Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm vì dịch Covid-19

04:07, 09/07/2021

Thời điểm này, các nhà vườn cho đến hộ, trang trại chăn nuôi đều gặp khó khăn về khâu tiêu thụ, thậm chí nhiều vùng rau, trái cây khó tìm thương lái thu mua. Nguyên nhân chủ yếu là các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM như...

Thời điểm này, các nhà vườn cho đến hộ, trang trại chăn nuôi đều gặp khó khăn về khâu tiêu thụ, thậm chí nhiều vùng rau, trái cây khó tìm thương lái thu mua. Nguyên nhân chủ yếu là các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM như: chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức, địa chỉ phân phối lớn đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 khiến giá nông sản giảm sâu. Sản phẩm chăn nuôi như heo, gia cầm bán tại trại cũng đang rớt giá.

Giá nhiều loại nông sản tăng trong thời gian gần đây. Trong ảnh: Người dân chọn mua các sản phẩm rau, củ, quả tại chợ Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Giá nhiều loại nông sản tăng trong thời gian gần đây. Trong ảnh: Người dân chọn mua các sản phẩm rau, củ, quả tại chợ Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Trong khi đó, giá nhiều loại thực phẩm bán lẻ tại các chợ truyền thống đến tay người tiêu dùng lại đang tăng do các chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chi phí cho các khâu trung gian kinh doanh hàng hóa lại tăng do phân phối khó khăn và phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch khiến giá cả một số mặt hàng tăng theo.

* Ùn ứ hàng, rớt giá nơi sản xuất

Thời điểm này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rộ vụ thu hoạch trái cây hè. Giá nhiều loại trái cây hè bán tại vườn đang giảm sâu so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Hùng, nhà vườn tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) chia sẻ, mọi năm nhà vườn làm du lịch, mùa trái cây hè khách về rất đông nên các loại trái cây đặc sản như: chôm chôm, măng cụt, mít… luôn bán được với giá tốt. Vụ hè năm nay, nhà vườn không có khách do dịch Covid-19, chôm chôm thường bán 1-2 ngàn đồng/kg vẫn không có thương lái đến mua. Nhiều loại trái cây đặc sản thường bán được giá cao như: bơ, măng cụt, mít… đồng loạt rớt giá.

Cùng nỗi lo, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) cho biết, ngay khi các chợ đầu mối tại TP.HCM tạm ngưng vì dịch, hoạt động cung cấp trái cây vào thị trường tiêu thụ lớn nhất nước là TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều vùng trồng đồng loạt vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá các loại trái cây giảm sâu. “Hơn 1 tuần tới, nhiều vùng sầu riêng, chôm chôm của tỉnh có đợt thu hoạch rộ, nguồn cung càng dồi dào hơn hiện nay. Với tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng như hiện nay, nông dân như “ngồi trên lửa” vì lo không bán được hàng”  - bà Nga nói.

Đối với các mặt hàng rau, nấm tươi sống cần thu hoạch hằng ngày, nông dân cũng chung nỗi lo về đầu ra. Ông Lê Hữu Chuyên, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nấm Lộc (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) lo lắng, từ đầu năm đến nay, giá nấm thường đứng ở mức thấp vì sức tiêu thụ của thị trường giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt vài tuần trở lại đây, việc cung cấp hàng vào thị trường TP.HCM giảm mạnh, trong khi đây là thị trường tiêu thụ chính nên giá nấm cung cấp cho các mối hàng chỉ còn 7 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất mà vẫn lo ùn ứ hàng, khó tiêu thụ.

Người chăn nuôi cũng đang điêu đứng vì giá gia cầm, heo hơi cũng đồng loạt giảm, đặc biệt heo hơi hiện đang có giá thấp chưa từng thấy kể từ sau đợt dịch tả heo châu Phi trở lại đây.

Cụ thể, giá heo hơi bán tại trại chỉ còn từ 54-56 ngàn đồng/kg, giảm 10 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Nhiều trại có heo trọng lượng lớn sẵn sàng bán thấp hơn hẳn mức giá chung của thị trường để đẩy được hàng. Giá heo giảm sâu do các chợ đầu mối tiêu thụ thịt heo lớn nhất ở TP.HCM như: Tân Xuân, Bình Điền đều tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. Hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh ở các chợ này đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh mặt hàng thịt heo.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho hay, đội ngũ thương lái ở H.Thống Nhất chuyên cung cấp thịt heo vào các chợ đầu mối ở TP.HCM nhiều trường hợp bị F0, còn lại hầu hết bị cách ly vì đi/về từ vùng dịch. Hoạt động thu mua heo tại địa phương hầu như đình trệ. Các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công. Tình trạng dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến người chăn nuôi lo thị trường heo hơi rơi vào cơn khủng hoảng đầu ra vì không tiêu thụ được.

