Kinh tế Đồng Nai 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nếu khống chế dịch bệnh tốt thì tỉnh sẽ đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế.
Kinh tế Đồng Nai 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nếu khống chế dịch bệnh tốt thì tỉnh sẽ đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế.
Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch để đảm bảo sản xuất. Ảnh: U.Nhi |
[links()]Trong 2 quý còn lại của năm 2021, Đồng Nai vẫn nỗ lực trong thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra. Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu trên không chỉ cần sự cố gắng của chính quyền mà phải có sự chung sức của người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
* Phụ thuộc lớn vào công tác phòng dịch
Từ tối 26-6 đến sáng 2-7, toàn tỉnh đã ghi nhận 32 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, ngoài ra còn ghi nhận 3 ca nghi nhiễm khác. Một số khu vực đã phải cách ly, phong tỏa làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của các địa phương. Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đang hoạt động với gần 2 ngàn dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều các DN lo lắng nhất hiện nay là dịch bệnh bùng phát, vì chỉ cần xuất hiện một ca mắc Covid-19 trong nhà máy là mọi hoạt động sản xuất đều phải tạm dừng trong 21 ngày để cách ly. Các đơn hàng DN đã ký kết đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022 bị ngưng hoạt động trong một thời gian sẽ không kịp tiến độ giao hàng, nguy cơ bị phạt hợp đồng rất lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Tỉnh sẽ tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để sớm ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh cố gắng khống chế dịch bệnh Covid-19, tránh lây lan vào các khu công nghiệp, hạn chế thiệt hại cho DN”.
Trong cơ cấu kinh tế của Đồng Nai, hiện công nghiệp xây dựng chiếm tỉ trọng gần 62%. Các DN đóng góp rất lớn cho GRDP của tỉnh nên khống chế dịch bệnh, không để lây lan vào các khu công nghiệp sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế ổn định, các chỉ tiêu xuất khẩu, xuất siêu, thu ngân sách, thu hút đầu tư... đạt và vượt kế hoạch năm. Điều quan trọng nữa là hàng trăm ngàn lao động trong các khu công nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định, đảm bảo công tác an sinh xã hội.
Hiện các DN tại Đồng Nai đều trông đợi Chính phủ sớm ưu tiên phân bổ nguồn vaccine phòng Covid-19 cho tỉnh để có thể tiêm đồng loạt cho người lao động trong công ty. Hầu hết các DN đều chuẩn bị sẵn nguồn kinh phí để mua vaccine tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên.
Ông Peter Wu, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) cho hay: “Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của tỉnh thì các DN rất mong trong tháng 7 và 8-2021 có vaccine để tiêm phòng cho người lao động. Như vậy, có thể hạn chế được dịch bệnh lây lan, DN bớt lo lắng, tập trung vào sản xuất, kinh doanh”.
Giải pháp nào cho những tháng cuối năm?
Từ nay đến cuối năm, các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phải “gồng mình” vượt qua khó khăn để thực hiện các giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng Nai đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình quân cả nước, đòi hỏi mỗi lĩnh vực phải có những giải pháp đột phá riêng để về đích. Đơn cử, Chính phủ đưa ra chỉ tiêu năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, nhưng Đồng Nai là 8,5%; thu nhập bình quân đầu người của cả nước là 3,7 ngàn USD/người, Đồng Nai đặt chỉ tiêu cuối năm 2021 đạt hơn 5,6 ngàn USD/người (cao hơn bình quân cả nước khoảng 1,9 ngàn USD/người).
Dự tính trong những tháng cuối năm, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo công tác thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác. Đồng Nai sẽ tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành các dự án hạ tầng kỹ thuật để đưa vào khai thác, tạo đột phá trong phát triển kinh tế.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, tỉnh sẽ kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Các dự án giải ngân vốn chậm sẽ điều chuyển kế hoạch vốn sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, cần bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Song song đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN thuộc mọi thành phần kinh tế, HTX, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, đã đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đất đai, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, bất cập liên quan đến Luật Đất đai và các luật khác để kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xem xét, xử lý hồ sơ của DN, người dân để họ an tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Uyển Nhi