Những ngày này, từng đoàn nhân viên y tế của các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang hăng hái tình nguyện vào Nam chi viện nhân lực cho các địa phương nằm trong tâm dịch.
Tặng lương thực cho người dân ở khu cách ly y tế chợ đêm Biên Hùng của P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa Ảnh: HUY ANH |
Ở Đồng Nai thời điểm này, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp. Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng. Đã và đang xuất hiện các ổ dịch trong doanh nghiệp, khu nhà trọ, chợ truyền thống với số trường hợp F0, F1, F2 khá nhiều khiến cho công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch gặp nhiều khó khăn. Việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến đồng nghĩa với việc cần thêm những điều kiện về nhân lực, trang thiết bị y tế cần thiết để vận hành. Nhằm tăng cường nhân lực cho “điểm nóng” dịch bệnh là TP.Biên Hòa, lực lượng y tế các địa phương như: Long Thành, Long Khánh, Cẩm Mỹ đã lên đường nhận nhiệm vụ. Nhiều bác sĩ của một số bệnh viện tuyến tỉnh cạo trọc mái tóc để đỡ tốn thời gian chăm sóc, sẵn sàng bước vào tâm dịch, dồn hết sức lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Trong những bác sĩ, nhân viên y tế tự nguyện bước vào nơi nguy hiểm ấy, có những người con còn rất nhỏ, cha mẹ già cần chăm sóc… Thế nhưng, họ đã gạt đi những khó khăn của bản thân để hy sinh vì nhiệm vụ cao cả: vì tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của nhân dân. Phút giây tạm biệt người thân lên đường nhận nhiệm vụ, họ được cha, mẹ, vợ, chồng động viên để yên tâm hoàn thành tốt công việc, an toàn trở về. Tất cả mọi việc ở phía sau đã có hậu phương hỗ trợ…
Ngay trong những khu vực bị phong tỏa, tinh thần “tương thân tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” chưa khi nào lại lan tỏa mạnh mẽ, ấm áp đến như thế. Nhiều người dân từ xa lạ hóa thân quen, xích lại gần nhau, nhường bó rau, quả trứng, thậm chí là quả ớt, chút hành, ngò… Không ai bảo ai, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Chị bán vé số nhường phần quà vừa được cứu trợ cho bác xe ôm cùng xóm trọ vì “nhà mình vẫn còn đủ ăn”; cô công nhân mất việc cả tháng nay được bác tiểu thương chợ truyền thống tặng ký đậu phộng, lạng tôm khô để bớt khó khăn trong mùa dịch. Những gói quà cứu trợ là nhu yếu phẩm được các đơn vị, cá nhân liên tục gửi tới khu vực phong tỏa gói ghém biết bao tình cảm, sự yêu thương giữa con người với con người.
Trong khó khăn của “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, tình người càng tỏa sáng. Đó là sức mạnh của sự đoàn kết để cùng nhau nỗ lực vượt qua dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về với trạng thái bình thường sớm nhất…
Minh Ngọc