Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấp bách đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến đường tỉnh

04:07, 14/07/2021

Với những động lực phát triển lớn trong thời gian tới, một trong những yêu cầu cấp bách đối với Đồng Nai là phải nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới giao thông, nhất là giao thông nội tỉnh

Với các khu công nghiệp (KCN) sẽ được mở mới và các dự án trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn, thời gian tới, cơ hội tăng tốc phát triển của Đồng Nai sẽ rất lớn. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt những cơ hội này, hệ thống giao thông, nhất là giao thông nội tỉnh cần được đầu tư xây dựng nhanh và đồng bộ.

Đường tỉnh 768 đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng đối với đoạn từ cầu Thủ Biên đến TT.Vĩnh An,  H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Q.NHI
Đường tỉnh 768 đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng đối với đoạn từ cầu Thủ Biên đến TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Q.NHI

* Không để lỡ cơ hội phát triển

Dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành, dự án xây dựng lớn nhất cả nước đã chính thức được bấm nút khởi công vào đầu năm 2021. Theo dự kiến, hơn 4 năm nữa, giai đoạn 1 của dự án sẽ được hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Sân bay Long Thành không chỉ có ý nghĩa về mặt kết nối giao thông mà với tầm vóc của một sân bay lớn nhất cả nước, dự án này cũng mở ra cơ hội cho hàng loạt lĩnh vực kinh tế khác trên địa bàn cùng phát triển như: công nghiệp, dịch vụ, logistics, du lịch và phát triển đô thị.

Cùng với dự án Sân bay Long Thành, Chính phủ đã phê duyệt cho Đồng Nai bổ sung thêm khoảng 6,5 ngàn ha đất để phát triển công nghiệp. Do đó, thời gian tới, nhiều KCN quy mô lớn sẽ được mở mới trên địa bàn tỉnh. Kéo theo đó, cơ hội tăng tốc phát triển cả về kinh tế - xã hội của tỉnh cũng được mở rộng hơn.

Theo Sở GT-VT, từ năm 2017 đến nay, đã có 7 tuyến đường tỉnh: 763, 765, 767, 768, 769B, 773 và 775 được thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng. Cùng với đó, 4 tuyến đường quy hoạch mở mới cũng đã được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng một số đoạn gồm: 771B (đoạn 1); 769D (đoạn 1, 4, 5); 778 (đoạn 1) và 778B.

Ngoài các dự án của Trung ương đang được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai cũng đang triển khai thực hiện nhiều dự án lớn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một trong số đó là dự án Xây dựng cảng Phước An nhằm hiện thực hóa đưa Đồng Nai trở thành một trong những “thủ phủ” của ngành logistics.

Với hàng loạt các dự án hạ tầng, khu công nghiệp, những năm tới động lực tăng trưởng của tỉnh sẽ được gia tăng khi các nhà đầu tư sẽ đổ vốn để tận dụng lợi thế từ hệ thống hạ tầng. “Khi chúng ta vừa có cảng biển, vừa có sân bay thì sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp nghe báo cáo đánh giá nhu cầu và giải pháp khai thác vật liệu san lấp phục vụ các dự án vào ngày 3-6.

Với những động lực phát triển lớn trong thời gian tới, một trong những yêu cầu cấp bách đối với Đồng Nai là phải nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới giao thông, nhất là giao thông nội tỉnh nhằm nắm bắt kịp thời và không bỏ lỡ thời cơ. Bởi, một hệ thống giao thông nội tỉnh hiện đại và đồng bộ không chỉ giúp Đồng Nai nắm bắt cơ hội phát triển mà còn góp phần “cộng hưởng”, gia tăng thêm động lực phát triển.

* Số lượng cần đi đôi với chất lượng

Theo Sở GT-VT, từ năm 2017 đến nay, Đồng Nai đã đầu tư nâng cấp, mở rộng 7 tuyến đường tỉnh hiện hữu. Cùng với đó, 4 tuyến đường tỉnh được quy hoạch mở mới cũng đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng một số đoạn. Trong giai đoạn 2021-2025, theo quy hoạch đã được phê duyệt, Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện nâng cấp, kéo dài tuyến đối với 10 tuyến đường tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ đầu tư xây dựng mới thêm 3 tuyến đường tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn, với dự án Sân bay Long Thành đang được xây dựng và các KCN sẽ được mở mới trong thời gian tới, mạng lưới giao thông đường bộ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thực tế. Do đó, hệ thống giao thông nội tỉnh, nhất là các tuyến đường tỉnh cần được nghiên cứu mở mới thêm tuyến đồng thời tăng quy mô các tuyến đường hiện hữu. “Việc mở mới thêm các tuyến và tăng quy mô các tuyến đường tỉnh hiện hữu là cơ sở để đáp ứng phát triển hạ tầng giao thông toàn tỉnh trong tương lai” - ông Nguyễn Bôn cho biết.

Từ thực tế đó, cuối tháng 4-2021, UBND tỉnh đã chấp thuận đề xuất của Sở KH-ĐT về chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường tỉnh 773; dự án Đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 và dự án Đường tỉnh 770B (đoạn từ giao với đường tỉnh 763 đến quốc lộ 51). Trong số này, đường tỉnh 770B là dự án được đề xuất đầu tư xây dựng mới. Ngoài ra, Sở GT-VT cũng đã kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh giai đoạn đầu tư đối với 2 tuyến đường tỉnh khác. Theo đó, 2 tuyến đường tỉnh 764 và 767 được đề xuất thực hiện đầu tư nâng cấp ngay trong giai đoạn 2021-2025 thay vì giai đoạn 2026-2030 như quy hoạch.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều