Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng do Trung ương và tỉnh triển khai trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng do Trung ương và tỉnh triển khai trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn.
Công nhân thi công công trình Trường mầm non số 1 tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đảm bảo khoảng cách trong lúc làm việc để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: P.TÙNG |
* Còn nhiều vướng mắc
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong 2 dự án trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Được khởi công xây dựng từ tháng 9-2020, đến nay, sau gần 1 năm xây dựng, những km đầu tiên của tuyến cao tốc này đã được thi công cấp phối đá dăm để chuẩn bị thảm nhựa bê tông lớp đầu tiên.
Đến thời điểm này, dù được đánh giá là vẫn đảm bảo tiến độ đề ra, tuy nhiên dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn có nguy cơ bị chậm tiến độ chung do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn đất phục vụ san lấp nền vẫn chưa được giải quyết.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đối với dự án Xây dựng hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) có chiều dài toàn tuyến khoảng 1,8km, TP.Biên Hòa phải thực hiện thu hồi diện tích đất khoảng 12ha để phục vụ thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư dự án mới chỉ được bàn giao mặt bằng khoảng 500m chiều dài tuyến. |
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT), chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhu cầu về đất san lấp phục vụ thi công là khoảng 2,9 triệu m3 (chưa tính khối lượng đất tận dụng, điều phối trong tuyến). Để phục vụ dự án, có 10 mỏ đất đắp nền đường với trữ lượng khoảng 9 triệu m3 đã được đưa vào quy hoạch. Tuy nhiên, trong số các mỏ đất nói trên, hiện mới chỉ có 3 mỏ được cấp phép khai thác với trữ lượng thực tế chỉ khoảng 1,25 triệu m3.
Ông Nguyễn Công Hợp, Phó trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, phần lớn khối lượng đất đắp nền đường phục vụ cho dự án đến thời điểm này là nguồn đất tận dụng, điều phối khi thi công trên tuyến. Tuy nhiên, nguồn đất tận dụng này hiện đã cạn kiệt. “Nguồn đất tận dụng đã hết, nguồn đất bên ngoài cũng không có để mua trong khi các mỏ đất theo quy hoạch vẫn chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép. Do đó, thiếu nguồn đất đắp nền đường đang là khó khăn lớn nhất đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hiện nay. Không đắp được nền đường thì các hạng mục sau cũng bị ngưng trệ theo” - ông Nguyễn Công Hợp cho hay.
Dự án Xây dựng hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh được triển khai trên địa bàn TP.Biên Hòa. Cuối năm 2020, dự án được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, sau khi khởi công, dự án này vẫn không thể thực hiện thi công do thiếu mặt bằng. Giữa tháng 4 vừa qua, tức sau gần 4 tháng được khởi công, hạng mục đầu tiên của dự án là cầu An Hòa 2 mới được triển khai thi công. Mặc dù vậy, việc thi công của nhà thầu cũng hết sức khó khăn do không có mặt bằng để tập kết vật liệu, máy móc. “Để tập kết vật liệu, máy móc, hiện nhà thầu phải thuê tạm đất của người dân” - ông Nguyễn Tiến Lợi, phụ trách thi công cầu An Hòa 2 thuộc liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty TNHH Cường Hùng cho biết.
Trong khi đó, đối với dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên hương lộ 2, dù đã được khởi công xây dựng từ tháng 10-2020, thế nhưng cho đến nay chủ đầu tư vẫn chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch. Việc vẫn còn 1 hộ dân chưa thực hiện bàn giao mặt bằng khiến cho công tác thi công tiếp tục gặp khó khăn. “Hiện việc thi công vẫn gặp khó khăn do vướng mặt bằng của 1 hộ ở phía đường đầu cầu phía mố M2” - ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết.
* “Khó chồng khó” vì đại dịch
Từ giữa tháng 6-2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng.
Khó khăn về thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chưa được giải quyết |
Cầu An Hòa 2, một hạng mục thuộc dự án Xây dựng hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) được bắt đầu triển khai xây dựng từ giữa tháng 4-2021. Tuy nhiên, hiện nay, việc thi công đã bị tạm ngưng do công trường nằm trong khu vực bị phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, đối với các dự án không nằm trong vùng phong tỏa, dù vẫn đang tiếp tục thi công nhưng các nhà thầu cũng gặp vô vàn khó khăn khi triển khai các hạng mục do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo ông Ngô Thế Ân, nguồn cung cấp đá xây dựng cho dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt được lấy chủ yếu từ mỏ đá Soklu trên địa bàn H.Thống Nhất. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, khu vực khai thác đá buộc phải ngưng hoạt động để phòng, chống dịch nên nguồn cung cấp đá xây dựng cho dự án cũng vì thế bị gián đoạn. Không những nguồn đá xây dựng, việc cung cấp các loại vật liệu khác phục vụ xây dựng dự án hiện cũng rất khó khăn do khâu vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. “Khó khăn về nguồn vật liệu đang là trở ngại lớn khiến công tác thi công tại các dự án bị đình trệ. Không những các nơi sản xuất bị ảnh hưởng mà việc vận chuyển vật liệu về công trường cũng rất khó khăn và mất nhiều thời gian hơn trước. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án” - ông Ân cho hay.
Tương tự, tại dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Nguyễn Công Hợp cho biết, việc vận chuyển vật tư, nguyên liệu phục vụ thi công cũng đang hết sức khó khăn. Bởi, các tài xế bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được phép điều khiển phương tiện vận chuyển. Một số nhà cung cấp vật tư, vật liệu do chi phí tăng cao nên cũng rất “cầm chừng” trong việc thực hiện cung cấp nguyên vật liệu đến công trường thi công.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi khâu cung ứng vật tư, vật liệu, các dự án xây dựng trên địa bàn hiện cũng đang bị thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ thi công bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, do tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội trên toàn địa bàn, trong đó có một số khu vực bị phong tỏa để phòng, chống dịch nên việc huy động nhân công, cán bộ kỹ thuật phục vụ thi công của các nhà thầu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Một số cán bộ kỹ thuật, kỹ sư ở trong vùng cách ly phong tỏa nên không thể đến công trường làm việc. Cùng với đó, một số cán bộ kỹ thuật, kỹ sư do thuộc nhóm đối tượng F0, F1 cũng buộc phải thực hiện cách ly nên nguồn nhân lực phục vụ thi công tại các dự án bị thiếu hụt. Tất cả đang ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án mà đơn vị được giao làm chủ đầu tư” - ông Ngô Thế Ân cho biết.
Phạm Tùng