 ngàn đồng/người/ngày, nhưng một số lao động vẫn không muốn lưu trú lâu dài ở nơi làm việc.

Qua tìm hiểu, hiện có không ít DN đang gặp khó khăn trong việc giữ chân người lao động lưu trú tại công ty. Một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chấp nhận hỗ trợ người lao động từ 20-30 USD/ngày để họ ở lại làm việc. Tuy nhiên, với thời gian giãn cách xã hội dự kiến kéo dài đến hết tháng 8-2021, nhiều công ty khó duy trì được sản xuất. Đến ngày 18-8-2021, có hơn 70 DN đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” dừng hoạt động và hàng trăm công ty xin giảm số lao động lưu trú ở nhà máy.

Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho hay: “Trên địa bàn huyện có 9 KCN với hơn 120 ngàn lao động làm việc trong các công ty. Qua tầm soát, đã phát hiện 42 DN có ca F0, huyện đã phối hợp nhà máy phong tỏa xét nghiệm và đưa các F0, F1 đi cách ly. Những DN trên, nếu sau đó đảm bảo được các quy định trong phòng, chống dịch sẽ tiếp tục cho hoạt động trở lại”.

* Chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đồng Nai những ngày qua liên tục tăng cao, tính đến ngày 21-8-2021, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 17,8 ngàn ca mắc Covid-19, tập trung ở khu vực TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom. Hiện các địa bàn trên đều đã chuẩn bị cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ DN tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm” để sản xuất công nghiệp có thể tiếp tục. Nhiều DN có đông công nhân khó duy trì sản xuất lâu dài theo phương án “3 tại chỗ” nên phải giảm dần số lượng lao động lưu trú tại nhà máy.

Công ty TNHH Chang Dae Vina ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) bố trí khu ăn uống cho lao động lưu trú có vách ngăn đảm bảo phòng, chống dịch bệnh
Công ty TNHH Chang Dae Vina ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) bố trí khu ăn uống cho lao động lưu trú có vách ngăn đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Tuy nhiên, từ ngày 20-8-2021, các địa phương đề nghị DN giữ lại toàn bộ người lao động đang lưu trú tại nhà máy và làm công tác xét nghiệm để các địa phương tập trung xét nghiệm tất cả các khu dân cư nhằm kiểm soát dịch bệnh trước ngày 1-9-2021.

Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết: “Vì lo lắng dịch bệnh sẽ bùng phát và lây lan vào trong công ty nên nhiều DN đang tổ chức cho người lao động lưu trú tại nhà máy đã xin tạm dừng hoạt động hoặc giảm bớt số lao động. Huyện đã hỗ trợ các công ty liên hệ với từng địa phương để đưa người lao động trở về nơi cư trú an toàn. Còn với DN ngoài KCN, huyện giao cho các xã, thị trấn rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Thế nhưng gần đây, dịch diễn biến phức tạp, huyện yêu cầu DN cố gắng duy trì “3 tại chỗ”, động viên người lao động ở lại để cùng với địa phương phòng, chống dịch hiệu quả”.

Cũng theo bà Châu, huyện đã thành lập 4 tổ công tác nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để tháo gỡ. Trảng Bom đã chuẩn bị các khu cách ly, chữa trị để khi xuất hiện các ca F0 có thể khoanh vùng nhanh, hạn chế dịch lây lan ra diện rộng.

Tại TP.Biên Hòa, cũng đã xuất hiện một số ca F0 trong các  công ty đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Nguyên nhân là do người lao động mang mầm bệnh từ bên ngoài vào. Với các công ty xuất hiện ca nhiễm bệnh sẽ cho tạm dừng hoạt động để đưa F0, F1, F2 đi cách ly, rồi tiến hành khử khuẩn toàn bộ văn phòng, nhà xưởng. Sau vài ngày, nếu DN có đủ lao động và xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ cho phục hồi sản xuất.

Ông Triệu Trung Tính, Chánh văn phòng UBND TP.Biên Hòa cho biết: “Thành phố đã xây dựng kịch bản cho những tình huống xấu để chủ động trong phòng, chống dịch và giữ sản xuất công nghiệp. Các DN trong KCN thực hiện lưu trú lao động tại công ty làm khá bài bản hơn các DN ở ngoài KCN. Hiện thành phố đã thành lập 4 tổ để cùng các phường, xã kiểm tra các DN đang áp dụng “3 tại chỗ” ở ngoài KCN xem có đảm bảo công tác phòng, chống dịch hay không để yêu cầu thực hiện cho đúng”. 

Tại 4 vùng sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh đã trưng dụng một số nhà xưởng trống, trường học làm khu cách ly tập trung để phòng trường hợp xuất hiện ca nhiễm bệnh có đủ nơi cách ly. Lúc đầu, việc phối hợp giữa các DN và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch còn phát sinh một số trục trặc, nhưng hiện đã tạm ổn. Đặc biệt là những trường hợp DN dừng sản xuất, đưa lao động về lại nơi cư ngụ, đều sắp xếp liên hệ với phía các địa phương và chờ các nơi đó tiếp nhận, tiến hành xét nghiệm nhanh cho người lao động, nếu âm tính mới cho về.

Thực tế, hầu hết các công ty đang cho lao động lưu trú tại nhà máy đều đã giảm công suất và lao động rất nhiều. Toàn tỉnh có hơn 1,2 ngàn DN tổ chức theo phương án trên, nhưng số lao động giữ lại làm việc chỉ từ 30-60%, chỉ những công ty có vài chục đến hơn 100 công nhân mới giữ được sản xuất 90-100%. Còn lại nhiều DN chỉ duy trì công suất nhà máy 25-60%, có DN dừng hoạt động từ đầu tháng 7-2021 đến nay. Việc này sẽ dẫn đến hệ lụy là giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước từ những khu trung tâm công nghiệp của Đồng Nai trong quý III-2021 sẽ giảm sâu so với hai quý đầu năm. 

Hương Giang

Tin xem nhiều