Tính từ ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 15 của UBND tỉnh về cách ly xã hội trên phạm vi toàn tỉnh nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, đến nay "sức nóng" do nhu cầu tiêu thụ, tích trữ thực phẩm, rau củ quả tăng mạnh (trên địa bàn tỉnh nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng) đã tạm thời hạ nhiệt.
Tính từ ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 15 của UBND tỉnh về cách ly xã hội trên phạm vi toàn tỉnh nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, đến nay “sức nóng” do nhu cầu tiêu thụ, tích trữ thực phẩm, rau củ quả tăng mạnh (trên địa bàn tỉnh nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng) đã tạm thời hạ nhiệt. Tuy nhiên, các kênh phân phối chính (chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ tự phát...) phải đóng cửa tạm thời một cách gấp gáp để thực hiện yêu cầu phòng dịch đã khiến dòng luân chuyển nông sản, thực phẩm từ các vùng sản xuất đến tay người tiêu dùng tạm thời bị đứt gãy, tạo nên cơn sốt giá cục bộ, tạm thời trong mấy ngày qua.
Nhu cầu tăng dẫn đến giá tăng đột biến trong ngắn hạn là điều khá bình thường dưới góc độ kinh tế, nhất là trong các bối cảnh như: thiên tai, dịch bệnh... Tâm lý tích trữ của các cá nhân và gia đình nhằm đảm bảo một lượng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm để yên tâm ở nhà phòng dịch cũng rất bình thường. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đột biến về nhu cầu này thường chỉ xảy ra trong ngắn hạn, thậm chí có thể tạo nên sự khan hiếm nhất thời ở những nơi đặc biệt như các vùng cách ly y tế, các khu vực phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Câu hỏi quan trọng cần đặt ra là nguồn cung lương thực, thực phẩm, nông sản… có đủ để cung ứng cho nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh hay không? Vì nếu nguồn cung đảm bảo thì sự khan hiếm hay tăng giá lương thực, thực phẩm sẽ được giải quyết khi có các chính sách điều tiết và phân phối kịp thời.
Nói về nguồn cung, chỉ tính riêng tại Đồng Nai, có thể khẳng định các mặt hàng nông sản thiết yếu như: thịt heo, thịt bò, gà, vịt, trứng… cùng rau củ quả, trái cây các loại... là không thiếu; tổng đàn chăn nuôi thuộc tốp đầu cả nước với hơn 2,4 triệu con, tổng đàn trâu, bò trên 89,5 ngàn con, tổng đàn gia cầm trên 25,6 triệu con đều đạt mức tăng trưởng tốt, đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
Riêng mặt hàng rau xanh, theo số liệu khảo sát mới nhất của Sở NN-PTNT, tổng sản lượng rau ăn lá và rau ăn trái sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 227,6 tấn/ngày, không chỉ đảm bảo cung cấp cho địa bàn tỉnh mà còn cung cấp cho các địa phương khác. Hiện nay, mặt hàng rau xanh đang có giá tốt nên nông dân các địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.
Vậy vấn đề còn lại là các giải pháp nhanh nhạy, linh hoạt để thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, nông sản kịp thời đến các nơi đang có nhu cầu cao. Trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, mọi nguồn lực cần được huy động để sớm đưa hàng hóa, nông sản, thực phẩm đến tay người tiêu dùng và để giá cả sớm bình ổn trở lại. Tổ chức các trạm trung chuyển, các kênh bán hàng lưu động, huy động đội ngũ giao hàng, huy động các nguồn lực trong xã hội chung tay vào phân phối để ít nhất giải quyết được nhu cầu cấp bách trước mắt. Dĩ nhiên, tất cả đều phải nằm trong sự kiểm soát an toàn phòng dịch cũng như tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không có lựa chọn nào là dễ dàng, vậy nên cùng chung tay giải quyết khó khăn để cùng nhau vượt qua đại dịch là giải pháp hiệu quả nhất lúc này.
Vi Lâm