"Làn sóng" dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, nhất là khi toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nơi bị phong tỏa. Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, tình người càng được nhân lên.
“Làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, nhất là khi toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nơi bị phong tỏa. Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, tình người càng được nhân lên.
Tặng lương thực cho người dân ở khu cách ly y tế khu chợ đêm Biên Hùng của P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Ảnh: Huy Anh |
Truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” được mọi người cùng phát huy. Nhờ đó, nhiều người được giúp đỡ để từng bước vượt qua trong đại dịch.
* Hành động nhỏ, nghĩa tình lớn
Ngoài đóng góp tiền cho hoạt động phòng, chống dịch theo Lời kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chị Lê Thanh Hiếu (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) còn cùng bạn bè chuẩn bị các phần quà để đi trao cho những người lang thang cơ nhỡ vào buổi tối.
Nhiều chủ phòng trọ giảm giá thuê phòng cho người lao động Trước thực trạng khó khăn của những người lao động nghèo tạm bị thất nghiệp do dịch Covid-19, nhiều chủ phòng trọ đã giảm tiền phòng cho người thuê. Có nơi giảm 100-200 ngàn đồng, có nơi giảm 50%, thậm chí có nơi miễn hẳn 100% tiền phòng. Chị Ngô Diệu Loan, chủ nhà trọ ở KP.3A, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) có 12 phòng trọ với giá cho thuê 800 ngàn đồng/tháng. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chị giảm 50% tiền phòng cho người thuê. Ngoài ra, khi có rau củ, chị cũng chia sẻ cho bà con lao động ở trọ. |
Thời điểm nhiều địa bàn chưa bị phong tỏa, chị Hiếu cùng các bạn của mình chuẩn bị quà rồi chạy xe dọc tuyến đường ở các phường: Bửu Long, Tam Hiệp, Hố Nai, Trảng Dài…, thấy ai lang thang, khó khăn là chia quà cho họ. Phần quà chủ yếu là nhu yếu phẩm: mì, gạo và tiền mặt khoảng 100-200 ngàn đồng. “Phần quà không lớn, do mình và các bạn cùng nhau góp tiền để chia sẻ cho người nghèo. Đồng thời, mình cũng tuyên truyền, vận động để mọi người cùng chung tay phòng, chống dịch” - chị Hiếu tâm sự.
Đại đức Thích An Thuận (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) là mạnh thường quân tham gia xuyên suốt với tổ chức Hội Chữ thập đỏ tỉnh trong công tác thiện nguyện. Kể từ khi TP.Biên Hòa thực hiện giãn cách xã hội đến nay, ngày nào ông cũng tham gia các đoàn cứu trợ để tặng nhu yếu phẩm, các phần cơm miễn phí cho người dân trong khu phong tỏa và hỗ trợ những lao động nghèo bị mất việc, không có thu nhập. Những đối tượng yếu thế khác như: người mù, người bị bệnh hiểm nghèo cũng được đại đức Thích An Thuận quan tâm giúp đỡ. “Thông qua Facebook, Zalo cá nhân của tôi, nhiều cá nhân, tổ chức khác cũng đóng góp, ủng hộ cho hoạt động thiện nguyện này” - đại đức Thích An Thuận cho hay.
Nhân viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham gia cân gạo để chia cho người nghèo. Ảnh: Hải Yến |
Chỉ tính riêng nguồn đóng góp, ủng hộ, đồng hành cùng đại đức Thích An Thuận đã có hàng ngàn gia đình được trợ giúp kịp thời nguồn nhu yếu phẩm, lương thực trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua.
* “Chiến sĩ” trên vườn rau
Khi TP.Biên Hòa phải thực hiện giãn cách xã hội, các chợ truyền thống, chợ tự phát buộc phải đóng cửa, chuỗi cung ứng có lúc bị gián đoạn khiến nguồn cung thực phẩm trở nên khan hiếm. Nhiều nông dân ở các huyện đã sẵn sàng góp rau cho các tổ chức đoàn thể để gửi đến hỗ trợ TP.Biên Hòa.
Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) đã chủ động tổ chức Chuyến xe rau 0 đồng để tặng rau cho bà con vùng dịch của các địa phương: Thống Nhất, TP.HCM, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa)… Sau 4 chuyến rau (mỗi chuyến khoảng 5 tấn), vườn rau của nhà hết, cô Thanh và Đoàn Thanh niên xã vận động bà con trong vùng tặng rau cho những Chuyến xe rau 0 đồng.
Lẽ ra vườn rau bán được 15-20 triệu đồng nhưng bà con chỉ lấy 2 triệu đồng để mua hạt giống. Để cắt được 1 xe rau 5 tấn, cần đến 30 người cắt trong 1 ngày. Ban đầu là một số giáo viên, học sinh tham gia làm việc, sau đó có thêm nhiều tình nguyện viên khác nữa.
