Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, dịch vụ, bán lẻ là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp. Dịch Covid-19 khiến cho sức mua nhiều mặt hàng, dịch vụ trên thị trường bị sụt giảm.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, dịch vụ, bán lẻ là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp. Dịch Covid-19 khiến cho sức mua nhiều mặt hàng, dịch vụ trên thị trường bị sụt giảm.
Đồ họa thể hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ của tỉnh ước đạt trong 6 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai - Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]Do đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải “gồng mình” cầm cự, tính toán phương án giảm bớt những gánh nặng về chi phí vận hành, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến… để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
* Áp lực chi phí mặt bằng
Tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khiến cho nhiều loại hình dịch vụ, thương mại liên tục đối mặt với những thách thức, phải tiết giảm nhân sự, tìm hướng chuyển sang kinh doanh trực tuyến, thậm chí một số cửa hàng đã phải cho thuê, sang nhượng lại mặt bằng kinh doanh…
Bà Hải Yến, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo trên đường Phạm Văn Thuận (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm ngoái, tình hình buôn bán tại cửa hàng khá chậm, trong khi hằng tháng phải trả 25 triệu đồng tiền mặt bằng cộng với tiền lương nhân viên, tiền điện, nước… Trong khi đó, dịch bệnh cứ liên tục đến rồi đi, cửa hàng cũng đã thích nghi tốt với hình thức bán hàng online. Do đó, bà đã quyết định sang nhượng lại mặt bằng từ tháng 6-2021 để chuyển sang hình thức bán hàng online tại nhà. “Mặc dù rất tiếc khi phải thanh lý giá rẻ tất cả nội thất cùng với tâm huyết xây dựng, thiết kế cửa hàng nhiều năm nay nhưng dịch bệnh kéo dài khiến tôi không thể “gồng” nổi, phải chấp nhận cắt lỗ còn hơn tiếp tục bám trụ. Không chỉ cửa hàng của tôi mà các hộ kinh doanh xung quanh cũng rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài”, khó khăn chồng chất khó khăn khi âm thầm chuyển nhượng mặt bằng hoặc thanh lý hợp đồng thuê trước hạn” - bà Hải Yến bộc bạch.
Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có bố trí các vách ngăn tại quầy thanh toán, dịch vụ và yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, tấm ngăn giọt bắn… |
Tương tự, ông Hoàng Chương, chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh ăn uống ở TP.Biên Hòa cho biết, thời gian qua, tình hình dịch bệnh đã khiến hoạt động kinh doanh của ông gặp khó khăn. Thông thường trước đây, mỗi quán trong chuỗi đều phục vụ từ 60-70 khách tại cửa hàng mỗi ngày, hiện tại chỉ duy trì từ 10-20 khách/ngày, chủ yếu lượng khách mua mang về hoặc đặt đơn hàng qua các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến... “Các cửa hàng của tôi đều tọa lạc ở những con đường đắc địa như Hà Huy Giáp, Võ Thị Sáu, Phạm Văn Thuận, nên chi phí thuê mặt bằng rất cao, từ 20-30 triệu đồng/tháng, cộng với tiền thuê nhân viên, điện, nước nên cầm chắc thua lỗ trong mỗi đợt dịch bùng phát... Thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, các cửa hàng trong chuỗi vẫn mở cửa hằng ngày nhưng mỗi lần phục vụ không quá 10 người để cầm cự, giữ khách và cố gắng thu được bao nhiêu hay bấy nhiêu để trang trải một phần chi phí” - ông Hoàng Chương chia sẻ.
* Sức mua chậm,doanh thu tụt dốc
Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến cho người dân có phần e dè, hạn chế đến các chợ, trung tâm thương mại, nơi công cộng. Bên cạnh đó, nhiều loại hình dịch vụ phải tạm ngưng hoạt động, hạn chế số lượng khách hàng để đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Điều này ảnh hưởng lớn tới doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng, ngành hàng, loại hình dịch vụ…
Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, ban quản lý các chợ truyền thống... trong tỉnh, khoảng 1 tháng nay, sức mua của người tiêu dùng giảm khá nhiều.
