Đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trong cộng đồng và bắt đầu len lỏi vào một số KCN trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đã áp dụng phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm" để ngăn chặn dịch, đảm bảo sản xuất...
Đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trong cộng đồng và bắt đầu len lỏi vào một số khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã áp dụng phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm” để ngăn chặn dịch, đảm bảo sản xuất trong các nhà máy.
Công ty TNHH Daikan Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) áp dụng “3 tại chỗ” để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Hương Giang |
[links()]Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, toàn tỉnh có 31 KCN đang hoạt động, thu hút hơn 600 ngàn công nhân lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc. Lao động trong các DN đa số tự túc về chỗ ở nên sinh sống ở nhiều khu vực khác nhau. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp là một trong những nguy cơ lớn với các DN.
* Sẽ có hàng trăm DN áp dụng “3 tại chỗ”
Hơn 1 tháng nay, dịch bệnh Covid-19 có tốc độ lây nhiễm nhanh nên nhiều công ty trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương án “3 tại chỗ” là: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ để phòng, chống dịch. Đây chỉ là phương pháp tạm thời để DN khống chế dịch bệnh xâm nhập vào trong nhà máy.
Đến nay, nhiều DN đã ký kết đơn hàng lớn với đối tác trong và ngoài nước đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Vì thế, nếu DN để xảy ra một vài ca dương tính với SARS-CoV-2 trong nhà máy sẽ phải dừng hoạt động khoảng 21 ngày, tổn thất rất nặng nề.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều DN trên địa bàn tỉnh phải chịu thiệt hại nặng nề. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 187 DN giải thể; 204 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 548 DN tạm ngừng kinh doanh. |
Ông Nguyễn Duy Linh, phụ trách truyền thông Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam ở KCN Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho hay: “CP đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và tỉnh Đồng Nai trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Công ty đã cho những bộ phận có thể làm việc online ở tại nhà, còn lao động trực tiếp trong các nhà máy được bố trí ăn, nghỉ ngay tại nhà máy từ cuối tháng 6-2021”.
DN sắp xếp cho lao động ở trong nhà máy gặp nhiều khó khăn, bởi lâu nay ít công ty có xây sẵn khu nhà ở cho chuyên gia, công nhân. Do đó, nhiều công ty phải tạm thời di dời, dồn một số kho hàng, máy móc để lấy nơi ở cho người lao động nghỉ ngơi. Đồng thời, trong các khu ở tập thể phải đảm bảo khoảng cách an toàn cho từng người.
Ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Ngày 5-7-2021, Công ty Daikan thấy xuất hiện một số ca F0 tại các phường thuộc TP.Biên Hòa nên đã tiến hành bố trí cho hơn 80 công nhân sống ngay tại nhà máy để tránh bị lây nhiễm hoặc rơi vào vùng cách ly không thể đi làm việc. Công ty yêu cầu người lao động làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại nhà máy phải thực hiện nghiêm hướng dẫn 5K để phòng, chống dịch”.
Hiện nay, có nhiều DN đang đề xuất với Ban Quản lý các KCN Đồng Nai hướng dẫn chi tiết để thực hiện nhanh phương án “3 tại chỗ”. “Có hơn 50 DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh đã áp dụng “3 tại chỗ” để đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất. Trong đó, có những công ty thực hiện gần 1 tháng. Hiện nhiều công ty khác cũng yêu cầu Ban Quản lý các KCN Đồng Nai hỗ trợ để thực hiện giải pháp trên nhằm đảm bảo an toàn và Ban đang cố gắng hỗ trợ DN có thể triển khai kịp thời, góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả” - Phó trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết.
Người lao động trong Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) đảm bảo khoảng cách an toàn phòng dịch |
Nhiều công ty ở ngoài KCN cũng đã áp dụng “3 tại chỗ” để giữ an toàn cho công nhân và duy trì sản xuất ổn định.
Ngoài ra, có những công ty đã áp dụng “1 cung đường 2 địa điểm” là trên một tuyến đường chỉ vận chuyển người lao động từ nơi sản xuất đến nơi nghỉ ngơi (có thể là ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung). Từ cuối tháng 6-2021, khi thấy dịch diễn biến ở mức căng thẳng tại TP.HCM, Bình Dương, nhiều DN đã thuê khách sạn, nhà nghỉ cho cán bộ, công nhân viên nghỉ ngơi để hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Hằng ngày, DN sẽ bố trí xe đưa rước người lao động từ nơi ở đến công ty để làm việc.