Cụ Trần Thị Tài (ngụ xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) tham gia cắt rau hỗ trợ người dân ở các vùng cách ly y tế. Ảnh: Ngọc Hoàng |
Giữa cái nắng trưa nóng như thiêu như đốt, những tình nguyện viên cắt từ vườn rau này qua vườn rau khác, ê ẩm cả người nhưng ai cũng hào hứng, phấn khởi làm việc bởi trong họ có nhịp đập của trái tim nhân ái để cùng góp yêu thương gửi về vùng tâm dịch.
Chị Nguyễn Thị Mai Trang, Bí thư Đoàn Thanh niên xã, Đội trưởng Đội Phòng tuyến áo xanh xã Xuân Phú cho biết, Đoàn Thanh niên xã đã được sự ủng hộ tích cực của các mạnh thường quân trong việc đóng góp công sức, tiền của để thực hiện các Chuyến xe rau 0 đồng đến vùng dịch. Phong trào Chung tay đẩy lùi đại dịch đã thu hút nhiều tấm gương năng nổ, tích cực tham gia. Đáng ghi nhận là sự góp sức của những cụ cao niên như: cụ Trần Thị Tài 86 tuổi, cụ Châu Mỹ Hoa 78 tuổi, ngụ tại khu 4, TT.Gia Ray. Nghe thông tin các bạn trẻ cần người cắt rau ủng hộ vùng dịch, 2 cụ không ngại vất vả đã cất công đến hỗ trợ.
Cụ Trần Thị Tài bộc bạch: “Nhìn thấy người dân vùng dịch vui mừng vì nhận được phần rau quả, chúng tôi cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc. Những khó khăn, vất vả cũng không là gì…”.
Nhờ sự chung tay, góp sức đó, đến nay các chuyến xe rau 0 đồng vẫn tiếp tục được chuyển đến vùng dịch, giúp cho bữa ăn của những người dân trong khu cách ly đầy đủ chất dinh dưỡng hơn.
* Đồng lòng chống dịch
Giãn cách xã hội, phong tỏa nhiều nơi khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, gác lại khó khăn riêng, mọi người dân đều đồng tình ủng hộ thực hiện các biện pháp cấp bách chống dịch này với mong muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Chị Trần Thị Sáu (ngụ KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 người, đều đang ở trọ. Chồng và con trai làm nghề phụ hồ, con dâu làm trong công ty, tôi ở nhà trông 2 cháu nhỏ. Dịch bệnh đợt này, 3 lao động chính trong nhà bị mất việc nhưng tôi ủng hộ cách chống dịch của chính quyền. Chỉ mong sao nhanh dập được dịch để bà con được đi làm trở lại”.
Đoàn viên, thanh niên xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) tham gia cắt rau cho những chuyến xe rau 0 đồng để hỗ trợ người dân tại các khu cách ly y tế. Ảnh: Ngọc Hoàng |
Không dừng lại ở lời nói, người dân đã thể hiện sự đồng tình bằng hành động cụ thể, trong đó có việc quan tâm đến những lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.
Anh Nguyễn Thanh Huy, một mạnh thường quân của Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đóng góp 1 ngàn quả trứng gà và 100 triệu đồng để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn và cả lực lượng phòng, chống dịch. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trao 44 triệu đồng cho 11 y, bác sĩ bị nhiễm Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ chống dịch.
Nhiều hành động dù rất nhỏ nhưng thể hiện sự chia sẻ của người dân với lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Những đôi “tai giả” được may từ cúc áo và dây thun để giúp những người phải đeo khẩu trang gần như 24/24 giờ không bị đau tai; những chiếc áo mưa được gom góp để tặng lực lượng bảo vệ các chốt phong tỏa, cách ly y tế trong cơn mưa…
Nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp bữa ăn miễn phí, giàu dinh dưỡng cho các nhân viên trực tại các chốt phong tỏa, không chỉ cung cấp suất ăn trưa, chiều mà còn cả suất ăn khuya. Thiếu úy Nguyễn Vũ Quang, Công an P.Xuân Thanh (TP.Long Khánh) cho hay, trong những ngày làm nhiệm vụ trực gác tại khu phong tỏa, anh cùng lực lượng làm nhiệm vụ đã nhận được sự hỗ trợ về đồ ăn, thức uống của người dân quanh khu vực. Nhờ đó, các anh yên tâm để làm tốt công việc được giao.
Nhường cơm sẻ áo Trong đại dịch Covid-19, lao động tự do là những người phải chịu nhiều khó khăn, tổn thương nhất. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó sẵn sàng nhường phần quà hỗ trợ mình cho những người khó khăn hơn. Chị Nguyễn Thị Lê Thi (ấp 5, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) cho biết: “Tôi đang ở trong khu phong tỏa, tôi được hỗ trợ 1 phần quà gồm: gạo, nhu yếu phẩm và tiền mặt trị giá 500 ngàn đồng. Tuy làm nghề bán vé số nhưng tôi nghĩ mình còn trẻ, chưa khó khăn lắm nên xin nhường lại phần quà đó cho người già yếu hơn”. |
Hải Yến - Ngọc Hoàng