Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan rộng, chợ tạm, chợ tự phát là những nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao. Đặc biệt, tình trạng người dân, công nhân lao động tập trung đông đúc vào các giờ cao điểm nhưng thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan rộng, chợ tạm, chợ tự phát là một trong những nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao. Đặc biệt, tình trạng người dân, công nhân lao động tập trung đông đúc vào các giờ cao điểm nhưng thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn càng khiến công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh đã quyết định tạm dừng hoạt động tại các chợ tự phát, nghiêm cấm bán hàng rong trong thời gian này.
Đồ họa thể hiện thông tin nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm và tập trung đông người làm lây lan dịch bệnh Covid-19. (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc) |
Dẹp chợ tự phát cũng là một trong những hình thức chỉnh trang lại bộ mặt đô thị, góp phần lập lại an ninh trật tự, an toàn giao thông.
* Chủ động tạm dừng chợ tự phát
Sau 2 ngày UBND H.Trảng Bom yêu cầu tạm đóng cửa các chợ tự phát trên địa bàn, hầu hết tiểu thương tại các chợ đều chấp hành nghiêm để chung tay chống dịch. Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại các chợ: Khu công nghiệp Bàu Xéo, Khu công nghiệp Hố Nai…, hầu hết các hàng quán đều đã đóng cửa, một số chợ tự phát còn giăng dây dọc vỉa hè để người dân chấp hành nghiêm quy định phòng dịch.
Chị Lê Thị Mai, tiểu thương bán thịt tại chợ tự phát khu vực Khu công nghiệp Hố Nai (xã Hố Nai 3) cho biết, ngày đầu tiên sau khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, nhiều tiểu thương tại chợ đã chấp hành, dọn dẹp các điểm kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường. Hàng hóa chưa kịp tiêu thụ sẽ được giao tận nơi cho người mua. “Cả gia đình đều sống dựa vào nghề buôn bán của tôi nhưng nếu không chấp hành, để dịch lây lan cũng không thể làm ăn được. Tôi mong Đồng Nai nhanh chóng dập dịch để tình hình ổn định hơn, khi đó chính quyền cho bán lại thì chúng tôi bán tiếp” - chị Mai nói.
Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho hay, bắt đầu từ ngày 7-7, UBND huyện đã đóng cửa chợ tự phát, nghiêm cấm việc bán hàng rong, các hoạt động giao dịch tụ tập không cần thiết. Địa phương giao chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm. Vận động tiểu thương, người buôn bán chấp nhận đóng cửa hàng chờ dịch bệnh tạm ổn mới hoạt động trở lại.
Khu vực chợ tự phát cây xăng 26 trên đường Nguyễn Văn Tiên (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) thông thoáng sau khi tạm dừng hoạt động |
Nhằm hạn chế dịch bệnh có nguy cơ lây lan, gần 1 tuần nay, UBND P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) đã cho tạm ngưng hoạt động các chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn. Khác với hình ảnh xe đẩy, xe tự chế dừng dọc ngang tại đường giữa chợ để buôn bán như thường ngày, khu vực chợ tự phát trên đường Nguyễn Văn Tiên (KP.9, P.Tân Phong) trở nên thông thoáng, xe cộ đi lại thuận tiện và không còn xảy ra ùn tắc giao thông như trước.
Anh Hồ Văn Quyền, chuyên bán cá ở chợ này cho hay, ngay khi quy định này ban hành, vào thời điểm sáng và chiều, lực lượng công an phường, dân phố, trật tự đô thị… đã đi kiểm soát để tránh tình trạng họp chợ khi vắng mặt cơ quan chức năng. Khi người dân dừng xe lại đông, cơ quan chức năng liền có mặt yêu cầu giãn cách. “Từ tờ mờ sáng, cán bộ phường và trật tự đô thị đã đi thông báo phải nghỉ bán. Giờ quy định vậy thì mình phải nghỉ thôi vì nếu không chấp hành sẽ bị phạt” - anh Quyền nói.
Đại diện UBND P.Tân Phong cho biết thêm, tại tất cả chợ tự phát, chợ tạm đã có lực lượng chức năng chốt chặn, giăng dây, đặt biển cấm và xe tuyên truyền lưu động. Một khung cảnh khác hẳn so với trước đây, không còn người mua dừng xe dưới lòng đường, không còn cảnh hàng hóa bày bán tràn lan trên vỉa hè.
Tương tự, từ ngày 6-7, hoạt động tại các chợ tự phát trên địa bàn xã Tam An (H.Long Thành) cũng được siết chặt. Tại những nơi trước đây thường tổ chức họp chợ, tụ tập mua bán đông người, chính quyền địa phương đã dựng rào chắn ở hai đầu đường vào chợ. Lực lượng dân quân, công an xã, trật tự đô thị thường xuyên túc trực yêu cầu người dân hạn chế ra vào. Nhiều xe đẩy bán hàng rong dịch chuyển ra khoảng đất trống, khu vực ít người qua lại để buôn bán, nhưng chỉ ít phút sau cơ quan chức năng đã có mặt để giải tán.