* Nhiều DN khó thực hiện
Giải pháp “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm” không dễ thực hiện ở những công ty có đông lao động hoặc những ngành đặc thù khác như: thương mại, dịch vụ, vận tải.
Tại Đồng Nai, có những DN lực lượng lao động từ vài ngàn đến hàng chục ngàn người đang làm việc, sinh sống ở nhiều phường, xã trong và ngoài tỉnh, gom về một chỗ rất khó khăn. Do DN không có sẵn ký túc xá, khu nhà ở cho công nhân, còn thuê những khu nhà trọ, khách sạn, nhà nghỉ cho số lượng lớn người ở như vậy thì tất cả những địa bàn có nhiều KCN là TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu đều không đáp ứng nổi.
Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho sản xuất (ảnh chụp tháng 6-2021. Ảnh: H.Giang |
Đơn cử như Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 5, H.Nhơn Trạch) có khoảng 5 ngàn công nhân. Hiện công ty đang tính toán cho công nhân ở lại nhà máy, song vấn đề khó khăn nhất là chỗ ở. Vì khi xây dựng nhà máy, công ty không lường trước được sẽ có ngày xảy ra đại dịch, phải bố trí cho công nhân ở lại nhà máy nên không chuẩn bị sẵn. Muốn để người lao động ăn ở ngay tại công ty, đòi hỏi DN đủ mặt bằng, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn cho công nhân. Bài toán này rất khó tìm đáp án phù hợp trong thời gian ngắn. Nhiều DN đang bối rối trong việc thực hiện phương án trên nên chờ Ban Quản lý các KCN Đồng Nai có hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể.
Với các DN trên lĩnh vực thương mại, vận tải không thể áp dụng “3 tại chỗ” hoạch “1 cung đường 2 địa điểm” được vì đặc thù của ngành khác so với các nhà máy sản xuất.
Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Hà (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty chuyên vận chuyển hành khách nên không thể áp dụng các phương án trên được. Do các tài xế chở nhiều khách hàng khác nhau, nếu cho ở cùng thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ lớn hơn. Vì vậy, các tài xế vẫn ở những nơi khác nhau và xét nghiệm Covid-19 khoảng 3 ngày/lần sẽ an toàn hơn”.
Tuy nhiên, theo ông Minh, các tài xế ở những khu vực khác nhau lại lo địa điểm đó có ca F0 bị phong tỏa sẽ thiếu lao động.
Nhiều DN trên lĩnh vực vận tải, thương mại cho biết, đơn hàng có nhưng họ buộc phải từ chối bớt vì không ít lao động lo lắng dịch bệnh Covid-19, từ chối đến, đi qua những vùng có nguy cơ dịch bệnh cao. Điều này khiến các DN sản xuất lo lắng sẽ ảnh hưởng dây chuyền là chuỗi vận chuyển lao động, cung ứng sản phẩm sẽ bị gián đoạn.
Vấn đề nhiều DN cũng đang lo lắng là làm sao có đủ nguồn thực phẩm, suất ăn cho người lao động trong tình hình dịch bệnh tiếp tục lan nhanh và nhiều tuyến đường, khu vực sẽ bị phong tỏa. Số đông công ty tại Đồng Nai đặt DN cung ứng suất ăn công nghiệp bên ngoài đưa vào, một số công ty mua nguyên liệu nấu ăn ngay tại nhà máy. Hầu hết, DN đều chung nỗi lo là trường hợp những đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn công nghiệp không may rơi vào khu vực phong tỏa, ngay trong thời gian ngắn khó tìm nguồn cung bù lại.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết: “Sở đã có văn bản gửi Ban Quản lý các KCN Đồng Nai yêu cầu tổng hợp nhu cầu của DN về việc tìm nhà cung ứng suất ăn công nghiệp, hàng hóa thực phẩm để lên danh sách và có kết nối kịp thời với đơn vị cung ứng khác. Sở vừa làm việc với một số HTX, DN sản xuất rau củ quả, giết mổ heo, gà và sẽ giới thiệu cho những công ty có nhu cầu”.
Tại Đồng Nai, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đang chiếm gần 62% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do đó, các DN kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trong nhà máy, giữ được sản xuất, kinh doanh ổn định sẽ góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh cũng như cả nước.
Hương Giang