Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm hướng thích nghi

11:07, 07/07/2021

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ… đã triển khai nhiều phương án tìm đường vượt khó...

[links()]Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, chuỗi dịch vụ, cửa hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ… trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch Covid-19 cũng như tìm đường vượt khó trước những khó khăn từ dịch bệnh.

Nhân viên một chuỗi cửa hàng cà phê ở TP.Biên Hòa tiến hành khử khuẩn tay cho khách hàng, shipper trước khi vào quán. Ảnh: Hải Quân
Nhân viên một chuỗi cửa hàng cà phê ở TP.Biên Hòa tiến hành khử khuẩn tay cho khách hàng, shipper trước khi vào quán. Ảnh: Hải Quân

* Linh hoạt các hình thức kinh doanh “thời Covid-19”

Thời gian qua, Sở Công thương đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn giá trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K trong phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán hàng qua điện thoại, qua mạng, giao hàng tận nơi; sẵn sàng thực hiện kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh ngay khi nhận được thông báo từ cơ quan quản lý nhà nước…

Nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh đã tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh các hình thức giao hàng tận nơi, bán hàng cho khách hàng mang về (take away). Đây cũng là phương án giúp các cửa hàng, quán ăn, quán cà phê, trà sữa... giảm bớt tình trạng ế ẩm, sụt giảm doanh thu do dịch bệnh kéo dài.

Quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Laha Cafe ở TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Ngân cho biết, hệ thống 3 quán của chuỗi tại TP.Biên Hòa thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch Covid-19 cũng như triển khai nhiều kênh bán hàng, marketing sản phẩm trực tuyến. Trong đó, đẩy mạnh bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng giao đồ ăn như: Now, Loship, Ahamove, Baemin...

Trong đó, để khuyến khích khách hàng đặt hàng trực tuyến, hệ thống quán của Laha Cafe ở TP.Biên Hòa chủ động giảm lợi nhuận, tích cực tham gia các chương trình mã giảm giá, freeship (miễn phí giao hàng) trên các ứng dụng đặt hàng trực tuyến nói trên cũng như triển khai thêm kênh khuyến mãi, đặt hàng trên fanpage của hệ thống với các chương trình ưu đãi, giảm giá, tặng sản phẩm thường xuyên trong tháng. Trong khoảng 1 tháng vừa qua, nhu cầu đặt hàng online của chuỗi cửa hàng tăng gấp 2 lần so với trung bình đơn hàng hằng tháng trước đây.

Tương tự, theo đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.Biên Hòa, trong khoảng 1 tháng qua, nhu cầu đặt hàng, “đi chợ” trực tuyến… của người tiêu dùng đã tăng lên khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến khó lường.

Theo đó, lượng hóa đơn đặt hàng theo hình thức “đi chợ trực tuyến” của người tiêu dùng thông qua đường dây hotline, ứng dụng trên điện thoại… của nhiều hệ thống siêu thị tăng từ 20-25% so với trước đợt dịch Covid-19 lần này. Các mặt hàng nhu yếu phẩm như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói... được nhiều người đặt hàng trực tuyến, đăng ký dịch vụ giao hàng tận nơi.

* Tăng cường các phương án bình ổn giá, kiểm soát thị trường

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, hiện nay nguồn hàng hóa cung ứng trên thị trường tỉnh vẫn dồi dào, đảm bảo cung ứng. Sở có phương án chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu, kịp thời cung cấp, điều tiết cho thị trường khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc khan hiếm hàng hóa cục bộ theo kế hoạch bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh, cũng như dự phòng rủi ro trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp.

Ngoài ra, Sở Công thương sẽ tăng cường phối hợp với Cục Quản lý thị trường Đồng Nai thường xuyên cập nhật diễn biến giá cả, nguồn hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có phương án xử lý, đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng, các quy định về giá và niêm yết giá…

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, đơn vị sẽ thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt, đối với hoạt động thương mại điện tử, Cục đã thành lập Tổ công tác thương mại điện tử. Tổ công tác này có nhiệm vụ tham mưu công tác quản lý thị trường trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh gồm: nắm bắt tình hình mua bán trên môi trường internet, mạng xã hội Facebook, Zalo, các trang thương mại điện tử... Đây là đầu mối phối hợp giữa các đội quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh với các sở, ngành, cơ quan liên quan trong việc thu thập, tiếp nhận, xác minh các thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.

Lam Phương

Tin xem nhiều