Tính đến cuối tháng 5-2021, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 813,6 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, giảm hơn 5,6 ngàn người so với cuối năm 2020, thấp hơn chỉ tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao.
Tính đến cuối tháng 5-2021, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 813,6 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, giảm hơn 5,6 ngàn người so với cuối năm 2020, thấp hơn chỉ tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao.
Biểu đồ thể hiện số người nhận bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong những năm gần đây và 5 tháng đầu năm 2021. Đồ họa : Hạnh Dung |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng người tham gia BHXH là do gia tăng số người nhận trợ cấp BHXH một lần (rời khỏi hệ thống BHXH).
* Khoảng 41 ngàn người rời hệ thống BHXH mỗi năm
Thông tin từ BHXH tỉnh, trung bình mỗi năm có khoảng 41 ngàn người rời khỏi hệ thống BHXH từ việc nhận BHXH một lần. Chỉ riêng trong tháng 5-2021, toàn tỉnh có hơn 5,5 ngàn người hưởng chế độ BHXH một lần. Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có hơn 25,7 ngàn người lao động (NLĐ) nhận BHXH một lần, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, trong tháng 5-2021 số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 6 ngàn người, tăng 42% so với tháng 4-2021. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 17,4 ngàn người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, đa số NLĐ đề nghị giải quyết trợ cấp BHXH một lần có thời gian tham gia đóng BHXH bắt buộc khá ngắn, bình quân là 4,54 năm đối với nam và 4,28 năm đối với nữ. Độ tuổi nhận BHXH một lần từ trên 20 tuổi đến đủ 50 tuổi chiếm khoảng 92,5% tổng số người nhận BHXH một lần. Người nhận trợ cấp BHXH một lần là nữ cao hơn nam. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp chuyên về da giày, may mặc… trên địa bàn tỉnh sử dụng phần lớn lao động nữ.
Người lao động tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa trong giờ làm việc (ảnh minh họa). Đồ họa : Hạnh Dung |
Chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa), trước đây làm việc tại một công ty chuyên về may mặc ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết, cách đây hơn 1 tuần, chị phải nghỉ việc do công ty cắt giảm lao động. Hơn 1 tuần qua, chị Hiền cầm hồ sơ đi xin việc ở một số công ty nhưng chưa tìm được công việc phù hợp. Để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, chị Hiền làm hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và dự định sẽ làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần sau 8 năm tham gia.
Ông Huỳnh Anh Tú, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên từ tháng 4-2020 đến nay, số NLĐ đăng ký hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân phần lớn do NLĐ mất việc làm, việc làm không ổn định, không có thu nhập hằng tháng để đảm bảo cuộc sống. Khoản tiền BHXH một lần mà họ nhận được tuy không quá lớn nhưng giúp họ giải quyết được khó khăn trước mắt.
* Cân nhắc kỹ thiệt, hơn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hằng năm của NLĐ là 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì với mỗi năm đóng BHXH, NLĐ chỉ được hưởng tối đa là 1,5 tháng lương mức bình quân tiền lương tháng đóng cho những năm đóng trước năm 2014 và tối đa là 2 tháng lương mức bình quân tiền lương tháng đóng cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, nếu nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành nói thêm, người lao động nhận BHXH một lần sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu khi đủ thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đủ tuổi để nhận lương hưu. Khi tuổi đã cao, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cuộc sống, người già sẽ phải phụ thuộc vào con cháu và cần đến sự hỗ trợ từ xã hội. Sau khi hưởng BHXH một lần và không tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tại doanh nghiệp, đơn vị, NLĐ sẽ phải tự mua thẻ BHYT mỗi năm. Giá mua thẻ BHYT sử dụng trong 1 năm hiện nay là hơn 800 ngàn đồng. Trường hợp không mua thẻ BHYT mà mắc bệnh, phải nằm viện điều trị, NLĐ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là tiền viện phí cao do không được quỹ BHYT chi trả.
Trước thực trạng nhiều NLĐ trong các doanh nghiệp ở nhiều địa phương đổ xô đi nhận BHXH một lần, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn yêu cầu các cấp Công đoàn trong cả nước tiếp tục thực hiện các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ, khuyến cáo NLĐ chỉ làm hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần trong trường hợp bất khả kháng.
Tổ chức Công đoàn cần chú trọng thông tin, truyền thông rộng rãi tới NLĐ: tính ưu việt, lợi ích lâu dài khi tiếp tục tham gia BHXH, khuyến cáo NLĐ chỉ đề nghị hưởng BHXH một lần trong trường hợp bất khả kháng, không thực hiện mua bán, cầm cố, thế chấp sổ BHXH; các quy định về tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động để NLĐ lựa chọn phương án phù hợp, đảm bảo quyền lợi lâu dài, hạn chế tình trạng viết đơn thôi việc do bị tác động; về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”, từ đó cảnh giác, không sa vào “tín dụng đen” dưới mọi hình thức.
Các cấp Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cấp trên cơ sở cần tăng cường truyền thông, giới thiệu, phát biểu trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời nắm bắt tình hình, tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động, không để ngừng việc tập thể trái pháp luật xảy ra liên quan hoặc không liên quan đến quan hệ lao động.
* Cần điều chỉnh chính sách để thu hút người tham gia
Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, đến hết năm 2020, cả nước còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Chính sách BHXH bắt buộc chưa đề cập đến một số nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng tham gia như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt. Vì thế, mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 45% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là một thách thức rất lớn.
Người lao động đến Bảo hiểm xã hội tỉnh làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần |
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH rất khó khăn. Để đạt được mục tiêu về diện bao phủ đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bộ LĐ-TBXH đã có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi. Trong đó đề xuất: mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu; tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Cụ thể là bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương; có quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với công chức viên chức, NLĐ không chuyên trách ở cấp xã, người giao kết hợp đồng lao động...
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH còn đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm nhằm thu hút NLĐ ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
Hạnh Dung