Theo ông Đoán: “Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại, heo càng để tăng trọng lượng càng khó bán. Những trại nuôi heo trong vùng dịch càng như “ngồi trên lửa”, heo đến lứa xuất bán, họ sẵn sàng bán với giá thấp hơn mặt bằng chung ngoài thị trường vì càng để càng thiệt hại”.

Giá gia cầm bán tại trại cũng đang giảm sâu. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ so sánh: “Thời gian qua, giá gia cầm nói chung, nhất là gà công nghiệp liên tục trên đà giảm. Ngay sau khi các chợ đầu mối ở TP.HCM lần lượt tạm ngưng hoạt động, giá gà công nghiệp tiếp tục giảm sâu. Hiện giá gà bán tại trại đang dưới giá thành sản xuất, chỉ còn 22-23 ngàn đồng/kg, giảm 4-5 ngàn đồng/kg so với tuần trước đó”.

* Giá bán lẻ tăng, thiếu nguồn cung

Lượng khách đến mua sắm tại chợ truyền thống trong khoảng 1 tháng trở lại đây giảm khoảng 30-50% so với trước khi bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19. Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn tỉnh như: chợ Biên Hòa, chợ Long Thành, chợ Phương Lâm (H.Tân Phú), giá một số mặt hàng như: rau xanh, củ, quả… tăng khoảng 15-20% so với thời điểm cách đây gần 1 tháng.

Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (H.Thống Nhất) thực hiện nghiêm việc giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch để hoạt động an toàn trong thời dịch. Ảnh: N.Vinh
Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (H.Thống Nhất) thực hiện nghiêm việc giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch để hoạt động an toàn trong thời dịch. Ảnh: N.Vinh

Nhiều tiểu thương chuyên về thực phẩm, rau củ quả ở các chợ chia sẻ đang “hồi hộp” theo diễn biến dịch Covid-19, nhất là khi các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh. Điều này dẫn đến nguồn cung cho các chợ truyền thống bị ảnh hưởng, kéo theo giá một số mặt hàng nông sản, thực phẩm có thể sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

Bà N.T., chủ sạp hàng rau củ quả ở chợ Biên Hòa cho hay, các mặt hàng rau củ quả đều tăng giá từ 10-20% so với trước khi dịch bùng phát do nguồn hàng cung ứng từ chợ đầu mối tại TP.HCM bị gián đoạn.

Tương tự, bà Lê Thị Minh, tiểu thương kinh doanh thịt gà ở chợ Biên Hòa cho biết, giá các loại thịt gà tăng từ 5-7 ngàn đồng/kg trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Theo đó, giá gà công nghiệp làm sẵn (nguyên con) hiện khoảng 55 ngàn đồng/kg, gà tam hoàng khoảng 80 ngàn đồng/kg. Hiện nay, lượng gà tiêu thụ khá chậm, giảm khoảng 50% so với cách đây 1 tháng do nhiều mối mua sỉ nay đã giảm hoặc tạm ngưng nhận hàng. Trong khi đó, giá gà nhập về từ lò mổ tăng kéo theo giá gà thành phẩm bán ra cũng tăng theo.

Ông Hoàng Văn Đức, đại diện Ban quản lý chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) chia sẻ, dịch Covid-19 tác động lớn đến sức tiêu thụ tại chợ. Chợ đã tuyên truyền cho các tiểu thương cân đối lại nguồn hàng phù hợp. Ngoài ra, chợ còn rà soát, nắm bắt tình hình tiểu thương đăng ký tạm nghỉ để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động của chợ ổn định.

Giá rau củ quả, thịt heo, gia cầm bán tại nơi sản xuất giảm sâu nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại tăng cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân chi phí khâu trung gian đội lên không ít vì dịch bệnh. Khâu phân phối hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn do các chợ đầu mối đồng loạt đóng cửa.

Lo lắng vì chi phí trong khâu phân phối tăng, ông Trần Xuân Hoàng, nhà xe chuyên cung cấp nông sản từ H.Xuân Lộc lên các chợ đầu mối ở TP.HCM cho biết, do các chợ đầu mối đóng cửa, nhà xe hiện không giao hàng về chợ mà tổ chức giao trực tiếp từ xe người cung cấp sang xe bạn hàng. Để đưa hàng vào TP.HCM, tài xế và phụ xe đều phải xét nghiệm lấy giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2. Giấy này chỉ có hiệu lực trong vòng 3 ngày nên chỉ tính riêng chi phí này đã đội lên hơn 1 triệu đồng/tuần so với trước.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là lượng hàng cung cấp cho TP.HCM giảm mạnh nhưng mọi chi phí xăng, xe, nhân công vẫn vậy khiến nhà xe đang trong cảnh “gồng mình” chịu lỗ.

Bình Nguyên - Hải Quân

Tin xem nhiều