Báo Đồng Nai điện tử
En

Để không ai bị bỏ lại phía sau...

08:07, 07/07/2021

Đã hơn 1 tháng nay, chị hàng xóm của tôi bị mất việc do mấy gia đình chị vẫn đến giúp việc theo giờ không có nhu cầu nữa. Trước đó, chồng chị làm bảo vệ ở một nhà hàng cũng đã phải nghỉ việc do nhà hàng đóng cửa, không thể đón khách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đã hơn 1 tháng nay, chị hàng xóm của tôi bị mất việc do mấy gia đình chị vẫn đến giúp việc theo giờ không có nhu cầu nữa. Trước đó, chồng chị làm bảo vệ ở một nhà hàng cũng đã phải nghỉ việc do nhà hàng đóng cửa, không thể đón khách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Vợ chồng họ đang phải nuôi 2 con trong độ tuổi ăn học mà không có nguồn thu nhập, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng trở nên khó khăn gấp bội.

Để xoay xở, chồng chị xin làm shipper cho một cửa hàng tiện lợi, ngày kiếm mấy chục ngàn đồng để trang trải chi phí sinh hoạt. Còn chị, trong xóm ai có yêu cầu chở đi đâu hay mua bán, dọn dẹp gì, chị đều nhận lời miễn có thêm chút ít phụ chồng nuôi con. Chị kể, thời buổi dịch bệnh, nhu cầu giúp việc nhà giảm bớt do nhiều người có thời gian ở nhà, các con cũng không phải bận rộn đi học thêm hay đến trường nên phụ giúp cha mẹ dọn dẹp. Bên cạnh đó, thu nhập của nhiều gia đình vì dịch bệnh cũng bị ảnh hưởng nên họ thắt chặt chi tiêu, thay vì thuê mướn người thì họ tự làm để giảm chi phí. Vợ chồng chị từ ngày mất việc cũng phải tính toán lại chi tiêu trong gia đình để “sống” được trong thời điểm hiện tại, vì dịch bệnh chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, cuộc sống chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn.

Đó là tình cảnh của không ít người dân lao động hiện nay, nhất là những lao động tự do, bị mất việc làm, thu nhập bấp bênh, cuộc sống không được đảm bảo. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân thì sự hỗ trợ lúc này của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo nghị quyết này, có 12 nội dung và nhóm đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng trị giá gói hỗ trợ an sinh là 26 ngàn tỷ đồng. Trong đó, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 sẽ được nhận từ 1,5-3,71 triệu đồng/người, trong khi lao động tự do được hỗ trợ ít nhất là 1,5 triệu đồng/người… Rút kinh nghiệm từ đợt chi trả gói hỗ trợ lần 1, Chính phủ sẽ giao toàn quyền cho địa phương, căn cứ vào điều kiện và khả năng ngân sách, chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng và mức tiền. Ngân sách hỗ trợ cho lao động tự do do địa phương cân đối nguồn thu và dự phòng để lại.

Có thể thấy, đây là nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc chăm lo, quan tâm đến người lao động, nhất là những lao động tự do đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nhưng để gói hỗ trợ đến đúng tay người cần một cách nhanh chóng và kịp thời, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, rà soát, thẩm định để không một ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm này…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều