Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân, trong đó có vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần. Từ những nỗi lo chung trong bối cảnh đại dịch, nhiều người đã rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần như: lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm…
Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân, trong đó có vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần. Từ những nỗi lo chung trong bối cảnh đại dịch, nhiều người đã rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần như: lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm…
Chị Trần Lan Quyên vui vẻ xem con gái luyện đàn piano. Ảnh: HẢI YẾN |
Làm thế nào để có được sức khỏe tinh thần và trạng thái tâm lý tốt chính là mối quan tâm của không ít người hiện nay.
* Lo âu, trầm cảm vì đại dịch
“Em hay có cảm giác lo sợ về Covid-19 sau khi nghe tin tức, khiến cho cơ thể mệt mỏi, lạnh, khó thở”; “Tâm trạng tôi tù túng khi phải ở trong nhà và bị chứng khó vào giấc ngủ, ngủ chập chờn”; “Tôi thường xuyên ở trong trạng thái lo âu, chán nản, mất ngủ, dễ cáu gắt, mệt mỏi. Tình trạng này đã kéo dài khoảng 2 tháng nay”; “Dạo này em hay bị căng thẳng, mệt mỏi. Đôi lúc cãi nhau, em bị mất kiềm chế, không giữ bình tĩnh. Em hay suy nghĩ rồi lại buồn và khóc”; “Vấn đề hiện tại của em là em cũng không biết em đang gặp vấn đề gì, chỉ cảm thấy rất căng thẳng với mọi việc xung quanh mình, không có cảm hứng làm việc”…
Xây dựng thói quen tốt và thực hành TS LÊ MINH CÔNG chia sẻ: “Hãy xây dựng thói quen tốt và thực hành nó một cách thường xuyên: ăn đủ và đúng, ngủ đúng giờ và đủ, vận động thể chất, đọc một cuốn sách hay, kết nối xã hội thông qua các kênh trực tuyến với bạn bè hoặc người thân”. |
Đó là những câu hỏi và giãi bày liên quan đến vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần trong bối cảnh đại dịch Covid-19 mà TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Phó chủ tịch/Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục tỉnh Đồng Nai nhận được trong những ngày qua. Tình hình dịch bệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế mà còn gây nên nhiều hệ lụy về vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần. Những ảnh hưởng này rất đa dạng, bao gồm các biểu hiện của stress bệnh lý, các rối loạn tâm thần như: trầm cảm, lo âu, rối loạn dạng cơ thể, rối loạn giấc ngủ… hoặc các vấn đề tâm lý khác như: sự cô đơn, cảm giác tự tội, cảm thấy mình mất hay giảm giá trị …
Theo TS Lê Minh Công, dịch bệnh cũng có thể dẫn đến khủng hoảng trong các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ hôn nhân hoặc cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, dịch bệnh kéo dài cũng làm cho cá nhân gia tăng những suy nghĩ tiêu cực, gia tăng những thói quen hay hành vi sức khỏe tiêu cực như: lười vận động, sử dụng rượu, thuốc lá hay truy cập internet với các tương tác tiêu cực…
Bà Phạm Vân (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) kể: “Trong suốt những ngày thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, các thành viên trong gia đình tôi không có việc gì khác ngoài xem tivi, điện thoại và nấu nướng, ăn uống”. Buồn chán vì không có việc để làm, thỉnh thoảng con trai bà lại đem rượu ra uống đến say mèm. Bản thân bà Vân cũng thường xuyên lo âu vì nếu tình trạng giãn cách, phong tỏa tiếp tục kéo dài, bà sẽ phải đi vay nợ để lo cái ăn.
Thực tế, những sinh hoạt, tương tác mang tính tiêu cực nảy sinh trong thời gian phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội không phải là hiếm. Theo TS Lê Minh Công, dịch bệnh đã tác động đến đời sống tâm lý và sức khỏe tâm thần của mọi cá nhân. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tinh thần hiện tại, điều kiện sống, khủng hoảng hay sang chấn trước đó hay chiến lược chống đỡ khủng hoảng và nhận thức của mỗi người.
* “Thiết kế” niềm vui
Chủ động thiết kế những hoạt động có ích, tự tìm niềm vui để cân bằng cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh chính là cách để nhiều người vượt qua những bí bách khi phải ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Các con của chị Bùi Thị Thanh Hương giải trí sau giờ học online |
Chị Trần Lan Quyên (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ, mỗi thành viên trong gia đình chị đã tự đặt ra mục tiêu riêng cho mình và hành động mỗi ngày để đạt được điều đó. Những mục tiêu này nhằm mang lại niềm vui cho mỗi người, chẳng hạn hết dịch thì con gái sẽ đàn được bao nhiêu bài mới, mẹ sẽ giảm được bao nhiêu cm vòng eo… Để đạt được điều đó, mỗi ngày chị Quyên dành ít nhất 2 tiếng để tập yoga, gym, con gái cũng siêng năng luyện đàn piano hơn.
Để tâm hồn thư thái, chị tự tìm niềm vui bằng cách chăm sóc cho các chậu cây cảnh trong nhà và dành tặng cho chúng những lời khen. Chị tin rằng ngay cả cây cối cũng tươi tốt hơn khi nhận được sự yêu thương trong cả hành động và lời nói. Các câu chuyện được trao đổi trong gia đình cũng sẽ là những câu chuyện vui. “Những ngày qua, vì ngành nghề của mình không được hoạt động nên tôi chỉ ở nhà thực hiện Chỉ thị 16. Có nhiều thời gian nên tôi chăm chút hơn cho bữa cơm gia đình, tự dành tặng mình lời khen để cảm thấy vui. Thỉnh thoảng, tôi nấu một nồi nước xông và đem đi khắp các phòng trong nhà để cho căn nhà tỏa ngát hương thơm; duy trì việc chăm sóc da, trang điểm nhẹ. Thời gian còn lại, tôi nghĩ về những công việc sẽ phải làm sau khi hết dịch, đọc những cuốn sách mà mình yêu thích và không quên cầu nguyện cho gia đình mọi người đủ năng lượng vượt qua mùa dịch” - chị Quyên bộc bạch.
Chị Bùi Thị Thanh Hương (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) tìm cách cân bằng cuộc sống bằng cách xoay chuyển tình thế, không để bản thân rơi vào thế bị động, bế tắc do dịch bệnh. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, các trung tâm dạy kỹ năng sống của chị buộc phải tạm ngưng hoạt động. Không chịu “bó tay”, chị mở fanpage bán hàng thực phẩm online và nhận được rất nhiều đơn hàng. Đối với đời sống tinh thần, chị tự đặt ra câu hỏi xem nhu cầu tinh thần của mình là gì và đáp ứng điều đó. “Tôi thường nghe nhạc để cân bằng cuộc sống” - chị Hương chia sẻ bí quyết khá đơn giản của mình.
Điều khiến chị Hương hài lòng nhất trong suốt mùa dịch này đó là vợ chồng chị đã tìm được tiếng nói chung trong việc giáo dục con cái. Trước tình huống các con phải ở nhà 24/24 giờ, chị đã lập ra thời gian biểu cụ thể để áp dụng chung cho 2 con và yêu cầu các con thực hiện nghiêm túc thời gian biểu này. “Đây là điều mà trước đây tôi không làm được. Hiện nay, thay vì xem tivi, chơi điện thoại, các con của tôi tham gia hoạt động học tập nhiều hơn. Mỗi ngày, các con có 4 tiếng tham gia các khóa học online. Vợ chồng chúng tôi rất hài lòng với kết quả này” - chị Hương cho biết.
Còn chị Nguyễn Hoàng Yến (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thì cho hay: “Mấy ngày gần đây, tôi bắt đầu tham gia vào một CLB sách. Mỗi ngày, chúng tôi sẽ thức dậy từ 5 giờ sáng để online và chia sẻ những điều thú vị trong các cuốn sách mà mình đọc được. Nếu không phải thực hiện giãn cách xã hội, có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết đến và tham gia hoạt động bổ ích này”.
TS Lê Minh Công cho rằng: “Để có được đời sống tinh thần khỏe mạnh, mỗi cá nhân hãy xem thời điểm này là thời gian nghỉ ngơi để xác định lại các giá trị tích cực của bản thân mà trước nay mình chưa nghĩ đến và cần hành động tích cực vì các giá trị ấy. Ví dụ, dành thời gian cho người thân yêu như: cha mẹ, con cái, chồng hoặc vợ. Khi dành thời gian thích đáng và sự thấu hiểu, yêu thương, chúng ta sẽ cảm nhận thấy hạnh phúc. Tham gia vào một chương trình đào tạo hữu ích nào mà trước đây chưa có thời gian làm nó. Hay chúng ta có thể làm một điều có giá trị như phát triển một dự án cá nhân nào đó để đóng góp cho cộng đồng. Chúng ta sẽ hạnh phúc khi làm những việc này”.
Tránh xa các thông tin tiêu cực Hiện nay, trên mạng có nhiều thông tin tiêu cực, điều này dễ gây nên căng thẳng cho chúng ta. Vì vậy, hãy truy cập vào các trang thông tin của ngành Y tế hay các cơ quan đủ năng lực cung cấp thông tin làm cho chúng ta an lòng. Hạn chế vào các trang mạng và để lại các bình luận tiêu cực. Hãy mang đến các bình luận tích cực và chia sẻ thông tin hữu ích để tinh thần tốt hơn. |
Hải Yến