* Xử lý nghiêm các vi phạm
Theo UBND TP.Biên Hòa, trước đây, khi Đồng Nai thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, việc buôn bán, họp chợ vẫn diễn ra phức tạp. Các khu chợ tự phát không rõ người mua bán diễn ra hằng ngày khiến việc kiểm soát dịch tễ gặp nhiều khó khăn. Do đó, nguy cơ lây lan dịch tại các chợ rất cao. Trên địa bàn tỉnh đã phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19 từ các chợ Tân Biên (P.Tân Biên), chợ cá Hóa An (P.Hóa An), khu vực chợ tạm tại các phường khác…
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, TP.Biên Hòa yêu cầu, kể từ 15 giờ ngày 9-7, các khu vực chợ tạm, chợ tự phát tại các xã, phường tạm ngưng hoạt động; đồng thời, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán không đảm bảo quy định về phòng, chống dịch và các quy định khác có liên quan.
Nguy cơ dịch bệnh Covid-19 lây lan từ các khu chợ tự phát rất lớn. Trong ảnh: Người dân tụ tập mua bán, họp chợ ngay giữa đường tại khu chợ tự phát thuộc P.Long Bình, TP.Biên Hòa (Ảnh chụp ngày 8-7) |
Phó chủ tịch UBND P.Trảng Dài Dương Kim Trúc cho biết, Trảng Dài là địa phương có dân số đông, người lao động ngoại tỉnh tập trung sinh sống nhiều. Tuy nhiên, nhiều năm qua, phường không có chợ truyền thống mà có đến 6 khu chợ tự phát, gây khó khăn cho vấn đề quản lý, kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Thời gian qua, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân khi mua bán hàng hóa tại các chợ phải thực hiện các biện pháp phòng dịch. Mỗi ngày, các lực lượng chức năng của phường tổ chức 2 đợt đi kiểm tra, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, phường cũng đã chủ động tiến hành rà soát, thống kê được hơn 1 ngàn tiểu thương, người buôn bán tại các chợ để tổ chức truy xuất thông tin khi cần thiết cũng như lấy mẫu tầm soát diện rộng nhằm chủ động trong phòng, chống dịch. “Đây là “chìa khóa” để cơ quan chức năng nắm được thông tin, địa chỉ để khi có trường hợp liên quan đến ca nhiễm Covid-19 xuất hiện thì việc truy vết sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi” - bà Trúc nhấn mạnh.
Trong khi đó, P.Long Bình cũng là nơi có tình hình chợ tự phát, chợ tạm hoạt động diễn ra phức tạp suốt thời gian dài. Nhiều năm qua, các chợ tự phát ở KP.6, KP.8, chợ 45…, thường xuyên xảy ra tình trạng buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, nhất là vào giờ công nhân đi làm buổi sáng và tan ca vào mỗi buổi chiều. Nhiều người dân thậm chí ngồi ngay dưới lòng, lề đường để buôn bán, gây nên tình trạng ùn tắc, mất trật tự, an toàn giao thông.
Chủ tịch UBND P.Long Bình Nguyễn Quốc Vương cho hay, UBND phường nhiều lần phối hợp với Đội Quản lý trật tự đô thị TP.Biên Hòa, Công an phường tuần tra các chợ “cóc” quanh các khu công nghiệp, khu vực tập trung đông công nhân lao động. Từ đầu năm đến nay, UBND P.Long Bình đã xử lý hơn 1 ngàn trường hợp xe đẩy, xe ba gác, hàng quán lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán; đồng thời, dẹp được 2 chợ tạm hoạt động không đúng quy định.
Người dân buôn bán tại khu vực chợ Điều (KP.1, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chủ động thu hẹp nơi bán, tránh tập trung đông người để phòng, chống lây lan dịch Covid-19. Ảnh: THANH HẢI |
Theo ông Vương, trong quá trình thực hiện có một số hộ không chấp hành, các lực lượng chức năng cương quyết lập biên bản xử phạt hành chính. Dù tình trạng tập trung đông đúc để họp chợ đã giảm nhưng trên địa bàn vẫn còn 5 chợ tự phát. Do đó, thực hiện quy định của UBND TP.Biên Hòa về tạm dừng hoạt động các chợ tự phát, chợ tạm, địa phương sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, chấn chỉnh xử lý vi phạm; kiên quyết không để xảy ra tình trạng mua bán, tập trung đông người để họp chợ tại những khu vực cấm. “Để phòng, chống dịch Covid-19, tất cả các khu chợ tự phát trên địa bàn P.Long Bình được gắn bảng tạm thời ngưng hoạt động, rào chắn, giăng dây giải tỏa triệt để. Đây cũng là biện pháp trả lại lòng, lề đường thông thoáng cho người dân tham gia giao thông thuận lợi và an toàn” - ông Vương nói.
Các chợ truyền thống vẫn hoạt động bình thường Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn có 148 chợ đang hoạt động, trong đó có 1 chợ đầu mối (chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây), 29 chợ hạng 2, 9 chợ hạng 1 và 109 chợ hạng 3. Số lượng chợ tạm, chợ tự phát tập trung chủ yếu tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông người dân, công nhân lao động như: Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu… |
Thanh Hải