Phó trưởng ban Quản lý chợ Long Thành (H.Long Thành) Phạm Đức Nam chia sẻ, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sức mua tại chợ trong khoảng 1 tháng trở lại đây giảm mạnh khoảng 50-60% so với trước. Khối lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm tại chợ hiện vẫn ổn định. Chợ liên tục bám sát tình hình giá cả, nguồn hàng cung ứng để chủ động các phương án ứng phó với dịch bệnh cũng như đảm bảo các phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian này.
Một quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) tăng cường hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến |
Giám đốc Big C Đồng Nai Lê Văn Hồng chia sẻ, hiện nay siêu thị đã trở lại hoạt động bình thường sau khi kết thúc việc cách ly y tế (siêu thị từng phải tạm ngừng hoạt động, thực hiện cách ly y tế vào giữa tháng 6-2021 để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vì có ca nhiễm Covid-19 từng đến mua sắm), lượng khách đến mua sắm tại siêu thị vẫn chưa nhiều. Siêu thị đang đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến cũng như triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, doanh thu từ nhiều ngành dịch vụ trong tỉnh như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch, lữ hành… cũng chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19. Đây là những ngành dịch vụ gặp nhiều khó khăn nhất từ năm 2020 đến nay.
* Sẵn sàng tâm thế ứng phó với dịch bệnh
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, chuỗi dịch vụ, cửa hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ… đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, chủ động bố trí khu rửa tay sát khuẩn cho khách hàng trước khi vào mua sắm, nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang, tiến hành vệ sinh khử khuẩn thường xuyên tại các khu dịch vụ; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...
Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai Nguyễn Lê Cao Tuấn cho hay, siêu thị hiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: bố trí khu vực rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt tại lối vào siêu thị; yêu cầu nhân viên và khách hàng bắt buộc đeo khẩu trang khi vào trung tâm thương mại; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19... Đối với các gian hàng dịch vụ ăn uống, không phục vụ quá 10 khách trong cùng một thời điểm, bố trí các bàn ghế phục vụ, khu vực tính tiền… đảm bảo khoảng cách 2m.
Khách hàng khai báo y tế trước khi vào siêu thị BigC Đồng Nai mua sắm. |
Tương tự, ông Lê Văn Hồng cho biết thêm, Big C Đồng Nai sẽ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Trong đó, tất cả nhân viên của siêu thị đều bắt buộc đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn; siêu thị còn bố trí các vách ngăn tại quầy thanh toán, dịch vụ… Đối với khách hàng, siêu thị bố trí các khu vực kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang, đặc biệt là phải khai báo y tế trước khi vào siêu thị. Đồng thời, siêu thị còn đồng bộ lại hệ thống giám sát bằng camera để dự phòng rủi ro về dịch bệnh, truy xuất nhanh hơn lộ trình, hướng di chuyển, khoanh vùng những người tiếp xúc… đối với những trường hợp nghi ngờ là F0, F1 nếu vào siêu thị mua sắm.
Phó trưởng ban quản lý chợ Biên Hòa Nguyễn Văn Cương cho biết, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chợ đã nâng mức phòng, chống dịch Covid-19 lên cao hơn so với trước đây. Theo đó, bên cạnh các biện pháp như: bắt buộc đeo khẩu trang khi vào chợ, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, sát khuẩn các quầy dịch vụ, khai báo y tế…, chợ sẽ chủ động quản lý chặt chẽ những trường hợp ngoại tỉnh trước khi vào chợ, nhất là những tài xế ở các địa phương, khu vực đang có dịch cần xuất trình giấy kết quả xét nghiệm âm tính với với SARS-CoV-2 nếu muốn vào chợ…
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt gần 7,4 ngàn tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân những ngành dịch vụ này có mức tăng trưởng thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng và du lịch trong tỉnh đã hạn chế hoạt động từ tháng 5-2021 đến nay để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19… |
Hải Quân