Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần những chính sách "sát sườn"

08:08, 03/08/2021

Để hoạt động hỗ trợ tín dụng đối với các DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có hiêụ quả, các ngân hàng cần có thêm các chương trình kết nối, hỗ trợ sát sườn hơn...

Để hoạt động hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phát huy được hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, các ngân hàng cần thường xuyên nắm bắt tình hình, có thêm các chương trình kết nối, hỗ trợ sát sườn, phù hợp với các quy định và điều kiện thực tế.

Sản xuất tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa)
Sản xuất tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: HƯƠNG GIANG

Đơn giản hóa các thủ tục vay vốn

Theo đại diện các DN, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh, để DN, nhất là các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng cho các DN, khách hàng bị thiệt hại do Covid-19 thì các điều kiện về vay vốn ưu đãi, xác minh thiệt hại bị ảnh hưởng cần đơn giản hơn.

Hiện nay, nhiều DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ chân lao động; lao động thất nghiệp cũng gia tăng do tỷ lệ DN ngừng hoạt động cũng tăng nhanh. Do đó, theo đại diện nhiều DN, cả DN và người lao động đang rất chờ đợi chính sách, chương trình hỗ trợ, nhất là các biện pháp hỗ trợ tín dụng được triển khai kịp thời, phù hợp.

Ông Xuân Toàn, giám đốc một công ty chế biến nông sản ở H.Cẩm Mỹ cho biết, công ty của ông đã tạm ngưng hoạt động dây chuyền chế biến khoảng 2 tháng nay vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp. DN mong muốn các ngân hàng có thêm chương trình hỗ trợ kịp thời, sát sườn về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cân đối, giãn thời hạn đáo hạn nợ phù hợp..., nhất là trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai chia sẻ, theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 70% hội viên của Hội chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là các DN hoạt động trong các lĩnh vực: thương mại, dịch vụ, logistics, du lịch… Bên cạnh các chương trình giảm lãi suất, nhiều DN đang gặp khó khăn mong muốn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cũng như có thêm các chương trình hỗ trợ tín dụng đối với các khoản vay để DN trả lương cho người lao động, đặc biệt là đối với các DN đang tạm ngừng sản xuất, vận hành, có doanh thu bị sụt giảm vì dịch bệnh.

Các DN cũng hy vọng các yếu tố về thủ tục, điều kiện cho vay, tiêu chí để chứng minh thiệt hại do dịch bệnh sẽ được các ngân hàng xem xét, thẩm định một cách phù hợp, hài hòa để vừa đơn giản hơn, vừa đảm bảo các quy định trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.

* Nhiều điểm mới về hỗ trợ tín dụng

Theo nhiều chuyên gia, trong đợt giảm lãi suất này, nhiều ngân hàng áp dụng mức giảm lãi suất với các khoản dư nợ hiện hữu, tức là các khoản nợ mà DN đang vay ngân hàng. Đây là điểm khác biệt so với những đợt giảm trước kia, bởi khi giảm với dư nợ hiện hữu, sẽ có nhiều DN đang gặp khó khăn tài chính được miễn giảm hơn.

Mức giảm lãi suất với các khoản dư nợ hiện hữu, tức là các khoản nợ mà DN đang vay ngân hàng. Đây là điểm khác biệt so với những đợt giảm trước kia, bởi khi giảm với dư nợ hiện hữu, sẽ có nhiều DN đang gặp khó khăn tài chính được miễn giảm hơn.

Ngoài ra, trong tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động với tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7,5 ngàn tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn là 0%, lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội…

Lam Phương

Tin xem nhiều